Ảnh Internet

Ảnh Internet

WB: Tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn vững chắc

(ĐTCK) Sáng nay (5/10), Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo về tình hình kinh tế của các nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với nhận định, tăng trưởng sẽ có giảm nhẹ nhưng vẫn vững chắc.

Theo Báo cáo, Đông Á vẫn tiếp tục là khu vực tạo động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế thế giới, đóng góp gần 2/5 tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xét về tổng thể, ước tính toàn khu vực sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015, giảm một chút so với mức 6,8% năm ngoái.

“Tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn vững chắc, nhưng xu thế giảm nhẹ cho thấy các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu nhằm tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững, dài hạn và bao trùm. Các biện pháp cải cách cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý tài chính, thị trường lao động và thị trường sản phẩm, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình. Những biện pháp như vậy sẽ tạo lòng tin cho các nhà đầu tư và thị trường, giúp duy trì tăng trưởng bền vững và giúp người dân thoát nghèo”, ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, WB nói.

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vừa công bố hôm nay đã phân tích môi trường toàn cầu đầy thách thức mà các nước trong khu vực đang phải đối mặt.

Quá trình hồi phục kinh tế tại các nước thu nhập cao diễn ra chậm chạp, thương mại toàn cầu tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ 2009 và xu thế tăng trưởng chậm lại các nước đang phát triển lại càng thể hiện rõ, nhất là tại các nước sản xuất hàng hoá do giá cả hàng hoá đi xuống. Bức tranh tăng trưởng toàn khu vực khá đa dạng.

Theo dự kiến, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7% năm nay, sau đó sẽ giảm nhẹ do nền kinh tế chuyển hướng sang mô hình dựa vào tiêu dùng trong nước và dịch vụ, dẫn tới giảm nhẹ tăng trưởng.

Các nước còn lại trong khu vực sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2015, tương đương với mức tăng trưởng năm ngoái. Các nước xuất khẩu hàng hoá như Indonesia, Malaysia và Mông Cổ sẽ tăng trưởng chậm hơn và dự kiến thu ngân sách cũng thấp hơn trong năm nay do chịu tác động của giá hàng hoá thấp.

Các nước nhập khẩu hàng hoá vẫn tăng trưởng ổn định, thậm chí còn tăng trưởng mạnh. Chẳng hạn, Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 6,2% năm nay và 6,3% năm 2016. Tuy nhiên, tăng trưởng tại các nền kinh tế khác có quy mô nhỏ hơn sẽ giảm nhẹ.

Tại Campuchia, sản lượng nông nghiệp giảm gây tác động xấu lên nền kinh tế, nhưng mức tăng trưởng vẫn đạt 6,9% năm nay. Tại Myanmar, trận lụt nghiêm trọng hồi tháng 7 có thể sẽ kéo mức tăng trưởng xuống còn 6,5%, so với mức 8,5% năm 2014. Các quốc đảo Thái Bình Dương vẫn tăng trưởng nhẹ.

“Dự đoán tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ chậm lại do Trung Quốc đang cân đối lại nền kinh tế và ảnh hưởng của tốc độ bình thường hoá lãi suất cơ bản tại Hoa Kỳ”, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nói. “Những yếu tố đó có thể kéo theo bấp bênh tài chính trong ngắn hạn, nhưng đó là những điều chỉnh cần thiết cho tăng trưởng bền vững dài hạn”.

Báo cáo dựa trên giả định rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm dần trong giai đoạn 2016-2017. Đây là kịch bản khả thi vì Trung Quốc có đủ dư địa chính sách và công cụ để đối phó với rủi ro nếu tăng trưởng tiếp tục chậm lại, trong đó phải kể đến mức nợ công tương đối thấp, qui định hạn chế tiết kiệm ngoài hệ thống ngân hàng và vai trò chủ đạo của nhà nước trong hệ thống tài chính. Nếu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại hơn nữa thì các nước trong khu vực, nhất là những nước có quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch với nước này, sẽ bị tác động.

Báo cáo cũng cho rằng lãi suất tại Hoa Kỳ sẽ tăng dần trong vài tháng tới. Đây là khả năng đã dự đoán trước và sẽ diễn ra có trật tự nhưng dù sao vẫn tồn tại rủi ro rằng thị trường có thể sẽ phản ứng mạnh trước hành vi thắt chặt này làm cho các đồng tiền mất giá, lãi trái phiếu tăng, dòng vốn vào các nước bị suy giảm và mức thanh khoản cũng bị thắt chặt.

Trước những yếu tố bất lợi đó, báo cáo đã nhấn mạnh hai vấn đề cần ưu tiên trong khu vực: quản lý kinh tế vĩ mô cẩn trọng nhằm đối phó với các vấn đề bên ngoài và trong lĩnh vực tàichính; và tiếp tục cải cách theo chiều sâu, trong đó tập trung khuyến khích đầu tư tư nhân.

Tin bài liên quan