Theo WB, dự kiến tăng trưởng sẽ đạt trên 6% trong năm 2015 nhờ cầu trong nước mạnh. Điều này phản ánh tăng trưởng tiêu dùng cá nhân và đầu tư.
Mặc dù chính sách tiền tệ mở rộng, nhưng lạm phát vẫn sẽ thấp do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và do giá năng lượng, giá lương thực thấp.
Theo dự kiến, thâm hụt tài khoá sẽ được điều chỉnh nhờ các nỗ lực chấn chỉnh nhằm hạn chế tăng nợ công. Cán cân thương mại dự kiến sẽ thâm hụt trong năm 2015 do xuất khẩu tăng trưởng chậm, trong khi nhập khẩu tăng do các hoạt động kinh tế trong nước tăng. Nhưng lượng kiều hối mạnh sẽ giúp đảm bảo thặng dư cán cân thanh toán, tuy kém hơn nhiều so với năm ngoái.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với các rủi ro cả bên trong và bên ngoài. Các rủi ro bên ngoài gồm có tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu và còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố bất ổn và các yếu tố đó sẽ tác động mạnh tới Việt Nam do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại.
Thêm vào đó, giá gạo và các nông sản khác giảm sẽ tác động tiêu cực lên thu nhập và tiêu dùng nông thôn.
Về phía các yếu tố trong nước, cần có một kế hoạch tốt nhằm củng cố tài khoá trung hạn và được thực hiện cùng với quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm củng cố tài chính cho doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng quốc doanh. Đây chính là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế áp lực nợ công và tăng cường niềm tin của khu vực tư nhân.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có hiệu quả hoạt động tốt, trong khi các quốc gia ở Đông Á có tốc độ giảm xuống. Việt Nam cũng quyết tâm mạnh mẽ với sự tăng trưởng này, nhưng làm thế nào để tăng được 6% như mong muốn thì là điều phải suy nghĩ. Trước đây, Trung Quốc và Hàn Quốc cố gắng tăng trưởng 6-7% và đều cũng cần cải cách. Do đó, Việt Nam cần cải cách ngành ngân hàng do nợ xấu cao; cải cách DN nhà nước; tạo ra sân chơi công bằng cho DN, để các nhà đầu tư có vị thế như nhau…”, ông Sandeep Mahajan nói.