Ngày 13/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức buổi Họp báo công bố Báo cáo Điểm lại, một ấn phẩm bán thường niên cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu 2016 đồng thời dự báo triển vọng và phân tích các rủi ro thách thức với kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm.
Nghiên cứu của WB cho biết, nhờ vị thế kinh tế đối ngoại vững mạnh, tỷ giá thực hiệu lực (REER) tiếp tục tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chuyển sang quản lý tỷ giá linh hoạt dựa nhiều hơn vào diễn biến thị trường kể từ đầu năm 2016.
Tỷ giá trung tâm hiện đang được ấn định hàng ngày có tính đến các diễn biến thị trường và giá trị tiền tệ của các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam. Dòng ngoại tệ lớn đi vào do thặng dư tài khoản vãng lai và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục đã tạo điều kiện tích lũy dự trữ ngoại hối trong suốt cả năm 2016.
Cho dù có dòng ngoại tệ lớn đổ vào, tiền đồng vẫn bị mất giá nhẹ ở mức 1,23% năm 2016 và khoảng 1,3% kể từ đầu năm 2017. Do thặng dư hối đoái lớn, REER tiếp tục tăng khoảng 5% so với năm 2016 và 24% kể từ 2010.
Mặc dù tỷ giá thực tăng là do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đó lại là quan ngại đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước của Việt Nam, do họ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh và bất cân đối ngoại thương.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam chia sẻ, tín dụng tiếp tục tăng mạnh trong điều kiện chính sách tiền tệ tạo thuận lợi. Lãi suất chính sách chưa hề thay đổi kể từ năm 2014.
Kể từ đầu năm 2017, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng xoay quanh lãi suất chào mua giấy tờ có giá trên thị trường nhưng sau đó có xu hướng giảm, dẫn tới lãi suất thực gần bằng không.
Sau khi tăng trưởng mạnh trong các năm 2015 - 2016, tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng đầu năm 2017 với mức tăng khoảng 7,6% kể từ đầu năm, tương đương khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
“Chính phủ gần đây đã chỉ đạo NHNN nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng so với kế hoạch ban đầu 18%. Mặc dù tăng trưởng GDP với hàm lượng tín dụng cao hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư, nhưng có thể gây lo ngại về hiệu xuất của tín dụng mới và khả năng định giá rủi ro chưa hợp lý. Tín dụng tăng nhanh cũng có thể làm gia tăng quan ngại về chất lượng tài sản, đặc biệt khi những rủi ro trên bảng cân đối liên quan đến nợ xấu được tích lũy những năm qua chưa được giải quyết triệt để”, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.
Được biết, để xử lý quan ngại gia tăng về tác động bất lợi của tăng trưởng tín dụng cao đến chất lượng cho vay, NHNN đã ban hành các quy định chặt chẽ về an toàn trong các hoạt động cho vay.
Cụ thể, Thông tư số 39 (có hiệu lực từ 15/03/2017) quy định các TCTD không được cho vay vì các mục đích đảo nợ và các biện pháp xử phạt nghiêm khắc các khách vay quá hạn. Các biện pháp trên dự kiến sẽ ngăn ngừa tình trạng nợ xấu tiếp diễn, khuyến khích áp dụng các chuẩn mực cho vay an toàn hơn, giảm thiểu bất cân đối tiềm năng giữa tài sản có - tài sản nợ và có thể cũng nhằm tiết chế tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù một số biện pháp đã được thực hiện để giải quyết nợ xấu, theo WB, các vấn đề về chất lượng tài sản vẫn là một quan ngại. Kiểm toán Nhà nước và NHNN cho biết tổng nợ xấu (bao gồm nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, nợ xấu của các ngân hàng bán cho Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và nợ xấu tiềm năng được nắm giữ trên tài khoản của các ngân hàng thương mại ước bằng khoảng 10,1% tổng dư nợ của khu vực ngân hàng trong năm 2016 so với 8,85% năm 2015.
Đến cuối năm 2016, các khoản nợ được các ngân hàng thương mại phân loại là nợ xấu chiếm một phần tư tổng nợ xấu. Khối lượng lớn những tài sản xấu đã bán cho VAMC và những khoản nợ được phân loại là nợ xấu tiềm năng chiếm ba phần tư còn lại.
Ông Sebastian Eckardt nhận định, chính sách tiền tệ tiếp tục vẫn phải cân đối giữa hai mục tiêu tăng trưởng và ổn định. Định hướng chính sách tiền tệ cho năm 2017 phản ánh mục tiêu kép của NHNN nhằm đảm bảo ổn định đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng.
Các chỉ tiêu đặt ra bao gồm tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được duy trì ở mức khoảng 4% và tỷ giá được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 18%, và tổng cung tiền (M2) tăng mạnh ở mức 16-18% đồng thời đảm bảo nợ xấu vẫn thấp dưới 3% trên tổng tài sản của khu vực ngân hàng.
“Mặc dù NHNN đã tìm cách cân bằng giữa các mục tiêu khác biệt trên, nhưng về trung hạn NHNN không nên bao quá nhiều mục tiêu để chính sách tiền tệ có trọng tâm rõ rệt hơn về ổn định giá cả, đồng thời tạo sự linh hoạt về lựa chọn công cụ chính sách phù hợp”, ông Sebastian Eckardt cho biết.