Đúc kết sau 2 năm nghiên cứu về hệ thống tiền lương, bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, cả hai hệ thống này đều nhiều lỗ hổng.
"Nếu không có cải cách hệ thống hưu trí thì sự mất cân đối thu – chi sẽ tăng lên do số người được hưởng tăng. Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2030 và mức thâm hụt sẽ lên tới 25-30% GDP giai đoạn 2060–2070", ông Ousmane nhận xét.
Cụ thể, hệ thống hưu trí của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức do tốc độ già hoá dân số nhanh; cơ cấu, tỷ lệ thanh toán cao hơn mức người lao động đóng; người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội sớm, nghỉ hưu sớm và tuổi nghỉ hưu cuối cùng thấp...
Theo Giám đốc WB tại Việt Nam, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cách đây 4 năm phần nào giải quyết vấn đề thâm hụt dài hạn, nhưng những bài toán ngắn hạn như sự bất bình đẳng lớn về lương hưu giữa khu vực nhà nước và tư nhân vẫn còn. Vì thế cơ quan này đề xuất 4 nhóm giải pháp cải cách hệ thống hưu trí.
Trước tiên tỷ lệ điều chỉnh lương hưu sẽ theo chỉ số lạm phát và thấp hơn mức tăng tiền lương. Cùng với đó, độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau và nhích tăng dần tuổi nghỉ hưu.
WB cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam giảm tỷ lệ tích lũy và khoảng cách lương hưu giữa khu vực nhà nước và tư nhân để tạo sự công bằng. Cuối cùng, xem xét lại phương pháp điều chỉnh mức hưởng theo chỉ số lương.
Đánh giá cao WB tại Việt Nam đã chủ động nghiên cứu chính sách bảo hiểm xã hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tài liệu này sẽ giúp Chính phủ hoàn thiện đề án cải cách bảo hiểm xã hội, dự kiến trình Bộ Chính trị quyết định tại Hội nghị Trung ương 7 vào tháng 5. "Những nghiên cứu của WB là căn cứ quan trọng để Chính phủ Việt Nam vững tin hơn trong việc đưa ra những quyết sách", Phó thủ tướng nói.
Ông đề nghị WB cùng với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có sự phối hợp chặt chẽ hơn với bộ, ngành cập nhật các tham số, yếu tố đầu vào để đưa ra những dự báo sát hơn về mô hình cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội.