Trong “Điểm lại”, báo cáo bán thường niên của WB về tình hình kinh tế Việt Nam vừa công bố cho biết, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá theo hướng tích cực, mặc dù xuất hiện dấu hiệu giảm sút mang tính chu kỳ.
Tăng trưởng GDP sau khi đạt mức cao 7,1% vào năm 2018, dự báo sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2019 do sức cầu bên ngoài yếu đi, chính sách tài khóa và chính sách tín dụng tiếp tục được thắt chặt. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho biết, WB chưa thể đánh giá tác động của EVFTA vừa ký kết phản ánh trong kỳ dự báo lần này.
Ông Sebastian Eckardt nhận định, EVFTA sẽ giúp xuất khẩu tăng lên, một số ngành được hưởng lợi, nhưng hiệp định này có những thách thức đối với Việt Nam bởi nhiều cam kết khó triển khai và các lợi ích đầy đủ cũng khó có được ngay.
Để nắm bắt được các cơ hội thu hút đầu tư, tăng vốn FDI, đẩy mạnh xuất khẩu cũng như các triển vọng tích cực khác, chuyên gia WB cho rằng, Việt Nam chỉ có thể hiện thực hóa kỳ vọng nếu làm đúng cam kết, nâng cao chất lượng triển khai, tăng niềm tin từ nhà đầu tư, rà soát các biện pháp phi thuế quan ảnh hưởng đến xuất khẩu.
“Quá trình này cần nhiều thời gian, trước mắt, EVFTA chưa thể đem lại những lợi ích lớn cho Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt nói.
Tương tự, đề cập đến tác động của EVFTA đối với khu vực ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế, chuyên gia kinh tế trưởng WB cho biết điều này còn đợi xem xét các cam kết cụ thể sắp tới.
Đề cập thêm về lợi ích của EVFTA đối với Việt Nam, chuyên gia của WB cho rằng, mới chỉ là lợi ích về xuất khẩu chung chứ chưa phản ánh giá trị gia tăng của Việt Nam. Việt Nam hiện ở vị trí thấp trong chuỗi cung ứng bởi Việt Nam vẫn chỉ lắp ráp khâu cuối cùng nên hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp trong xuất khẩu.
Trong tổng xuất khẩu, Việt Nam tăng được con số tuyệt đối khoảng 6 tỷ USD, tương đương 2% GDP, nhưng con số này nhìn trong vĩ mô chưa phải là lớn và chỉ lớn trong một số ngành, ví dụ giày da, nông nghiệp, may mặc.
Cùng với những lợi ích có thể có được cho nhà xuất khẩu Việt Nam khi thuế quan giảm hơn, ông Sebastian Eckardt “nhắc” Việt Nam chú ý việc phải giảm thuế quan nhập khẩu và điều này sẽ gây áp lực cho nhà sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với hàng từ nước ngoài vào nhiều hơn, dù rằng đây là điều có lợi đối với người tiêu dùng.
Tuy việc cạnh tranh sẽ gây ra thách thức nào đó, nhưng điểm tích cực, theo chuyên gia của WB, với áp lực cạnh tranh sẽ giúp nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Nhìn tổng thể, việc cạnh tranh sẽ đem lại lợi ích cho các nhà sản xuất trong nước.
“Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần phải đảm bảo, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nước ngoài”, ông Sebastian Eckardt nói.
Đáng chú ý, sau 30 năm thu hút vốn FDI, một trong những hạn chế luôn được nhắc tới là thu hút FDI từ Mỹ và EU còn hạn chế, thậm chí quá ít ỏi so với tổng vốn FDI vào Việt Nam, cũng như so với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư này trên thế giới và vào các nước ASEAN. EU là nhà đầu tư lớn trong Top 10 tại Việt Nam, nhưng quy mô thấp hơn nhiều so với kim ngạch xuất nhập khẩu.
Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán “WB nhận định gì về tình hình trên trong bối cảnh EVFTA vừa ký kết”, ông Sebastian Eckardt nói: “Chúng ta luôn luôn kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu tăng lên và cùng với đó là một số ngành được hưởng lợi từ thuế quan giảm xuống. Tuy nhiên, một trong những lợi ích chính của EVFTA mang lại cho Việt Nam đó là đầu tư”.
Chuyên gia kinh tế trưởng WB phân tích, EVFTA sẽ giúp nguồn vốn đầu tư tăng bởi cùng với đó còn có hiệp định bảo hộ đầu tư giữa hai bên (IPA), đây là hiệp định rất quan trọng, sẽ thúc đẩy vốn đầu tư trong các ngành sản xuất. Nhà đầu tư châu Âu có thể chọn Việt Nam như một trung tâm sản xuất để xuất khẩu sang thị trường châu Á và đồng thời phục vụ chính thị trường trong nước.
“Đây là lợi ích chính chúng ta kỳ vọng”, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.