Theo Báo cáo Điểm lại, ấn phẩm bán thường niên về kinh tế Việt Nam của WB phát hành hôm nay (11/12), tốc độ tăng trưởng năm 2018 của Việt Nam được dự báo vẫn ở mức 6,8%, cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu - giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020. Lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định: “Cho dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định. Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thể trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dưa trên khu vực tư nhân song song với cải thiện hiệu suất đầu tư công”.
Tuy vậy, WB cũng chỉ ra những rủi ro đang tích tụ, theo hướng xấu đi. Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài. Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hành xuất khẩu, đồng thời, thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài.
Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế WB tại Việt Nam nhận định, thương mại đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam, nhưng hiện có 5 cản trở chính.
Cụ thể, thuế quan giảm đi mạnh nhưng phi thuế quan tăng mạnh. Mức thuế ưu đãi bình quân của Việt Nam đã giảm từ 13,1% năm 2003 xuống còn 6,3% năm 2015. Ngược lại, số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng lên trên 20 lần trong cùng kỳ.
Tiếp đến, hệ thống phi thuế quan chưa theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, mức ảnh hưởng chi phí cao nếu so sánh thuế quan trị giá tương đương Việt Nam-ASEAN. Bên cạnh đó, phức tạp với nhiều văn bản quy định. Cuối cùng là thủ tục và quy trình nghiệp vụ chồng chéo.
Trên cơ sở đó, WB đưa khuyến nghị 6 tháo gỡ:
Thứ nhất, định nghĩa và phân loại theo chuẩn quốc tế để làm rõ các mục tiêu chính sách, tăng cường tính minh bạch và tránh trùng lắp; để tránh tranh cãi trong thực thi các hiệp định thương mại; để thực thi cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN 2014.
Thứ hai, chính thức sử dụng và quy định phối hợp liên ngành để cập nhật dữ liệu Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP) để giúp DN tiếp cận thông tin minh bạch để tuân thủ quy định; để giúp cơ quan Chính phủ phân tích hoạch định và thực thi chính sách phi thuế quan hiệu quả; để thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO.
Thứ ba, lập quy trình chuẩn để rà soát trên cơ sở: chỉ đưa ra một biện pháp phi thuế quan khi có bằng chứng biện minh rõ rành cho một thất bại thị trường đã được phân tích thấu đáo; áp dụng đánh giá tác động pháp quy (RIA), phân tích chi phí-lợi ích; cần tham khảo các DN, các chuyên gia nghiên cứu; nên do đơn vị độc lập có năng lực không có lợi ích riêng rà soát; dưới sự chỉ đạo sát sao của một ủy ban liên ngành.
Thứ tư, tái thiết kế đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ. Tái thiết kế quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa và đồng bộ hóa các thủ tục tuân thủ các biện pháp phi thuế quan và hải quan là một bước tối quan trọng trước khi tự động hóa các quy trình này
Thứ năm, áp dụng quản lý rủi ro. Áp dụng quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan ngày càng được áp dụng rộng rãi tại Hải quan và các cơ quan quản lý phi thuế quan của nhiều quốc gia. Quản lý rủi ro giúp các cơ quan quản lý phi thuế quan nâng cao hiệu quả bằng cách tập trung nguồn lực vào các giao dịch rủi ro nhất.
Điều này vừa tạo thuận lợi cho các DN có lịch sử tuân thủ tốt và tiết kiệm nguồn lực cho việc kiểm soát các đối tượng rủi ro. Đánh giá rủi ro dựa trên hồ sơ rủi ro được khai thác từ dữ liệu tờ khai. Hợp tác liên ngành là tối quan trọng đặc biệt là chia sẻ dữ liệu phân tích rủi ro từ hải quan.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp liên ngành. Việc thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại là một bước khởi đầu tốt. Cần một bộ máy giúp việc mạnh, được trao quyền và có năng lực giúp điều phối các chính sách được khuyến nghị.
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam khuyến nghị: “Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, căng thẳng thương mại đang diễn ra và rủi ro tài chính tăng cao đang che mờ triển vọng toàn cầu. Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt và bội chi ngân sách thấp để nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc có thể diễn ra”.