Theo WB, sau khi tăng tốc mạnh trong năm 2015, tăng trưởng GDP đã giảm xuống trong nửa đầu năm 2016 (so với 6,35% cùng kỳ năm 2015). WB cũng cho biết sự giảm tốc này một phần gây ra bởi đợt hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng đã làm sản lượng nông nghiệp giảm 0,2%.
Tăng trưởng công nghiệp cũng giảm nhẹ do giá hàng hóa giảm và cầu bên ngoài trì trệ. Ngược lại, ngành xây dựng tăng trưởng tốt do tín dụng tăng mạnh và thị trường bất động sản phục hồi.
Ngành dịch vụ cũng tăng trưởng nhanh do ngành bán lẻ tăng trưởng nhờ cầu trong nước tăng mạnh.
Báo cáo cho biết, giá lương thực tăng và giá cả bị quản lý hành chính (giá dịch vụ giáo dục và y tế) nên lạm phát toàn phần vào thời điểm tháng 8 tăng nhẹ lên mức 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng thời gian đó tín dụng tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng GDP danh nghĩa.
Để giải quyết những quan ngại gia tăng về tác động tiêu cực của tình trạng tăng trưởng nóng tín dụng và chất lượng món vay, NHNN đã áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn với kỳ vọng giảm nhẹ các rủi ro hệ thống và kìm hãm bớt tăng trưởng tín dụng.
"Trong khi đó, chất lượng tài sản và rủi ro mất vốn liên quan đến tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, mặc dù phần lớn nợ xấu đã được chuyển sang VAMC", ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng WB cho biết.
Đầu năm NHNN đã chuyển sang hình thức quản lý tỷ giá linh hoạt hơn-và đây là một bước quan trọng tiến tới ứng phó nhanh với các biến động bên ngoài. Nhờ vậy, đồng tiền Việt Nam đã sụt giá nhẹ, khoảng 1% so với đầu năm. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ bắt đầu phục hồi, tuy còn khá chậm, đạt khoảng 2,5 tháng nhập khẩu vào cuối quý 1/2016 với lưu ý thêm rằng mức dự trữ năm 2015 là 2 tháng nhập khẩu.
Tuy nhiên, WB cho biết, mất cân đối tài khóa vẫn tích tụ và gây quan ngại. Thâm hụt tài khóa, kể cả các khoản ngoài ngân sách chiếm 6% GDP trong năm 2015 và làm cho nợ công Việt Nam tăng lên 62,2% GDP, tăng gần 11 điểm phần trăm so với năm 2010 và nhanh chóng tiền gần tới mức pháp luật cho phép là 65% GDP.
Kết quả tài khóa đầu năm 2016 cho thấy áp lực ngân sách vẫn tiếp tục do giá dầu giảm và hoạt động kinh tế yếu đi làm sụt giảm nguồn thu. Thâm hụt tài khóa sẽ vẫn cao trong năm nay…
Ông Sebastian Eckardt đặc biệt nhấn mạnh rủi ro và thách thức đối với kinh tế Việt Nam là chậm giải quyết nợ xấu và thắt chặt tài khóa.
Cụ thể, cầu trên thị trường bên ngoài giảm có thể làm xuất khẩu của Việt Nam giảm sút nhưng trong nước nếu chậm thực hiện tái cơ cấu sẽ không nâng cao được năng suất và tác động tiêu cực lên tăng trường trung hạn.
Chậm giải quyết nợ xấu và thắt chặt tài khóa cũng là những rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong tương lai. Ngoài ra, đợt hạn hán gần đây cho thấy tần suất xảy ra thiên tai tăng lên và đe dọa công cuộc giảm nghèo của Việt Nam.