Các dự án đợt đầu, giá trị lên đến 1,9 tỷ USD sẽ hỗ trợ 25 quốc gia, và các chương trình mới đang được chuẩn bị trên 40 quốc gia theo thủ tục nhanh.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới đang nỗ lực tái cơ cấu nguồn lực trên toàn cầu tại các dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ với trị giá lên đến 1,7 tỷ USD, bao gồm tái cơ cấu, sử dụng các hợp phần khẩn cấp trong các dự án hiện tại (CERC), kích hoạt các gói tín dụng rút vốn trong trường hợp thiên tai thảm họa (CAT DDO) tại mọi khu vực.
Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng chuẩn bị triển khai tới 160 tỷ USD trong 15 tháng tới để hỗ trợ các biện pháp ứng phó COVID-19 nhằm giúp các quốc gia giải quyết hệ quả y tế trước mắt của đại dịch, đồng thời trợ lực để khôi phục kinh tế.
Chương trình kinh tế này nhằm rút ngắn thời gian hồi phục, tạo điều kiện tăng trưởng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo vệ người nghèo và những người dễ tổn thương. Các hoạt động trên sẽ tập trung mạnh vào người nghèo, chú trọng tài trợ dựa trên chính sách, bảo vệ các hộ nghèo nhất và môi trường.
Theo Chủ tịch Nhóm WB David Malpass: “Nhóm Ngân hàng Thế giới đang hành động nhanh và đồng loạt nhằm giảm sự lây lan của COVID-19, chúng tôi đã và đang triển khai các hoạt động ứng phó y tế tại trên 65 quốc gia.
Chúng tôi đang nỗ lực tăng cường năng lực ứng phó đại dịch COVID-19 của các quốc gia đang phát triển và rút ngắn thời gian khôi phục kinh tế và xã hội. Các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì vậy nhân viên của chúng tôi trên khắp thế giới đang tập trung vào các giải pháp cấp quốc gia và khu vực để xử lý khủng hoảng đang diễn ra” .
Để xử lý tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang lan rộng, Ngân hàng Thế giới cũng hỗ trợ các quốc gia tiếp cận nguồn cung vật tư y tế đang túng thiếu bằng cách thay mặt các chính phủ liên hệ các nhà cung cấp. Ngân hàng Thế giới cũng khuyến khích các bên khác hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển để ứng phó y tế với COVID-19.
Theo ông Axel van Trotsenburg, Tổng giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới: “Gói ứng phó nhanh này sẽ cứu mạng sống, giúp phát hiện, phòng ngừa và ứng phó với COVID-19 tại các quốc gia chúng tôi đang phục vụ. Hoạt động tại các quốc gia của chúng tôi sẽ được điều phối cấp độ toàn cầu để đảm bảo chia sẻ nhanh thông lệ tốt nhất, bao gồm các phương thức nhằm tăng cường hệ thống y tế quốc gia và chuẩn bị cho các đợt sóng sau có thể xảy ra với virus gây tàn phá này”.
Đông Á và Thái Bình Dương: Tại Mông Cổ, 26,9 triệu USD sẽ giúp đào tạo cho bác sỹ chăm sóc cấp cứu, y tá và nhân viên cấp cứu; mua sắm vật tư và thiết bị y tế và xét nhiệm; khôi phục các cơ sở chăm sóc y tế; và củng cố năng lực ứng phó khủng hoảng y tế của quốc gia. Tại Campuchia, 20 triệu USD sẽ giúp thiết lập các phòng xét nhiệm, các trung tâm cách li và điều trị tại 25 bệnh viện tỉnh nhận bệnh nhân chuyển tuyến và trang bị cho họ vật tư xét nhiệm và y tế thiết yếu. |