WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 xuống còn 5,3%

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 xuống còn 5,3%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4/2022 , trong đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 từ mức 6,5% trước đó xuống còn 5,3%.

Nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế đang phục hồi sau đợt giãn cách kéo dài trong quý III/2021 liên quan đến đợt bùng phát dịch COVID-19 bắt đầu từ tháng 4/2021. Hơn 78% dân số được tiêm vắc-xin đầy đủ đã tạo điều kiện áp dụng chiến lược "Sống chung với COVID-19" và mở cửa nền kinh tế trong quý IV/2021. Tuy nhiên, Việt Nam đang trải qua giai đoạn lây nhiễm mạnh với biến chủng Omicron trong quý I/2022 và sẽ ảnh hưởng bởi tác động toàn cầu do xung đột vũ trang Nga - Ukraine gây ra.

Trong trung hạn, WB cho rằng, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao sẽ phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo. Năng lực thể chế của Chính phủ trong chỉ đạo những cải cách chính mang tính cơ cấu sẽ là đòn bẩy quan trọng cho quá trình chuyển đổi, một quá trình cần tập trung xây dựng nền kinh tế chuyển đổi số, xanh hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn.

Trong năm 2021, bất bình đẳng trên khía cạnh tiền tệ và phi tiền tệ dự kiến sẽ tăng, càng làm trầm trọng thêm tình trạng gia tăng bất bình đẳng xảy ra do khủng hoảng COVID-19 năm 2020. Các hộ gia đình trong nhóm 20% dân số có thu nhập thấp nhất có tốc độ phục hồi thu nhập chậm nhất tính đến quý I/2021, thậm chí trước cả đợt phong tỏa vào quý III/2021.

"Hộ nghèo ít có khả năng đối phó với tác động của cú sốc thu nhập và phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn lực bên ngoài, như vay mượn. Trên thị trường lao động, số liệu cho thấy lao động nữ và lao động trong khu vực phi chính thức phải chịu tác động bất lợi nhiều hơn so với lao động nam", WB quan ngại.

Hạ dự báo tăng trưởng

Ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà WB giảm mạnh dự báo tăng trưởng so với trước.

Cụ thể, tháng 10/2021, WB dự báo là mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 là 6,5%, nhưng đến thời điểm hiện tại hạ dự báo xuống còn 5,3% với kịch bản cơ bản, sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5% theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước. Còn trong tình huống xấu hơn, mức tăng trưởng GDP năm nay chỉ là là 4%.

Ông Mattoo chỉ ra 2 lý do WB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam.

Thứ nhất, đó là sự bùng phát của chủng Omicron. Dù chủng này khá lành, nhưng Việt Nam đang vấp phải những khó khăn trong việc đối phó khi các ca nhiễm vẫn tăng cao.

Điểm thứ hai, theo chuyên gia của WB, Việt Nam giành được nhiều lợi thế nhất, tận dụng được cơ hội trong mở rộng chuỗi thương mại toàn cầu cũng như tăng độ mở của nền kinh tế toàn cầu, nhưng điều này cũng khiến Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.

“Nhập khẩu dầu của Việt Nam lên tới 3% GDP và đây cũng là một trong những lý do khiến chi phí, giá cả… tăng lên”, ông Aaditya Mattoo nói.

Theo WB, lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch khách quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc) chững lại.

Tuy nhiên, triển vọng trên còn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng. Tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại chính, cùng với cú sốc tỷ giá thương mại do cuộc xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Các yếu tố này có thể bị trầm trọng hơn nếu phát sinh biến chủng COVID-19 mới.

WB cho rằng, phục hồi kinh tế còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi nhu cầu tư nhân trong nước, hiện còn tương đối chậm, thể hiện tâm lý thận trọng của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Giai đoạn lây nhiễm COVID-19 mạnh hiện nay có thể dẫn đến tạm thời gián đoạn cung lao động và sản xuất. Vì nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm, nên nếu Chính phủ triển khai gói hỗ trợ mạnh mẽ bằng chính sách tài khóa, thì tác động đến tăng trưởng kinh tế có thể được giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ vẫn cần nới lỏng, nhưng phải tiếp tục thận trọng nhằm kiểm soát rủi ro trong khu vực tài chính. Có thêm các cú sốc khác có thể dẫn đến kịch bản xấu, theo đó tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% trong năm 2022, phục hồi lại 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024. Tỷ lệ nghèo được kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2022, với giả định tăng trưởng GDP phục hồi về mức trước đại dịch, nhưng tác động của khủng hoảng sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài làm tăng bất bình đẳng.

Tin bài liên quan