Theo báo cáo này, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô Việt nam có cải thiện hơn trong năm 2013, nhưng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vẫn ở dưới mức tiềm năng do phải đối mặt với các vấn đề về cơ cấu trong các doanh nghiệp nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, một số hạn chế về mặt chính sách tiếp tục gây cản trở đầu tư tư nhân trong nước và cạnh tranh trong các ngành quan trọng.
Cụ thể, năm 2013, tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam ước đạt 5,4%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 5,3% năm 2012. Chỉ số lạm phát CPI chung (Headline CPI) còn 6,6% so với 18,1% năm 2011 và 9,1% năm 2012. Xuất khẩu tăng mạnh, dòng vốn nước ngoài và kiều hối ổn định đã giúp Việt Nam đảo chiều được cán cân đối ngoại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu trong nước vẫn còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân thấp, khu vực doanh nghiệp nhà nước có tỷ suất vay nợ quá cao, khu vực ngân hàng thiếu vốn và ngân sách nhà nước đang suy giảm đang là một trong những lý do khiến tỷ lệ tăng trưởng GDP vừa phục hồi bền vững vẫn còn bị ngăn trở, đồng thời làm suy giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với những nền kinh tế có trình độ tương đương.
Nợ xấu trong ngành ngân hàng tiếp tục là một mối lo ngại lớn. Theo WB, các hoạt động tín dụng chùng xuống khi các ngân hàng, với tỷ lệ nợ xấu cao, e sợ những rủi ro ngày càng gia tăng và đang dự kiến sẽ tháo bớt đòn bẩy tài chính.
WB dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5% trong năm nay. Với chương trình tái cơ cấu đang được đà, dự kiến sẽ có một số tiến bộ quan trọng năm 2014. Mặc dù vậy, những thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro phía trước.