Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tiến bộ kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với việc dù số người nghèo cùng cực giảm đi, nhưng gần một nửa dân số thế giới (tương đương 3,4 tỷ người), vẫn đang chật vật để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Trong báo cáo hai năm một lần về nghèo đói và thịnh vượng chung với chủ đề “Chung tay giải bài toán đói nghèo”, WB cho biết, thu nhập dưới 3,2 USD/ngày là ngưỡng nghèo cùng cực của các nước thu nhập trung bình thấp, trong khi đó ngưỡng này ở các nước thu nhập trung bình cao là 5,5 USD/ngày.
WB cho biết, vẫn tiếp tục cam kết đạt mục tiêu vào năm 2030 sẽ xóa nghèo cùng cực, tức là không còn người có thu nhập bình quân dưới 1,90 USD/ngày (mức áp dụng cho khu vực châu Phi và cận Sahara). Tỷ lệ nghèo cùng cực trên toàn thế giới giảm xuống còn 10% tính đến năm 2015, nhưng tốc độ giảm nghèo cùng cực đang bắt đầu chậm lại.
Song, theo báo cáo này, mặc dù tăng trưởng kinh tế cũng có nghĩa là có nhiều người nghèo sinh sống ở các quốc gia thịnh vượng hơn, nhưng vẫn cần xem xét thêm các phương diện khác của đói nghèo và cần hiểu sâu rộng về nghèo đói để có thể đấu tranh chống lại nó.
"Mục tiêu của chúng tôi là xóa bỏ nghèo cùng cực vào năm 2030 và thúc đẩy thịnh vượng chung. Đây là các mục tiêu chúng tôi vẫn tiếp tục cam kết thực hiện.
Đồng thời, chúng ta có thể nhìn rộng ra về đói nghèo ở nhiều cấp độ và phương diện khác nhau trên toàn thế giới. Cái nhìn toàn cảnh này cho thấy nghèo đói ngày càng lan rộng và bám rễ sâu hơn, bởi vậy việc đầu tư vào con người càng trở nên quan trọng”, Chủ tịch Nhóm WB Jim Yong Kim cho biết.
Mặc dù tỷ lệ nghèo cùng cực đã giảm đáng kể từ 36% vào năm 1990, nhưng dựa theo đánh giá về bản chất của đói nghèo trong báo cáo này, thách thức đối với việc xóa bỏ nghèo đói còn rất lớn.
Tính đến năm 2015 vẫn còn hơn 1,9 tỷ người, chiếm 26,2% dân số thế giới, đang sống dưới mức 3,2 USD/ngày và gần 46% dân số thế giới đang sống dưới mức 5,50 USD/ngày.
Ngoài khía cạnh thu nhập của nghèo đói, báo cáo còn đưa ra đánh giá về tác động của tiếp cận đối với điện, nước, điều kiện vệ sinh và giáo dục đối với sức khỏe của người dân.
Phụ nữ và trẻ em thường là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của nghèo đói, bởi vậy báo cáo cũng tiến hành phân tích tác động của nghèo đói đối với từng thành viên trong hộ gia đình.
Báo cáo cho thấy 70/91 nước được khảo sát có sự cải thiện về thu nhập cho nhóm 40% thu nhập thấp nhất. Trong hơn nửa các quốc gia này, thu nhập của nhóm 40% nghèo nhất lại tăng nhanh hơn mức bình quân, tức là họ đang được nhận một phần lớn hơn của “chiếc bánh” kinh tế.
Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn còn khá tụt hậu trong vấn đề chia sẻ thịnh vượng. Báo cáo cũng chỉ ra những quốc gia có hệ thống dữ liệu đánh giá thịnh vượng chung yếu kém nhất lại là những quốc gia cần dữ liệu này để cải thiện nhất.
Dữ liệu về thịnh vượng chung qua các năm chỉ được ghi nhận ở 1/4 quốc gia có thu nhập thấp và 4/35 quốc gia dễ bị tổn thương và đang bị ảnh hưởng do xung đột.
Các biện pháp mới sẽ hỗ trợ Ngân hàng Thế giới trong việc theo dõi tình trạng nghèo đói của các nước một cách hiệu quả hơn, thông qua nhiều phương diện của xã hội và thông qua tác động đối với từng thành viên trong mỗi hộ gia đình.
Đông Á - Thái Bình Dương là khu vực đạt thành tích tốt nhất về thúc đẩy thịnh vượng chung. Từ năm 2010 đến 2015, nhóm 40% thu nhập thấp nhất của khu vực này tăng thu nhập trung bình 4,7%/năm. Đông Á là khu vực giảm nhiều nhất về số người nghèo cùng cực và tỉ lệ dân số có thu nhập bình quân dưới 3,2 và 5,5 đô la/ngày. Mặc dù tỉ lệ nghèo cùng cực còn rất thấp nhưng tỉ lệ dân số thiếu điều kiện vệ sinh của khu vực này lại khá cao. Châu Âu và Trung Á: Nhiều quốc gia trong khu vực này đang gặp trở ngại trong vấn đề tăng thu nhập cho nhóm 40% thu nhập thấp nhất. Mặt khác, một số quốc gia có nhóm 40% thu nhập thấp nhất bị sụt giảm thu nhập nặng nề do khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ lại đang trên đà hồi phục. Trong số các khu vực đang phát triển, châu Âu và Trung Á là khu vực có tỷ lệ thấp nhất về số dân có thu nhập dưới ngưỡng 3,2 và 5,5 đô la/ngày. Tuy nhiên, tỉ lệ đến trường của khu vực này lại thấp hơn Đông Á và Thái Bình Dương hoặc Mỹ Latinh và vùng Caribê. Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê: Thành tích về thịnh vượng chung của khu vực này trong giai đoạn 2010-2015 kém hơn so các năm trước đó do ảnh hưởng của sự sụt giảm giá cả hàng hóa toàn cầu. Năm 2015, khu vực này có gần 11% dân số có mức thu nhập dưới 3,2 đô la/ngày và trên 26% có thu nhập dưới 5,5 đô la/ngày. Nghèo đói trong các khía cạnh phi thu nhập như thiếu điện nước hay điều kiện vệ sinh ở khu vực này lại không liên quan nhiều đến khía cạnh về thu nhập. Trung Đông và Bắc Phi: Mặc dù khu vực này có sự gia tăng về số người có thu nhập dưới 1,9 đô la/ngày, tuy nhiên tỉ lệ nghèo cùng cực ở đây vẫn vào mức thấp. Song, năm 2015 khu vực này lại có số người có thu nhập dưới 5,50 đô la/ngày cao hơn so với năm 1990. Ngoài ra, gần 1/7 dân số chưa có các điều kiện vệ sinh phù hợp. Nam Á: Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, khu vực này có mức tăng trưởng ấn tượng về thu nhập của nhóm 40% thu nhập thấp nhất. Mặc dù tỷ lệ nghèo cùng cực giảm tới 35% trong giai đoạn 1990-2015 nhưng khu vực này chỉ giảm được 8% dân số có thu nhập dưới 3,2 đô la/ngày. Trong khi đó, trong năm 2015, 80% dân số vẫn có mức thu nhập dưới 5,5 đô la/ngày. Bên cạnh đó, số hộ chưa có điện và thiếu điều kiện vệ sinh còn rất lớn so với tỉ lệ thu nhập thấp. Châu Phi cận Sahara: Tăng trưởng âm được ghi nhận trong thu nhập của nhóm 40% thu nhập thấp nhất của 1/3 các quốc gia trong khu vực này. Từ năm 1990 đến 2015, dân số châu Phi, khu vực có tỉ lệ nghèo cùng cực lớn nhất, tăng lên gần như gấp đôi. Trong đó tỉ lệ tăng lớn nhất là tỉ lệ dân số có thu nhập dưới 3,2 đô la và trên 1,9 đô la/ngày. Những người nghèo ở đây phải sống trong nhiều điều kiện thiếu thốn như thiếu lương thực, điều kiện giáo dục và các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản. |