Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

WB: Đã có 30 triệu người Việt Nam thoát nghèo

(ĐTCK) Đây là con số được Ngân hàng Thế giới đưa ra tại Lễ Kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ vừa được tổ chức sáng nay (17/10) tại Hà Nội. ĐTCK xin trích lược bài phát biểu của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại buổi lễ.

Hai mươi năm qua đã chứng kiến những tiến bộ phát triển vượt bậc của Việt Nam. Năm 1993, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với thu nhập đầu người chỉ khoảng 100 đô la Mỹ, và các chỉ số thấp kém về phát triển xã hội.

Ngày nay, Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình đang lên, với nền kinh tế có quy mô gần 154 tỉ đô la Mỹ và thu nhập bình quân đầu người khoảng 1700 đô la Mỹ. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 10% năm 2012, với hơn 30 triệu người thoát nghèo. Các chỉ số phúc lợi xã hội hiện cao hơn phần lớn các nước có cùng mức thu nhập, và thậm chí cả một số nước có thu nhập cao hơn.

Một ví dụ là hiện nay phần lớn người dân Việt Nam đã được hưởng giáo dục tốt hơn. Số dân chỉ được học phổ thông cơ sở đã giảm mạnh, và những người sinh ra trong quá trình đổi mới đã có trình độ học vấn cao hơn bất kì thế hệ nào trong lịch sử Việt Nam. Trình độ văn hóa và toán của sinh viên và người trưởng thành của Việt Nam nhiều hơn so với các nước khác, kể cả các nước giàu hơn.

Điều kiện giáo dục ngày hôm nay đã được cải thiện tốt hơn

Một đánh giá gần đây cho thấy công nhân Việt Nam làm việc hiệu quả hơn những đồng nghiệp của họ, không chỉ ở Lào là nước nghèo hơn, mà cả nước giàu hơn như Bô-li-via và Xri Lan-ca. Tỉ lệ tử vong ở bà mẹ khi sinh ở Việt Nam là 59/100,000 trường hợp, trong khi tỉ lệ đó là 99/100.000 ở Phi-líp-pin và 220/100.000 ở In-đô-nê-xia. 95% dân nông thôn Việt Nam có điện lưới, so với 83% ở Phi-líp-pin và 74% ở In-đô-nê-xia. Cứ mỗi ngày trong 10 năm qua lại có thêm 9.000 người được kết nối vào lưới điện ở Việt Nam. Công suất điện tăng gấp đôi, từ 12.000 MW năm 2005 lên 25.000 MW năm 2010.

Việt Nam đã đạt được 5 trong số 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỉ (MDGs) ban đầu và đang trên đường hoàn thành nốt hai mục tiêu nữa vào năm 2015. Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn cầu về tiến triển hoàn thành MDGs. Cho dù tính theo cách nào thì những thành tựu của Việt Nam trong 20 năm qua cũng là nổi bật.

Thành công của Việt Nam có được đầu tiên là nhờ vào tầm nhìn và quyết tâm lãnh đạo của Chính phủ, cũng như tinh thần chịu khó và khởi nghiệp của người dân Việt Nam. Là đối tác phát triển, chúng tôi rất tự hào được đồng hành cùng Việt Nam trong chặng đường đáng nhớ này và được đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Làm việc cùng Việt Nam đã là cơ hội cho chúng tôi được kiểm nghiệm những ý tưởng mới, và cho thấy rằng hỗ trợ phát triển có thể và thực sự có hiệu quả.

ODA cho Việt Nam trong 20 năm qua bao gồm cả ý tưởng, kiến thức và tài chính. Ba yếu tố này của quan hệ đối tác ODA đã đi cùng nhau để hỗ trợ chuyển đổi kinh tế và xã hội Việt Nam trong thời gian qua. Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của cả ba yếu tố. Tài chính mà thiếu ý tưởng, không có chia sẻ về kiến thức thì cũng không đem đến kết quả tốt. Cũng như vậy, kiến thức và ý tưởng sẽ không đến với cuộc sống nếu thiếu tài chính.

Việt Nam tham gia vào WTO là một đỉnh cao trong việc hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều đối tác phát triển. Việc chuẩn bị Luật Doanh nghiệp 1999 cũng nhận được sự hỗ trợ của UNDP và một vài đối tác khác cũng đã là một sự kiện quan trọng trong việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường của Việt Nam. 

Hỗ trợ tài chính cũng quan trọng. Tại hội nghị bàn tròn Pa-ri 1993, các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ 1,9 tỉ đô la Mỹ cho sự phát triển của Việt Nam. Kể từ đó thì mức cam kết ODA tăng dần, đặc biệt trong thập kỉ cuối của thế kỉ vừa qua.

Năm 2011, tổng cam kết là 7,4 tỉ đô la Mỹ, trong đó số lượng đã ký là 6,3 tỉ. Tính tổng cộng, từ năm 1993, gần 52 tỉ đô la Mỹ hỗ trợ phát triển đã được ký kết giữa chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn nhất trong số ODA, khoảng 66% đã được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi các lĩnh vực khác như xã hội, nông thôn và phát triển kinh tế, môi trường mỗi lĩnh vực nhận được gần 10%. Khoảng 74% được sử dụng qua các bộ ngành trung ương, và khoảng 26% thông qua chính quyền địa phương.

Nguồn ODA đã đóng vai trò kích thích đầu tư nước ngoài thông qua việc ODA đóng góp vào cải thiện môi trường kinh doanh cũng như qua việc tạo ra định hướng và xây dựng lòng tin.

Trong hai mươi năm qua, đã có tiến triển và đa dạng hóa mạnh mẽ của các loại hình ODA. Trong thập niên 1990 nhiều chương trình ODA chủ yếu hoạt động thông qua hình thức các dự án . Thiên niên kỷ mới đã có những chương trình ODA lồng ghép với Những Mục tiêu Phát triển Việt Nam (VDGs), Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng và Giảm nghèo toàn diện (CPRGS) và Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm(SEDP) và đồng thời với những thay đổi hướng tới hài hòa hóa viện trợ. 

Một nguyên nhân chính đóng góp vào sự thành công vượt bậc của quan hệ đối tác ODA của Việt Nam là do vai trò làm chủ quốc gia của Chính phủ trong tầm nhìn và chương trình nghị sự phát triển. Việt Nam đã tìm kiếm ý tưởng, tri thức và thậm chí cả tư vấn từ các đối tác phát triển và tìm cách để hiện thực hóa và áp dụng phù hợp với hoàn cảnh của chính mình.  Điều này có nghĩa là ý tưởng của các đối tác phát triển không hề bị áp dụng một cách “dập khuôn và cứng nhắc”. Trong một vài trường hợp với nhận thức muộn màng, mối quan hệ đối tác mạnh mẽ này đã buộc chúng tôi là những đối tác phát triển phải trở nên năng động và sáng tạo hơn khi làm việc với Việt Nam để áp dụng những ý tưởng và tư vấn phù hợp hơn với hoàn cảnh của Việt Nam.  Chúng tôi đã cùng rút ra những bài học với các cơ quan đối tác của Việt Nam và kết quả đạt được trong hầu hết các trường hợp đã thực sự tốt hơn. 

Một nhân tố khác là Chính phủ đã sử dụng hỗ trợ ODA như là các phương tiện để thử nghiệm các lựa chọn chính sách khác nhau trong hàng loạt các ngành.  Những thí điểm và thử nghiệm thành công đã được thể chế hóa trong hệ thống lập pháp và triển khai rộng rãi và nhân rộng thông qua các chương trình của Chính phủ hay là một phần của các cơ quan cung cấp dịch vụ chuẩn mực.  Một vài ví dụ về các mô hình chính sách thành công này có thể kể đến như Lớp học tại đồng ruộng về quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM Farmer Field Schools), Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân sách phát triển cộng đồng và các dịch vụ hành chính một cửa.

Bất kể những thành tựu to lớn của mình, chặng đường phát triển của Việt Nam vẫn còn rất dài.  Giảm nghèo đã đạt được những thành tựu ấn tượng nhưng vẫn còn mang tính dễ tổn thương cao. Một số lượng lớn người dân Việt Nam được phân loại là “cận nghèo ” và rất dễ bị rơi trở lại tình trạng nghèo từ những cú sốc do khí hậu, kinh tế và sức khỏe.

Bất bình đẳng cả trong việc tiếp cận tới cơ hội kinh tế và các dịch vụ xã hội đang gia tăng là nguyên nhân gây quan ngại trong một xã hội luôn coi trọng vấn đề bình đẳng. Hơn nữa Việt Nam hiện đang chứng kiến những tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua. Cần tạo ra hình mẫu tăng trưởng mới dựa trên cạnh tranh kinh tế lớn hơn để đưa nền kinh tế trở lại lộ trình tăng trưởng nhanh chóng mà có thể bền vững được theo thời gian. 

Toàn bộ những vấn đề này là thực sự quan trọng cho sự thành công của Việt Nam với vị thế là một quốc gia thu nhập trung bình và để đạt được mục tiêu dài hạn hơn là trở thành một nước công nghiệp hóa.  Mối quan hệ đối tác phát triển sẽ tiếp tục trở nên quan trọng và phù hợp để Việt Nam tiếp tục tiến lên.    

Nhưng sau 20 năm của chương trình ODA và Việt Nam hiện đã là một quốc gia thu nhập trung bình, một điều hoàn toàn tự nhiên là mối quan hệ đối tác và các nguồn tại trợ đang thay đổi.  Kinh nghiệm từ các quốc gia thu nhập trung bình chỉ ra mối quan hệ đối tác ODA sẽ cần phải sâu rộng hơn và thậm chí cần tập trụng hơn vào ý tưởng, tri thức và các giải pháp phát triển. 

Đối với một số quốc gia thu nhập trung bình thành công, thu hút ODA không nhiều về nguồn lực mà là về giải pháp phát triển, các ý tưởng để giải quyết các vấn đề phức tạp cụ thể mà các quốc gia phải đối mặt.  Theo thời gian, Việt Nam được hy vọng là sẽ chuyển theo hướng này. Để đáp ứng được với sự thay đổi này, ODA cần phải bao hàm nhiều mặt hơn trước đây, là một gói tổng thể các ý tưởng, tri thức và tài chính.  Nguồn vốn ODA sẽ cần được sử dụng một cách chiến lược hơn và cẩn trọng hơn để huy động các nguồn vốn tư nhân bổ sung cho các nguồn lực công.  ODA cần phải hoạt động nhiều hơn nữa thông qua các chương trình và hệ thống Chính phủ để mang lại tác động tối đa và trở nên bền vững hơn.  Sự tồn tại của các chương trình quốc gia chặt chẽ và đáng tin cậy sẽ giúp thúc đẩy những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này. Và hoạt động  điều phối ODA cần phải trở nên mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy các ưu thế của các đối tác khác nhau và tránh các hỗ trợ manh mún không hiệu quả. Chính phủ cần đóng vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong điều phối hoạt động này. 

Trong chương trình ODA, các chính sách về Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh đã có hướng tiếp cận rất tốt để hưởng lợi tốt nhất từ các chương trình tài trợ mới về khí hậu và xanh ở tầm quốc tế khi những chương trình này đi vào hiện thực.  

Trong khi ODA sẽ còn tiếp tục, thì chắc chắc tỉ lệ đóng góp về tài chính của nó cho sự phát triển của Việt Nam sẽ giảm đi, và một vài hình thức tài chính khác sẽ trở nên quan trọng hơn với Việt Nam. Thương mại quốc tế, đầu tư tư nhân, thị trường tài chính trong và ngoài nước cần phải được sử dụng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu tài chính cho phát triển Việt Nam.

Việt Nam đang có những bước đi quan trọng để mở rộng cơ hội thương mại và đang tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại song và đa phương. Quan hệ đối tác thương mại là một phần quan trọng đảm bảo tài chính phát triển cho tương lai của Việt Nam. Việt Nam cũng cần xây dựng năng lực để sử dụng tối đa các nguồn tài chính khác mà không làm ảnh hưởng đến bền vững nợ và ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường hệ thống tài chính trong nước, bao gồm việc xây dựng thị trường tài chính nội địa và cải thiện khả năng sẵn sàng tiếp cận nguồn tài chính quốc tế với mức giá chấp nhận được là một phần quan trọng trong kế hoạch này. Các nước khác đã thực hiện thành công điều này, và Việt Nam cũng có thể làm được như vậy.