Ngày 27/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án ”Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết hiện nay Bộ đã đàm phán cơ bản xong, Ngân hàng Thế giới (WB) cho Việt Nam vay khoảng 350-400 triệu USD, còn từ nguồn ngân sách là 100 triệu USD để thực hiện Đề án.
Đề án được triển khai tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 1 triệu ha là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Mục tiêu của đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đề án này là một thí điểm đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất lúa. Đề án sẽ có một số những chính sách thí điểm như về thị trường carbon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng hướng tới mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.
Chia sẻ thêm về đề án, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Như Cường nhận định, đề án sẽ làm thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung.
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lúa gạo không chỉ cung cấp, đảm bảo an ninh lương thực nội địa mà còn cung cấp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu hằng năm của Việt Nam, thu về cho đất nước hàng tỷ USD mỗi năm.
“Có lẽ chưa có đề án nào trình Thủ tướng Chính phủ mà thời gian bắt đầu xây dựng đến khi ban hành vỏn vẹn trong 6 tháng và nhận được sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế, triển lãm quốc tế và truyền thông quan tâm như vậy”, Cục trưởng Nguyễn Như Cường đánh giá.
Cũng theo ông Cường, chưa có dự án, đề án nào có được sự huy động từ nhiều nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới như vậy.
“Như Thứ trưởng Hoàng Trung nói, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có cam kết và tới đây sẽ ký cam kết đồng hành, hỗ trợ Việt Nam cơ sở hạ tầng, thị trường tín chỉ carbon… để thực hiện Đề án. Tôi tin tưởng rằng, với sự nhận thức đúng đắn, đồng lòng của người nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp cũng như sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của các nhà báo, thì tới đây sẽ thực hiện được thành công Đề án 1 triệu ha lúa”, lãnh đạo Cục trồng trọt tự tin cho biết.
Lễ ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ngân hàng Thế giới (WB) về triển khai Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra trong khuôn khổ Festival Quốc tế về ngành hàng Lúa gạo Việt Nam 2023, tổ chức từ ngày 11-15/12 tại tỉnh Hậu Giang.
Đây là Festival Quốc tế đầu tiên về ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã tạo được hình ảnh và dấu ấn rõ nét cùng nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Sự kiện cũng là dịp để các tổ chức, cá nhân trong nước có cơ hội giao lưu, tiếp cận với những công nghệ mới trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng; thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.