Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu có thể ăn mòn tăng trưởng kinh tế, gia tăng đói nghèo tại khu vực châu Á lần đầu tiên trong một thế hệ. Đây sẽ là cú sốc thứ ba đối với các quốc gia đang phát triển tại châu Á theo nhận định của WB.
Theo kịch bản xấu nhất, sự suy giảm của các ngành công nghiệp như du lịch, sản xuất hàng may mặc, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá có thể khiến thêm 11 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.
Cú sốc này có thể làm tê liệt lĩnh vực tài chính và thị trường vốn – bộ phận rất quan trọng có vai trò quyết định trong việc hồi sinh các ngành công nghiệp và những lĩnh vực khác chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Chính phủ các quốc gia sẽ cần phản ứng vượt trội để giải quyết vấn đề.
Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng Đông Á – Thái Bình Dương của WB, tác giả chính của báo cáo kể trên chia sẻ, dịch Covid19 tác động đồng thời tới mọi quốc gia, không giống những cú sốc khác mang tính chất riêng biệt, lần lượt từng nền kinh tế. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực rất dễ tổn thương, bởi chỉ vừa hồi phục trước biến động thương mại toàn cầu và hiện tại phải gồng mình đối phó với đại dịch.
Báo cáo của WB dự báo suy giảm tăng trưởng sẽ diễn ra tại toàn bộ khu vực trong cả kịch bản cơ sở, lẫn tình huống xấu hơn.
Tại các nền kinh tế đang phát triển, WB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ ở mức 2,1% trong kịch bản cơ sở và âm 0,5% trong kịch bản xấu hơn. Trước đó, tổ chức này dự báo các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm nay.
Các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch, thương mại, nguồn kiều hối và hàng hoá như Thái Lan (du lịch chiếm ít nhất 10% GDP), có thể giảm tăng trưởng ở mức 5% trong kịch bản xấu nhất. Dự báo này tương đồng với nhận định của Ngân hàng trung ương Thái Lan.
Tăng trưởng kinh tế các quốc gia châu Á theo những kịch bản khác nhau
Các nền kinh tế như Malaysia, Thái Lan, Đông Timor và một quốc gia khác có nhiều kịch bản tăng trưởng phân hoá theo khả năng kiềm soát dịch bệnh và khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh. Các quốc gia như Indonesia, Papua New Guinea và Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng âm trong kịch bản xấu nhất, nhưng vẫn có thể tăng trưởng tích cực theo kịch bản cơ sở, dù đà tăng sẽ chậm lại so với năm 2019.
Trong khi đó, Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Myanmar nằm trong số ít các quốc gia sẽ tăng trưởng dương trong mọi kịch bản được đưa ra, dù con số không tích cực như những dự định trước đó.
Đối với nhiều quốc gia, cú sốc lớn nhất hậu thời kỳ đại dịch có thể tới từ nhu cầu tiêu dùng toàn cầu tụt dốc, suy giảm doanh thu dịch vụ - du lịch… Các chấn động kinh tế sẽ khiến nỗi đau mà dịch bệnh gây ra lớn hơn nữa.
Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan dễ bị tổn thương bởi các khoản nợ nội địa cao; Campuchia, Lào, Malaysia, Mông Cổ… lại có vấn đề với các khoản nợ nước ngoài… Malaysia và Thái Lan là 2 quốc gia gặp rắc rối với cả các khoản nợ trong và ngoài nước bởi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào các khoản nợ ngắn hạn.