WB: 6 lĩnh vực cải cách giúp giảm thiểu rủi ro tài chính

WB: 6 lĩnh vực cải cách giúp giảm thiểu rủi ro tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết, sau giai đoạn phục hồi ngắn ngủi vào quý I/2022, tăng trưởng tiền gửi tiếp tục suy giảm trong suốt năm 2022.

Tăng trưởng tiền gửi phục hồi vào quý I/2022 là do các ngân hàng thành công trong việc thu hút trở lại một số khách hàng trước đó rút tiền gửi ngân hàng để đầu tư trên thị trường nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, môi trường lãi suất thấp kéo dài đến tận tháng 9 và ảnh hưởng của vụ bê bối tại ngân hàng SCB vào đầu mùa thu khiến cho tiền gửi ngân hàng trở nên kém hấp dẫn.

Đến cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi mới được nâng lên để khuyến khích người dân quay lại gửi tiền, qua đó ổn định được tốc độ tăng trưởng tiền gửi ở mức 8,5% trong tháng 11 và tháng 12.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn cao, ở mức 14,5%, làm gia tăng áp lực về thanh khoản trong khu vực ngân hàng cũng như áp lực đối với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, nhất là trong quý IV/2022, khi các cơ quan quản lý cũng đồng thời thắt chặt điều kiện huy động trên thị trường tài chính.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, việc suy giảm niềm tin và thắt chặt thanh khoản đã tạo ra những gánh nặng lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán.

Đến cuối năm 2022, chỉ số VN-Index đã giảm đến 32,8% so với đầu năm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng lao dốc, với tổng khối lượng phát hành đạt 280,4 ngàn tỷ đồng (11,8 tỷ USD) trong cả năm 2022, chỉ bằng 38,2% năm 2021. Thị trường lao dốc không chỉ do niềm tin về thị trường suy giảm mà còn do các quy định về phát hành bị thắt chặt theo quy định tại Nghị định số 65/2022 sửa đổi Nghị định số 153/2020.

Bà Dorsati Madani nhận định, rủi ro tài chính nổi lên cho thấy nhu cầu cần tăng cường khung chính sách, giám sát, và quản trị doanh nghiệp đối với khu vực tài chính. Trong số các biện pháp chính, 6 lĩnh vực cải cách sau cần được cân nhắc.

Một là, tăng cường khuôn khổ giám sát dựa trên rủi ro của NHNN, bao gồm can thiệp sớm nhằm ngăn chặn tình trạng suy yếu bảng cân đối kế toán và khu trú rủi ro mất tính thanh khoản.

Hai là, tăng cường khuôn khổ xử lý các ngân hàng yếu kém hoặc mất khả năng trả nợ. Khuôn khổ vững chắc cần có khung thời gian rõ ràng và các hành động tiếp theo, bao gồm tái cấp vốn, sát nhập, chia tách tài sản, thu hồi giấy phép, thanh lý... Vai trò của bảo hiểm tiền gửi cũng nên được tăng cường.

Ba là, thiết lập cơ chế và chính sách vững chắc để giám sát các tập đoàn hợp nhất có thành viên là ngân hàng thương mại, bao gồm phân tách rõ ràng giữa ngân hàng và tập đoàn doanh nghiệp.

Bốn là, sửa đổi Luật về các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo cơ quan giám sát được giao nhiệm vụ pháp lý và được bảo vệ theo pháp luật khi thực thi các biện pháp với thiện ý và trong phạm vi trách nhiệm giám sát. Điều này đặc biệt quan trọng trong can thiệp sớm và giám sát các tập đoàn, bên cạnh các yếu tố khác.

Năm là, tăng cường các chuẩn mực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm tăng cường thị trường chào bán đại chúng minh bạch hơn (đối trọng với chào bán riêng lẻ) và xúc tiến áp dụng đánh giá định mức tín nhiệm để tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và ngăn ngừa lạm dụng thị trường.

Sáu là, tăng cường minh bạch chung trong khu vực tài chính. Thiếu minh bạch về thông tin và dữ liệu khu vực ngân hàng có thể là lý do góp phần gây ra những bất định và biến động trên thị trường. Các cấp có thẩm quyền cần định kỳ công bố thông tin theo các chỉ tiêu về thị trường tài chính và khu vực ngân hàng sao cho kịp thời và đầy đủ chi tiết.

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận định: “Nhiều cải cách (vốn đã bị trì hoãn trong thời gian dài) có thể được thúc đẩy nhờ cách tiếp cận chủ động, tích cực của chính phủ, bởi vì cần có đủ thời gian để hoàn thành những thay đổi cần thiết trong hệ thống văn bản pháp luật nền tảng, cũng như trong thực hành quản lý giám sát”.

Từ phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, trả lời kiến nghị cử tri về thanh tra, kiểm tra các ngân hàng trong phát hành, tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tiến hành thanh tra đột xuất và ban hành kết luận thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đối với 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử lý đối với các ngân hàng có hành vi vi phạm.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng để xảy ra các vi phạm đã cảnh báo, ngân hàng chậm khắc phục sai phạm”, văn bản chỉ rõ.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý liên quan, góp phần phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động, đồng thời đảm bảo việc chấp hành các quy định pháp luật trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Trong năm 2022, thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh, kiểm tra 1.420 cuộc, trong đó 1.034 cuộc theo kế hoạch và 385 cuộc kiểm tra đột xuất.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của tổ chức tín dụng khi đầu tư, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

Tin bài liên quan