WB: 3 hướng chính sách để Đông Á - Thái Bình Dương ứng phó với những thách thức

WB: 3 hướng chính sách để Đông Á - Thái Bình Dương ứng phó với những thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để duy trì đà tăng trưởng và tạo thêm việc làm, các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương cần chủ động ứng phó với những bất ổn toàn cầu, đồng thời giải quyết những thách thức dài hạn liên quan đến những thay đổi trong hội nhập toàn cầu, biến đổi khí hậu và xu hướng nhân khẩu học.

Trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ giảm xuống còn 4,0% trong năm 2025, so với mức 5,0% của năm 2024 - là mức tăng trưởng kinh tế vượt trội hơn so với hầu hết các khu vực khác trên thế giới.

Triển vọng tăng trưởng cao hơn hay thấp hơn sẽ phụ thuộc một phần vào triển vọng tăng trưởng chung, nhưng quan trọng không kém là cách các quốc gia ứng phó với những bất ổn trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nghèo đói trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Dựa trên chuẩn nghèo của nhóm thu nhập trung bình cao (Ngân hàng Thế giới sử dụng chuẩn nghèo 6,85 USD/ngày đối với các quốc gia có thu nhập trung bình cao), dự kiến sẽ có khoảng 24 triệu người trong khu vực thoát nghèo trong giai đoạn 2024 - 2025.

Sự gia tăng bất ổn trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, kìm hãm đầu tư và tiêu dùng. Các biện pháp hạn chế thương mại được dự báo sẽ tác động đến xuất khẩu của Đông Á - Thái Bình Dương, trong khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ làm suy giảm nhu cầu từ bên ngoài.

“Trong khi đối mặt với những bất định toàn cầu, các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương vẫn có cơ hội củng cố triển vọng kinh tế bằng cách nắm bắt và đầu tư vào công nghệ mới, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh thông qua các cải cách táo bạo, và đẩy mạnh hợp tác quốc tế”, bà Manuela V. Ferro, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025 của một số quốc gia trong khu vực được dự báo như sau: Trung Quốc: 4,0%; Campuchia: 4,0%; Indonesia: 4,7%; Malaysia: 3,9%; Mông Cổ: 6,3%; CHDCND Lào: 3,5%; Philippines: 5,3%; Thái Lan: 1,6%; và Việt Nam: 5,8%. Các quốc đảo Thái Bình Dương dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,5%.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị ba hướng chính sách để các quốc gia tại Đông Á - Thái Bình Dương ứng phó với những thách thức. Thứ nhất, tận dụng công nghệ mới có thể nâng cao năng suất và từ đó tạo thêm việc làm, như minh chứng từ Malaysia và Thái Lan. Thứ hai, thúc đẩy cải cách nhằm tăng tính cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, có thể mở ra những cơ hội kinh tế mới, như trường hợp của Việt Nam. Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu.

Ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận định: “Kết hợp công nghệ mới với cải cách táo bạo và hợp tác đổi mới sẽ giúp các quốc gia trong khu vực ứng phó hiệu quả với những thách thức hiện tại và dài hạn. Đó chính là công thức để nâng cao năng suất và tạo ra việc làm chất lượng hơn”.

Tin bài liên quan