Hồi tháng 7 năm nay, Berkshire đưa ra thông báo về ý định mua lại Công ty điện Oncor ở Texas với giá 9 tỷ USD. Thương vụ này dự kiến sẽ giúp Berkshire phát triển các dịch vụ tiện ích của mình và quan trọng hơn, cho phép Tập đoàn đưa một lượng tiền mặt dự trữ đáng kể vào hoạt động.
Tuy nhiên, nỗ lực thâu tóm này đã vấp phải trở ngại ngay từ đầu. Quỹ đầu cơ Elliot Management, chủ nợ lớn nhất của Energy Future (công ty mẹ của Oncor) đã phản đối thỏa thuận này và cân nhắc đề xuất mua lại Oncor với giá 9,3 tỷ USD, nhằm ngăn chặn bước đi của Buffett.
Tuần trước, Elliott Management đã thâu tóm một phần nợ không đảm bảo của Oncor, tạo điều kiện để Công ty năng lượng Sempra Energy nhảy vào và hoàn tất thương vụ thâu tóm Oncor. Theo đó, Sempra Energy gần đây đã đưa ra đề nghị 9,45 tỷ USD cho Oncor và điều này đã khiến cho công ty mẹ Energy Future rút khỏi thỏa thuận với Berkshire.
Thương vụ thâu tóm Oncor thất bại đã đánh dấu “cú đánh trượt” thứ hai trong vòng 6 tháng của Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng đã biến Berkshire từ một công ty dệt nhỏ bé trở thành tập đoàn đa ngành hùng mạnh nhờ các vụ M&A.
Hồi tháng 2 năm nay, Buffett cũng đã bỏ lỡ một thương vụ tỷ đô. Khi đó, trong vụ hợp tác với quỹ 3G Capital, Berkshire cam kết sẽ chi 15 tỷ USD để hỗ trợ công ty thực phẩm Kraft Heinz đưa ra lời đề nghị mua lại Unilever. Tuy nhiên, sau đó Unilever đã từ chối cách tiếp cận này, dẫn đến việc Kraft Heinz cũng nhanh chóng rút lui.
Thương vụ M&A hoành tráng mới nhất của Berkshire đã xảy ra từ cách đây 2 năm, khi Berkshire thâu tóm Precision Castparts với giá 32 tỷ USD hồi tháng 8/2015. Sau đó, Công ty đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bất kỳ thỏa thuận lớn nào khác.
Trên thực tế, tất cả các hoạt động mà Bershire sử dụng tiền mặt trong thời gian gần đây đều đến từ việc mua cổ phiếu. Năm ngoái, tập đoàn này đã đổ nhiều tỷ USD vào cổ phiếu của 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ và cả Apple.
Tháng 6 vừa qua, Berkshire cũng đầu tư vào một quỹ tín thác đầu tư bất động sản cùng với công ty cho vay thế chấp đến từ Canada Home Capital. Những khoản đầu tư này đã mang lại lợi nhuận tốt, song, từ trước đến nay Buffett vẫn luôn nói rằng giá trị thực sự của Berkshire là ở chỗ nó được tạo ra từ việc thâu tóm toàn bộ các công ty khác.
Berkshire rất muốn tìm một khoản mua lớn để chi tiêu lượng tiền mặt gần 100 tỷ USD của mình, nhưng Buffett sẽ chỉ làm vậy nếu ông cảm thấy giá trị thu về thật hấp dẫn. Buffett thừa nhận rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang ở gần mức cao nhất mọi thời đại, Berkshire đã phải vật lộn để giải quyết vấn đề tiền mặt đang bị đóng băng. Tại Berskshire, mức độ khẩn cấp đang ngày càng gia tăng xung quanh nhu cầu triển khai nguồn vốn trước khi “ngọn núi tiền mặt” quá lớn.
Buffett cũng chia sẻ, nếu công ty tiếp tục tạo ra nhiều tiền mặt hơn thì nhiệm vụ thiết yếu là phải tìm ra cách khác để giải quyết lượng tiền này. Điều đó có nghĩa là, Berkshire sẽ mua lại các cổ phiếu quỹ, hoặc thậm chí trả cổ tức lần đầu tiên kể từ năm 1967. Tóm lại, dù là mua lại cổ phiếu quỹ hay trả cổ tức thì chắc chắn vẫn tốt hơn so với để hàng tỷ USD tiền mặt đóng băng và không tạo ra giá trị gì.
Tuần tới, “nhà tiên tri xứ Omaha” Warren Buffett sẽ bước sang tuổi 87. Không nhiều người ở tuổi này dành thời gian để tìm kiếm những thương vụ M&A trị giá hàng tỷ USD. Tuy vậy, việc tìm kiếm một “thương vụ khủng” cuối cùng sẽ đặc biệt có ý nghĩa với Buffett để kết lại sự nghiệp đáng ngưỡng mộ của mình.