VVOB hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững số 4

VVOB hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững số 4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bà Karolina Rutkowska, Quản lý Chương trình Quốc gia, Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Flemish, Vương quốc Bỉ (VVOB) chia sẻ về chương trình hành động của Tổ chức nhằm giúp Việt Nam hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4).

VVOB đã giúp Việt Nam triển khai SDG4 trong thực tế như thế nào, thưa bà?

VVOB hỗ trợ giáo dục Việt Nam từ năm 1992, trong đó tập trung hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện năng lực của Chính phủ và các cơ quan quản lý giáo dục địa phương với mục tiêu thu hẹp khoảng cách thực thi trong các chính sách giáo dục.

VVOB hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và các chuyên gia đầu ngành đến từ các viện khoa học, trường đại học ở cấp quốc gia để triển khai nhiều dự án, hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực của các sở GDĐT ở cấp tỉnh, phòng GDĐT ở cấp huyện. Nhờ vậy, năng lực sư phạm của cả giáo viên mới và cũ đều được tăng cường, đồng thời nâng cao trình độ quản lý của ban lãnh đạo nhà trường nhằm tạo môi trường hỗ trợ giáo viên cải thiện chất lượng giảng dạy và kết quả học tập cho học sinh.

Bà Karolina Rutkowska

Bà Karolina Rutkowska

Theo bà, thách thức lớn nhất của hệ thống giáo dục mầm non Việt Nam là gì và cần làm gì để khắc phục những điểm yếu?

Giáo dục mầm non ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có sự quan tâm toàn diện đến môi trường chơi, học và thực hành của trẻ, trẻ chưa hoàn toàn cảm thấy thoải mái và thu hút vào các hoạt động học tập ở trên lớp. Điều này không tốt cho quá trình kích thích tính chủ động và sáng tạo ở trẻ nhỏ.

Do chính sách và các nhà đầu tư hiện nay tập trung đầu tư chủ yếu vào cấp tiểu học và trung học, trong khi bậc giáo dục mầm non ít được chú ý, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trẻ em dân tộc thiểu số, trên thực tế có xuất phát điểm khá thấp kể cả về thể chất lẫn năng lực nhận biết so với trẻ em bình thường. Khả năng ngôn ngữ (tiếng Việt) cũng rất hạn chế khi đến tuổi tới trường.

Điều này tạo một khoảng cách khá lớn giữa trẻ em người Kinh và trẻ em các dân tộc thiểu số, trong khi các phương pháp giáo dục hiện nay chưa thực sự hiệu quả trong việc hỗ trợ các em bắt kịp chương trình phổ cập giáo dục.

Thêm vào đó, trước tình trạng giáo viên và quản lý giáo viên bậc mầm non hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu kỹ năng thực tế, việc bồi dưỡng đội ngũ này chính là chìa khóa khắc phục thành công những điểm yếu trên nhằm hướng tới một nền giáo dục bình đẳng.

Với một nền giáo dục bình đẳng, trẻ em được trao cơ hội trải nghiệm, được chủ động sáng tạo và đạt thành công ngay trong trường lớp của mình. Muốn được vậy, cần phải nâng cao năng lực dạy học của giáo viên nhằm tạo cầu nối giữa lý thuyết và thực hành cho trẻ.

Bộ GDĐT đang triển khai phương pháp tiếp cận lấy học sinh làm trung tâm nhằm cải thiện chất lượng giáo dục. Bà có thể chia sẻ những khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam tăng tốc?

Với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, giáo dục tiểu học Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Một chương trình giảng dạy mới dựa trên năng lực sẽ giúp Việt Nam chuyển từ hệ thống giáo dục tri thức sang một hệ thống coi trọng sự phát triển toàn diện. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi từ phương pháp lấy giáo viên làm trung tâm sang mô hình lớp học thực hành, trong đó trẻ em có thể chủ động xây dựng quy trình học tập của mình.

Chơi và học, học và chơi chính là nền tảng không thể tách rời nhau. Cả giáo viên và học sinh đều cần được khích lệ suy nghĩ và tư duy theo lối này. Bởi thông qua hoạt động vui chơi, học sinh không ngừng học hỏi từ thực tế và gắn kết với môi trường sống quanh mình.

Thế hệ các em bước vào tiểu học năm 2021 sẽ là nguồn nhân lực cho năm 2036. Chúng ta không thể khẳng định chắc chắn thế giới quanh ta lúc đó sẽ ra sao, nhưng trẻ con và người lớn sẽ tiếp tục cần những kỹ năng đọc thông viết thạo, tính toán cũng như cần trang bị năng lực thích ứng, năng lực làm việc nhóm và giao tiếp. Thế hệ đó đòi hỏi phải có năng lực sáng tạo, kỹ năng giải quyết tình huống và tư duy phản biện, cùng với sự kiên trì và kiên cường dám đối mặt với thế giới vận động liên tục. Thông qua học và chơi, giáo viên có thể khích lệ học sinh phát triển những kỹ năng cần thiết để tỏa sáng ở thế kỷ 21, tạo nên một thế hệ học sinh không ngừng học hỏi và sáng tạo.

Tin bài liên quan