Vượt Trung Quốc, chứng khoán Nhật Bản lên ngôi đón vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Nhật Bản đang vượt Trung Quốc trong cuộc đua thu hút vốn ngoại khi triển vọng thị trường Trung Quốc bị bao phủ bởi nhiều lo ngại tăng trưởng kinh tế và căng thẳng địa chính trị với phương Tây.
Bảng giá trực tuyến bên trong Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP.

Bảng giá trực tuyến bên trong Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP.

Kỳ vọng sinh lời tốt hơn

Lần đầu tiên kể từ năm 2017, lượng vốn ngoại đổ vào cổ phiếu Nhật Bản đã vượt Trung Quốc, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs dẫn số liệu 6 tháng đầu năm cho hay. Còn các chiến lược gia tại Morgan Stanley cho biết, trong tháng 7, các nhà quản lý đầu tư dài hạn tiếp tục bán ròng cổ phiếu ở Trung Quốc và Hồng Kông bất chấp đà tăng mạnh gần đây, nhưng lại mạnh tay mua vào cổ phiếu Nhật Bản.

Lợi thế đã nghiêng về Nhật Bản khi các quỹ toàn cầu đổ dồn vào thị trường này. Sự lạc quan về thị trường Nhật Bản vẫn tăng cao ngay cả sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) điều chỉnh lập trường chính sách hỗ trợ. Bằng chứng là họ tích cực tìm kiếm các lựa chọn thay thế cổ phiếu Trung Quốc do thiếu niềm tin rằng những cam kết hỗ trợ nền kinh tế của Bắc Kinh sẽ mang lại kết quả.

"Có hai sự kiện chính sách lớn ở châu Á trong tuần cuối cùng của tháng 7 là cuộc họp của BOJ (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BTV) và cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, nhưng không sự kiện nào thay đổi quan điểm của chúng tôi rằng chứng khoán Nhật Bản vượt trội so với Trung Quốc", ông Frank Benzimra, người đứng đầu chiến lược chứng khoán châu Á tại tập đoàn tài chính Societe Generale, cho biết.

"Lý do là ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy việc bình thường hóa chính sách tiền tệ ở Nhật Bản sẽ diễn ra rất chậm dãi, điều đó có nghĩa là đồng yên sẽ không nhanh chóng tăng giá trở lại", ông Benzimra lý giải.

Allianz Oriental Income, quỹ quản lý đầu tư tập trung vào thị trường châu Á với tài sản trị giá 1 tỷ USD, đã và đang tăng cường nắm giữ cổ phiếu Nhật Bản trong nỗ lực tái phân bổ danh mục ở khu vực.

Thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng 40% danh mục đầu tư của Allianz Oriental Income, tính đến cuối tháng 6, gấp 5 lần tỷ trọng ở thị trường Trung Quốc. Trước đó, vào cuối năm 2022, tỷ trọng danh mục ở thị trường Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt ở mức 25% và 16%.

Theo ông Stuart Winchester, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Allianz Oriental Income, kể cả khi đồng yên tăng giá nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản từ bỏ kiểm soát đường cong lợi suất, thì cũng không làm suy giảm niềm tin vào thị trường chứng khoán Nhật Bản, bởi "thị trường này được kỳ vọng sẽ sinh lời tốt hơn những gì mọi người nghĩ".

Chỉ số MSCI về chứng khoán Nhật Bản đã tăng 21% kể từ đầu năm 2023 khi quốc gia này cải cách quản trị doanh nghiệp và những cam kết đầu tư mạnh mẽ của tỷ phú Warren Buffett vào thị trường này.

Ở châu Á - Thái Bình Dương, chứng khoán Nhật Bản chỉ đứng sau Trung Quốc xét về quy mô và đã chứng tỏ là một lựa chọn thay thế sinh lời cho các nhà đầu tư toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chững lại và chỉ số chứng khoán MSCI Trung Quốc chỉ tăng 0,5% kể từ đầu năm.

Gần 1,4 tỷ USD chảy vào trong 1 tuần

Theo các chiến lược gia tại Morgan Stanley và Goldman Sachs, việc điều chỉnh chính sách mới đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã loại bỏ vật cản, mở đường cho cổ phiếu tăng giá hơn nữa.

Các quỹ toàn cầu đã mua vào 196 tỷ yên (tương đương 1,38 tỷ USD) cổ phiếu Nhật Bản trong tuần kết thúc vào ngày 28/7, theo dữ liệu chính thức. Đáng nói, họ đã liên tục mua vào kể từ cuối tháng 3/2023, ngoại trừ một tuần.

Ông Oliver Lee, giám đốc danh mục đầu tư khách hàng tại công ty quản lý quỹ Eastspring Investments đánh giá: “Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, nên việc có một số khoản đầu tư vào danh mục mang lại rất nhiều lợi ích”.

Đại diện Eastspring Investments cũng cho rằng: "Quốc gia này có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ một số căng thẳng địa chính trị trong khu vực thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng", do các công ty Nhật Bản có lợi thế trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và tự động hóa.

Ngược lại, thị trường lại xuất hiện nhiều hoài nghi về đà tăng gần đây của cổ phiếu Trung Quốc có thể duy trì được ngay cả sau khi chính quyền nước này đưa ra cam kết hiếm hoi nhằm cải thiện thị trường vốn.

Morgan Stanley tuần trước đã hạ xếp hạng đối với cổ phiếu Trung Quốc xuống mức tỷ trọng đều (equal weight - một loại trọng số có cùng tỷ trọng hoặc mức độ quan trọng, đối với mỗi cổ phiếu trong danh mục đầu tư hoặc quỹ chỉ số), đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng giá gần đây. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn là lựa chọn hàng đầu trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng cần thận trọng sau khi chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh, do lo ngại về triển vọng của đồng yên và độ nhạy cảm trước các rủi ro toàn cầu sau khi Fitch Ratings hạ xếp hạng của Mỹ. Bằng chứng là chỉ số MSCI Nhật Bản đã giảm 2,7% kể từ khi đạt mức cao nhất 33 năm trong ngày giao dịch 1/8. Cần lưu ý rằng, tháng 7 đánh dấu tháng tăng điểm thứ bảy liên tiếp của chỉ số MSCI Nhật Bản.

Sự lạc quan đối với chứng khoán Nhật Bản có thể duy trì ở thời điểm hiện nay do các nhà đầu tư đang điều chỉnh danh mục đầu tư theo hướng có lợi cho thị trường này.

Ông Joshua Crabb, trưởng bộ phận chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tại quỹ quản lý tài sản Robeco Hồng Kông cho biết: "Chúng tôi đã tối đa tỷ trọng nắm giữ ở thị trường Nhật Bản được một thời gian và hài lòng với tỷ trọng hiện nay". Thị trường Nhật Bản chiếm hơn 40% danh mục của nhà đầu tư này trong khi tỷ trọng của thị trường Trung Quốc là 16%.

Sự quan tâm đến chứng khoán Nhật Bản được thể hiện rõ ở các nhà đầu tư tại Đài Loan. Chớp thời cơ, Yuanta Securities Investment Trust (tính theo lượng tài sản quản lý) đã ra mắt quỹ chứng khoán Nhật Bản lớn nhất Đài Loan vào tháng trước.

Bà Rie Nishihara, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Nhật Bản tại JPMorgan Chase, dự đoán: "Sự thăng hoa của thị trường Nhật Bản sẽ duy trì ở tốc độ vừa phải".

"Chúng tôi đang chờ xem thị trường tiếp tục phản ứng ra sao, nhưng có vẻ thị trường đã chấp nhận việc điều chỉnh kiểm soát đường cong lợi suất như một dấu hiệu cho việc chấm dứt giảm phát và một sự dịch chuyển hợp lý", bà Nishihara nói thêm.

Tin bài liên quan