Ôn cố…
Gặp ông trong một ngày đầu năm 2014, đúng vào dịp cuối năm Âm lịch bận rộn, nhưng ông vẫn cười tươi và giao hẹn: “Mình có 2 tiếng cho cuộc gặp này nhé!”. Tại phòng làm việc của ông, một căn phòng khá rộng, thoáng, có cây xanh, ánh nắng và rất gọn gàng, câu chuyện của chúng tôi bắt đầu với chủ đề được giới doanh nhân Việt bàn luận nhiều trong thời điểm hiện nay - giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Cuối năm ngoái, tại TP.HCM, đã có một hội nghị lớn được tổ chức mang chủ đề “Quay về giá trị cốt lõi”, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước. Tại đây, nhiều chủ doanh nghiệp chia sẻ, sau khó khăn, khủng hoảng, thất bại, phá sản… và thành công, đến lúc này, họ mới ngộ ra rằng, không phải cứ “chụp giật”, cứ có lợi nhuận bằng mọi giá là thành công, giá trị cốt lõi là nguyên nhân của mọi thành công hay thất bại.
Đồng tình với nhận định đó, ông bảo, NTP thành công cũng bởi biết xây dựng cho mình một giá trị cốt lõi. Rồi ông kể, trước khi ngồi ở chiếc “ghế nóng” này, ông đã là một kỹ sư, một người thợ thực thụ. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa với chuyên ngành “cơ khí thủy lực” từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cơ duyên đã đưa ông về với NTP.
Gần 20 năm làm việc dưới phân xưởng, bản chất cần cù của người thợ luôn đồng hành với sự tìm tòi, sáng tạo của một kỹ sư và đây chính là giai đoạn “lửa thử vàng” cho ý chí, năng lực, lòng đam mê công việc của ông. Những sản phẩm có tiếng một thời như dép nhựa “móng trắng”, bóng bàn, đồ chơi bằng nhựa Tiền Phong... là những sản phẩm manh nha cho những giá trị cốt lõi của NTP.
Rồi cơ chế kinh tế thay đổi, tư duy người thợ, người kỹ sư trở nên năng động hơn. “Thích nghi được cũng là cả một quá trình gian khó của mỗi công nhân, cán bộ kỹ thuật, quản lý”, giọng ông trầm xuống khi nhớ lại một giai đoạn rất khó khăn. “Nhưng cũng nhờ đó, chúng tôi hiểu rõ hơn được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, cách vận hành nhà máy sao cho hiệu quả với sự đổi mới của nền kinh tế trong nước”, giọng ông hồ hởi trở lại.
Những năm tháng làm thợ đã tạo nên sự trưởng thành của ông, để đến lúc được tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của NTP, ông thêm tự tin, vững vàng hơn. Suy thoái kinh tế toàn cầu, với biến động khôn lường về giá cả nguyên vật liệu, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất…, đã đặt ông và NTP vào một giai đoạn khó khăn, đòi hỏi phải có một lời giải tốt nhất. Nhưng họ đã vượt qua!
“Sở dĩ chúng tôi vượt qua được giai đoạn sóng gió và tăng trưởng tốt là nhờ biết dựa vào sức mạnh tập thể, sự thống nhất, đoàn kết trong lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên. Điều này nói thì đơn giản, nhưng bằng hành động cụ thể thì không phải dễ”, ông nói và cho biết, trong 2 năm 2008 và 2009, doanh thu của NTP duy trì mức tăng trưởng 30 - 36,19%.
Tri tân…
Vượt qua được đợt sóng dữ, tay chèo đã vững, ông và cộng sự lại tìm cách ra khơi, dù vẫn biết, gió vẫn to, sóng vẫn cả. “Thế mạnh của doanh nghiệp mình là gì? Cái gì làm nên thương hiệu và giá trị của NTP? Đâu là giá trị cốt lõi của NTP?”. Đáp án của những câu hỏi đó đã có từ thành quả, công sức, trí tuệ của lớp lớp các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư và công nhân của nhà máy trước kia và của NTP hôm nay.
Vấn đề đặt ra với ông là làm sao cho giá trị đó trường tồn và phát huy hiệu quả cao nhất, để người lao động, các cổ đông gắn bó và đồng lòng cho sự phát triển, vượt qua khó khăn, thách thức. Và ông chắc chắn, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.
Thật thế, tất cả các thế hệ lãnh đạo của NTP luôn đặt yêu tố con người lên hàng đầu. Ở đây, mọi người đều có cơ hội phát triển và thăng tiến như nhau. Nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý của NTP đều có điểm xuất phát từ người công nhân, kỹ sư. “Có thể nói, NTP có được một đội ngũ cán bộ giàu năng lực, phẩm chất đạo đức và tâm huyết với Công ty và đây là tài sản vô giá”, ông chia sẻ.
Việc xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, tiện nghi, có kỷ luật, hiệu quả là một giá trị hữu ích mà ông đang gây dựng, hoàn thiện. Đó cũng là bệ phóng tốt cho mọi cán bộ, công nhân viên của NTP. Uống một ngụm nước, ông bảo, ông đã là người “già”, nhưng các vị trí chủ chốt khác còn trẻ và rất trẻ.
Hiện có nhiều doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, bất chấp tất cả. Nhưng với ông, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì chớ có đặt lợi nhuận lên trên hết, phải biết coi lợi ích của khách hàng như là lợi ích của mình. Chính vì thế, nhiều khi, lợi nhuận của NTP thấp hơn những doanh nghiệp cùng ngành, nhưng doanh thu thì không hề thua kém.
Việc kinh doanh có lãi, nhưng nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông luôn có phương án sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế để quay vòng đầu tư sản xuất. Vì lẽ đó mà đến nay, Công ty đã có rất nhiều máy móc, thiết bị đồng bộ và hiện đại. Năm 2013, doanh thu thuần của NTP đạt 2.380 tỷ đồng, bằng 102,29% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 372 tỷ đồng, bằng 96,72%.
Và vươn ra biển lớn
Công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến tạo nên giá trị cho thương hiệu NTP. Ông tự hào vì NTP hiện có các công nghệ mới của Italy, Hàn Quốc, CHLB Đức, Nhật Bản, có thể sản xuất hàng trăm loại ống với các kích cỡ khác nhau, từ 15 mm tới 1.200 mm (lớn nhất Việt Nam) với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đã lắp đặt và đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất ống uPVC cỡ lớn (đường kính 800 mm) của Hãng Krauss Maffei(Đức) trị giá hơn 1,2 triệu USD hay dây chuyền sản xuất ống HDPE (đường kính 1.200 mm) của Hãng Cincinnati Extrusion (Áo) trị giá hơn 3 triệu USD.
Ngoài ra, các sản phẩm ống và phụ tùng nhựa uPVC, PEHD (PE 100, PE 80), PPR, các loại máng PVC, cùng các phụ tùng lắp ghép có thể chịu được áp lực từ thấp đến cao, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Riêng ống nhựa uPVC, hiện mới chỉ duy nhất NTP sản xuất được với 9 cấp áp lực. Đặc biệt, NTP có thể sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao theo các yêu cầu đặc biệt của khách hàng.
Một điều nữa cũng là một nguyên tắc nằm lòng của ông, đó là không đầu tư dàn trải mà tập trung phát triển sâu và bền vững một lĩnh vực sở trường là ống nhựa. Theo ông, tập trung theo đuổi định hướng này không phải dễ dàng.
Khi thị trường bất động sản sôi động, cổ đông rất nhiều lần muốn NTP lấn sân sang lĩnh vực này. Nhưng, ông chia sẻ: “Đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực gì, cũng cần phải có một nguồn tài chính đủ mạnh và phải am hiểu lĩnh vực đó thì mới làm, bởi mỗi quyết định của mình ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng ngàn người lao động”.
Thực tế đã chứng minh quyết định không lấn sân vào bất động sản của ông là đúng và ông coi đây là một bài học kinh nghiệm quý báu. Nhiều doanh nghiệp thuộc hàng “đại gia” của Việt Nam đã phải trả giá do đầu tư dàn trải. Trong khi đó, những doanh nghiệp trung thành với lĩnh vực cốt lõi, tạo lập giá trị mới cho sản phẩm của riêng mình thì vẫn đứng vững, trong đó có NTP mà ông gắn bó.
Từ năm 2009, những lô hàng chất lượng cao đầu tiên của NTP đã được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, New Zealand, với sự đón nhận, đánh giá rất cao. Đó là những tín hiệu lạc quan cho tiến trình đầu tư và hội nhập quốc tế sâu của NTP. Tiếp đó, Công ty Liên doanh Nhựa Tiền Phong - SMP, với tổng vốn đầu tư 2,5 triệu USD, trong đó NTP chiếm 51% vốn điều lệ, đã ra đời năm 2010, tại Lào. Một nhà máy có khả năng cung cấp 15.000 tấn sản phẩm/năm đã được xây dựng và đưa vào hoạt động tại đây. Và gần đây, tháng 7/2013, NTP cũng đã là đối tác của Tập đoàn SEKISUI CHEMICAL CO., LTD (Nhật Bản) trong sản xuất các sản phẩm nhựa cao cấp.
Với trách nhiệm cá nhân, ông đã cùng NTP khẳng định với mọi khách hàng, đối tác về một doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội. Việc NTP chọn Nghệ An để đầu tư hơn 120 tỷ đồng xây dựng nhà máy tại miền Trung, mở rộng thị trường tại khu vực này đã tạo thêm việc làm ổn định cho lao động địa phương. Điều đó đã góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế của vùng miền còn khó khăn. Vị thế và thương hiệu của NTP hôm nay là một minh chứng sinh động cho những giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp với những người lãnh đạo tâm huyết như ông.