Vượt qua "tâm bão", DN cần vốn để trụ vững

Vượt qua "tâm bão", DN cần vốn để trụ vững

(ĐTCK) Tìm vốn qua ngân hàng, tức là DN chấp nhận một khoản vay, nhưng tìm vốn qua TTCK bằng cách phát hành cổ phiếu, tức là DN sẽ được bổ sung vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, vì TTCK suy giảm khiến việc huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu của DN gặp bế tắc.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Thiếu tướng Lê Công nhận định, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã có những chính sách hỗ trợ nền kinh tế, cải thiện khó khăn về tài chính cho các DN, nhưng vẫn còn nhiều DN không trụ lại được. 9 tháng đầu năm nay, tiếp tục có thêm 35.000 DN phải tạm ngừng hoạt động.  Tổng giám đốc MB cho rằng, đây là một tổn thất đáng tiếc cho nền kinh tế, vì các DN phải ngừng hoạt động lúc này là những chủ thể đã nỗ lực vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, năm 2011 - 2012.

 

Tìm vốn từ ngân hàng

Với tiềm lực tài chính mỏng, đại đa số DN Việt Nam vẫn trông đợi kênh tài trợ vốn chính là từ ngân hàng. Tuy nhiên, nếu năm 2012 đã là một năm khó khăn với ngành ngân hàng trong việc hoạt động tín dụng, thì sang năm 2013, việc tăng dòng chảy vốn vào DN từ ngân hàng dường như khó hơn nhiều. Tính đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng mới đạt khoảng 6%. Lý do, các ngân hàng cũng là DN, hoạt động kinh doanh phải đảm bảo an toàn là trên hết, nên việc không đẩy mạnh được vốn tín dụng ra nền kinh tế, không phải vì ngân hàng không nỗ lực, mà nguyên nhân chính là không tìm được địa chỉ rót vốn an toàn, đủ tiêu chuẩn, xuất phát từ thực trạng quá nhiều DN gặp khó khăn.

Vượt qua "tâm bão", DN cần vốn để trụ vững ảnh 1

Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tài trợ vốn lưu động dài hơn, thay vì 3 - 6 tháng như hiện tại

Tại MB, hiện chưa công bố các số liệu 9 tháng, nhưng theo ông Lê Công, toàn Ngân hàng luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng nhiều hình thức, với mong muốn hỗ trợ các khách hàng truyền thống, khách hàng mới vượt qua khó khăn. Dù vậy, khả năng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tại MB năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, 9 tháng, chỉ tiêu này có thể chỉ đạt khoảng 7%. Cũng tại Ngân hàng này, một hình thức cấp tín dụng mới dành riêng cho DN quy mô nhỏ vừa được triển khai, cho phép DN vay vốn được lựa chọn hình thức hoàn dần gốc theo định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý. Theo khảo sát của MB, có tới hơn 40% DN mong muốn được ngân hàng tài trợ vốn lưu động với thời gian dài hơn 12 tháng. Trong khi đó, các chính sách và sản phẩm tín dụng của các ngân hàng thương mại chủ yếu tài trợ với thời gian ngắn từ 3 - 6 tháng, tối đa là 9 tháng. Về mặt nào đó, việc vay vốn với thời hạn ngắn cũng sẽ làm giảm sự ổn định, thuận tiện cho DN trong việc quản lý dòng vốn kinh doanh thường xuyên.

 

Tìm vốn từ TTCK

Tìm vốn qua ngân hàng, tức là DN chấp nhận một khoản vay, nhưng tìm vốn qua TTCK bằng cách phát hành cổ phiếu, tức là DN sẽ được bổ sung vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, vì TTCK suy giảm, trên 60% cổ phiếu dưới mệnh giá, khiến việc huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu của DN gặp bế tắc. 9 tháng đầu năm nay, TTCK chỉ giúp các DN huy động được gần 5.000 tỷ đồng vốn qua phát hành, trong khi những năm TTCK sôi động như 2007, 2008, TTCK đã giúp các DN huy động được trên 100.000 tỷ đồng/năm.

Trước thực trạng giá cổ phiếu suy giảm, nhưng DN rất cần vốn để duy trì hoạt động, ngay từ đầu năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề xuất phương án cho phép DN được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, dưới dạng một quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên, đề xuất này đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Từ thị trường, ý kiến của các chuyên gia và các DN tiếp tục đề xuất cần thúc đẩy giải pháp chính sách này.

Theo ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC), với những DN có thị trường, có nền tảng hoạt động tốt, phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá là phương án đáng cân nhắc. Thực hiện phương án này, DN phải chấp nhận dùng thặng dư vốn hoặc quỹ lợi nhuận chưa phân phối để bù phần hụt vốn điều lệ và đó là cách tốt hơn rất nhiều so với việc DN buộc phải cắt giảm, thậm chí tạm ngừng hoạt động vì thiếu vốn. Là đơn vị tư vấn trên TTCK, ông Hòa cho biết, BVSC sẵn sàng hợp tác với các DN có nhu cầu, để hoàn thiện hồ sơ phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá.

Nhiều DN niêm yết đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá trong mùa ĐHCĐ năm 2013 và đang chờ sự chuyển động về chính sách để thực thi huy động vốn. Chẳng hạn, CTCP Tập đoàn Đại Châu thông qua việc phát hành thêm 3,7 triệu cổ phiếu với giá 4.000 đồng/CP; CTCP Việt An cũng từng quyết nghị việc phát hành gần 14 triệu cổ phiếu giá 5.000 đồng/CP; CTCP Tập đoàn HAPACO lên phương án phát hành 13,9 triệu cổ phiếu với giá bằng 60 - 70% giá bình quân của 3 phiên gần nhất, nhưng không thấp hơn 5.000 đồng/CP… Trong số các DN quyết nghị việc phát hành dưới mệnh giá, có những DN có nền tảng hoạt động tốt, gặp khó khăn về vốn chỉ là tạm thời và rất cần được "tiếp sức" bằng cơ chế, chính sách của Chính phủ, để họ đứng vững và vươn lên.