Nghĩ đúng hướng, làm đúng thứ cần làm
Ông Lê Văn Thanh, Đồng sáng lập Cốc Cốc
Thông thường, nhiệt huyết, niềm tin của các cá nhân khởi nghiệp sẽ rất nhanh chóng giảm đi khi phải đối mặt với các khó khăn liên tiếp. Do đó, với việc chuẩn bị kỹ lưỡng, cơ hội thành công của dự án khởi nghiệp sẽ lớn hơn, đồng thời sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian, giúp duy trì ngọn lửa nhiệt huyết trong bạn lâu hơn.
Để có thể được một trình duyệt Cốc Cốc thành công như hiện tại, chúng tôi đã phải thực hiện và thử nghiệm cùng lúc một số sản phẩm như trình duyệt Cốc Cốc, tìm kiếm địa điểm Nhà Nhà, dự án Video 360, giải Toán Hoá... Một số sản phẩm có thể chưa thành công như mong đợi, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì nuôi dưỡng, âm thầm phát triển. Có thể trong tương lai, những sản phẩm đó sẽ tìm ra hướng đi mới đúng đắn hơn, được người dùng đón nhận nhiều hơn. Chúng ta không thể đoán chính xác tương lai, quan trọng là nên chuẩn bị nhiều phương án khác nhau ở hiện tại.
Phong cách kinh doanh của Cốc Cốc đó là “lắng nghe có chọn lọc”. Để khởi nghiệp thành công, mọi người thường hô hào: “Hãy dám nghĩ, dám làm!”, nhưng quan trọng hơn phải là nghĩ đúng hướng, làm đúng thứ cần làm, đúng thời điểm.
Rất mừng là hiện tại, Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm tới khởi nghiệp, thể hiện qua nhiều kế hoạch, đề án tập trung hỗ trợ các dự án startup. Theo tôi, trước mắt, chúng ta nên hiện thực hoá các chính sách đó một cách nhanh chóng. Xa hơn nữa, chúng ta có thể học tập mô hình hỗ trợ khởi nghiệp ở các quốc gia khác để áp dụng ở Việt Nam.
Rào cản lớn nhất của thành công là ở giới hạn bản thân người lãnh đạo
Ông Đặng Công Nguyên,CEO EWAY
Bắt đầu thành lập DN từ năm thứ tư đại học, tôi không có nhiều thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc khởi nghiệp. Tôi đã vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Trang bị quan trọng nhất với tôi là khát khao, kiên trì và tinh thần học hỏi không ngừng.
Bài học lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp của tôi là bài học về con người. Tôi đã phải học hỏi rất nhiều bậc tiền bối để hiểu biết hơn về việc tìm, tuyển dụng, xây dựng nhân sự phù hợp, bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng để công ty phát triển lớn mạnh, bền vững.
Tôi luôn tâm niệm, kinh doanh mà không tạo ra nhiều tiền là kinh doanh thất bại. Kinh doanh mà chỉ tạo ra tiền là kinh doanh nghèo nàn. Do đó, việc phát triển công ty không chỉ nhằm tạo ra lợi nhuận, mà còn phải tạo ra được những giá trị gia tăng lớn hơn nữa.
Để xây dựng môi trường hỗ trợ tốt nhất cho các DN khởi nghiệp, trước mắt, Nhà nước nên cho phép các DN thực sự được làm những gì luật pháp không cấm và trong dài hạn, tạo điều kiện để DN được tự do phát triển kinh doanh những sản phẩm/dịch vụ đó.
“Cháy hết mình” với khách hàng
Ông Đinh Lê Đạt, Người sáng lập và CEO ANTS
Ngay từ đầu, những người sáng lập phải ý thức được rằng, mình đang vận hành một công ty theo những quy luật đặc thù về tài chính. Đây phải là một công ty tinh gọn, với quy trình vận hành tinh vi. Khó khăn của các công ty khởi nghiệp hiện nay là tìm mô hình kinh doanh đúng, vì vậy, cần quy trình rõ ràng trong việc vận hành.
Đối với hoạt động kinh doanh, để thành công, hãy xem khách hàng như “người tình đầu tiên của mình”. Nếu dự án khởi nghiệp “cháy hết mình” với khách hàng như với mối tình đầu tiên, cảm xúc mãnh liệt như vậy sẽ góp phần mang lại thành công, phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Đây cũng là phương châm mà ANTS thực hiện theo. Đơn cử, khi Công ty mới ra đời vào tháng 6/2015, khách hàng lớn là Lazada đưa ra yêu cầu chạy 1.000 lượt truy cập. Sau đó một tháng, họ đưa ra con số khó hơn là 10.000 lượt, con số mà ANTS khi đó không dám tin sau một tháng có thể thực hiện được. Nhưng cuối cùng, với sự quyết tâm của ANTS, mọi việc đã diễn ra trơn tru, vượt qua cả mong đợi.
Một số sai lầm mà doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW, đơn vị có nhiều năm kinh nghiêm tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nêu ra một số sai lầm về mặt pháp lý mà doanh nghiệp startup hay gặp và những giải pháp vượt qua.
1. Sai lầm phổ biến thứ nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp đó là không biết cách xác định đúng ngành nghề kinh doanh mà mình đang tiến hành. Do các lĩnh vực khởi nghiệp, đặc biệt là công nghệ thông tin, là những lĩnh vực vô cùng mới mẻ nên khi tiến hành triển khai kinh doanh trên thực tế, khó xác định ngành nghề kinh doanh chính xác, từ đó có thể dẫn tới những rủi ro pháp lý.
Ví dụ, theo quy định hiện hành, dịch vụ trung gian thanh toán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và cần có vốn pháp định là 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều website đang tiến hành dịch vụ này mà không đăng ký ngành nghề kinh doanh trung gian thanh toán và cũng không đáp ứng đủ điều kiện kể trên.
2. Sai lầm thứ hai mà các doanh nghiệp startup thường gặp là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình, một nhóm cùng làm việc hoặc một cá nhân chủ chốt sở hữu tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, phần mềm, sáng chế có giá trị và đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với tư cách cá nhân. Khi lập doanh nghiệp, họ không chuyển quyền sở hữu từ cá nhân sang doanh nghiệp và điều này có thể gây ra những tranh chấp sau này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp startup thường chưa quan tâm tới việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với những tài sản như sáng chế, kiểu dáng và nhãn hiệu, khiến trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp khởi nghiệp bị mất quyền sở hữu đối với tài sản đó.
3. Vấn đề thứ ba mà doanh nghiệp startup có thể gặp phải là vấn đề về vốn của công ty. Một trong những sai lầm phổ biến là doanh nhân khởi nghiệp thường định giá sai về doanh nghiệp, có khi định giá công ty quá cao hoặc định giá công ty hoặc ý tưởng kinh doanh quá thấp.
Định giá sai sẽ làm cho việc gọi vốn khó khăn hơn, bởi quá cao thì nhà đầu tư không mặn mà với việc rót vốn, trong khi định giá thấp thì doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ bị thiệt hại.
4. Cuối cùng là các vấn đề thường gặp khi nhận vốn góp. Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp khởi nghiệp thường nhận vốn góp bằng công sức, các bên thoả thuận là nhân sự được mời về sẽ cống hiến trong thời gian nhất định và được hưởng một số phần trăm cổ phần. Đôi khi các thành viên thỏa thuận miệng và cũng không tiến hành góp vốn trên thực tế, vì vậy, nguy cơ mất tư cách thành viên của một số cổ đông rất dễ xảy ra.
Để giải quyết vấn đề này, những nhân sự góp vốn bằng công sức cần quan tâm tới việc tiến hành góp vốn đúng theo quy định của luật doanh nghiệp, tránh trường hợp mất tư cách thành viên khi có tranh chấp.