Từ các phân tích đó, tôi vào một lệnh giao dịch mua chỉ số tương lai Nasdaq 100 và bán vàng. Ai đó trên CNBC đang phát biểu rằng cổ phiếu công nghệ là điểm trú ẩn an toàn mới.
Vào buổi trưa ngày hôm đó, lệnh mua chỉ số Nasdaq 100 của tôi đụng vào mức dừng lỗ. Thế nhưng, lệnh bán vàng của tôi lại lời lớn. Lợi nhuận của tôi trong ngày là rất khả quan so với bình thường.
Tất nhiên, tôi không hề biết điều gì đã xảy ra. Tôi chỉ đang đánh cược với điều tôi không thể dự đoán và tôi kiếm được tiền theo cách mà tôi không thể dự đoán.
Điều đó giúp tôi lờ mờ hiểu được nỗi sợ trên thị trường. Người ta sợ điều mà họ không thể biết trước, cũng không thể dự đoán từ dịch cúm Covid-19 lần này.
Sợ điều ta không thể dự đoán
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh.
Từ lâu, giới kinh tế đã phổ biến một khái niệm, đó là độ bất định (uncertainty). Đây là một khái niệm khác với khái niệm rủi ro mà người ta hay nói đến trong sách giáo khoa tài chính.
Rủi ro là nói về những sự kiện mà người ta biết trước chính xác được những khả năng có thể xảy ra và xác suất xảy ra của từng khả năng.
Một ví dụ phổ biến về rủi ro là một trò chơi xác suất với bóng. Nếu bạn bỏ ba quả bóng vàng, trắng, xanh vào trong một bao rồi lấy ra bất kỳ một quả bóng nào, nếu không phải bóng trắng thì bạn sẽ được thưởng 50 USD, còn nếu là bóng trắng thì bạn mất 100 USD.
Tham gia vào trò chơi này, người chơi biết ngay từ đầu xác suất mất tiền (khi lấy phải bóng trắng) là 1/3 còn xác suất được tiền là 2/3.
Người chơi biết rõ các tình huống có thể xảy ra (lấy phải 1 trong 3 bóng) và xác suất của từng tình huống từ trước khi tham gia trò chơi, nên đây là trò chơi về rủi ro.
Những ví dụ thực tế là như trò chơi roulette hay là chơi poker trong sòng bạc. Người ta có thể tính toán ra được xác suất của các canh bạc vì họ biết trước số lượng ô số hay số lượng lá bài có sẵn.
Khái niệm độ bất định, hay còn gọi là bất định Knight (Knightian uncertainty) thì không như vậy. Người ta không biết trước được số tình huống có thể có và cũng không thế ước đoán được xác suất có thể diễn ra cho từng tình huống cho đến khi sự kiện kết thúc.
Dân kinh tế gọi là một thế giới của những điều không thể biết trước. Năm 1937, nhà kinh tế John Maynard Keynes đã có một cách giải thích vô cùng dễ hiểu là những thứ thuộc về khái niệm “bất định” là không thể biết trước một cách chính xác, ví dụ khả năng xảy ra chiến tranh, giá cả của kim loại, lãi suất trong tương lai.
Ông nhận định rằng, không có một phương pháp khoa học nào để tính toán được xác suất của những sự kiện này. “Chúng ta đơn giản không biết”.
Dịch Covid-19 gây ra lần này là một dạng sự kiện như vậy. Khi dịch cúm bùng nổ ở Daegu, Hàn Quốc, nó đã làm thay đổi mọi ước tính về xác suất bao nhiêu người sẽ bị lây nhiễm ở Hàn Quốc trước đó.
Từ mức dưới 100 trường hợp, Hàn Quốc đã có hơn 5.600 trường hợp bị lây nhiễm chỉ trong 2 tuần (tính đến ngày 4/3).
“Tất cả những ước tính xác suất trước đó sẽ phải bị tính toán lại cho Hàn Quốc”, một bạn tôi làm việc tại một quỹ đầu tư ở London cho biết sau khi tin tức dịch ở Daegu bùng phát vào ngày 20/2 (ngày đầu tiên có số người nhiễm bệnh vượt con số 100).
Nói vậy để thấy, những con số về xác suất nhiễm bệnh, dự đoán từ mô hình… đều đang ở trạng thái động và vọt lên cao ngay sau khi một ổ dịch mới xuất hiện.
Người ta không thể làm gì, ngoại trừ chuyện nhập số liệu mới vào mô hình. Bạn tôi khi đó nói tương tự những gì John Maynard Keynes đã nói gần 100 năm trước, chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra nữa rồi.
Khi người ta không biết, người ta sẽ sợ. Từ chuyên môn giới kinh tế dùng là ngại sự bất định (ambiguity aversion). Người ta sợ điều gì?
Người ta sợ kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái. Chỉ số PMI - chỉ số quản lý sức mua - ngành sản xuất của Trung Quốc giảm từ mức 50 điểm xuống 35,7 điểm trong tháng 2.
Nhiều nhà phân tích dự báo mức giảm xuống đâu đó hơn 40 điểm, một mức mà họ cho là khủng khiếp lắm rồi, hơn cả khủng hoảng tài chính.
Vì vậy, mức giảm 35,7 là cực mạnh. Doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đang đối mặt với khả năng cao không trả được lãi trái phiếu sắp tới, nhất là với những trái phiếu quốc tế.
Giới đầu tư ở London đang dự đoán sẽ có những đợt kêu gọi tái cấu trúc nợ của trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
Vấn đề họ đang quan tâm là liệu những sự kiện như vậy có được “du di” xem là không phải sự kiện vỡ nợ không.
Nếu được tính là sự kiện vỡ nợ, điểm CDS của nhiều loại trái phiếu có rủi ro cao tương tự Trung Quốc sẽ bật lên và lợi suất trái phiếu rủi ro cao (junk bond) sẽ vọt lên. Một sự sụp đổ của thị trường trái phiếu rủi ro cao trên toàn cầu có thể sẽ bắt đầu.
Đó là với Trung Quốc. Người Mỹ, người Anh sợ điều khác. Họ đang sợ niềm tin chi tiêu và niềm tin đầu tư của doanh nghiệp sẽ sụt giảm khi số trường hợp lây nhiễm ngoài Trung Quốc lan nhanh.
Khác với người Trung Quốc, người Hàn Quốc và Ý có thể di chuyển tự do mà không cần visa đến rất nhiều quốc gia. Nhiều đồng nghiệp và bạn bè của người viết cho hay, chả thấy đo nhiệt độ, ngăn dịch gì ở sân bay của Anh hay Mỹ cả.
Họ lo sợ những điều chưa xảy ra, không biết có xảy ra không và nếu xảy ra thì tệ đến bao nhiêu. Không ai biết. Nên người ta sợ.
Mỗi người sẽ có một mức độ sợ khác nhau. Vì vậy, sẽ có người nhảy ra “bắt dao rơi” trên thị trường, cũng có người sẽ hoảng loạn bán tháo.
Tương tự như việc người ta cãi nhau về chuyện có cho con đi học hay không vậy. Tôi quan sát cách mà hai người anh mà tôi vô cùng ngưỡng mộ vận dụng mọi hiểu biết, lý lẽ, con số để cố chứng minh cho nhau là người kia sai trên Facebook.
Hai người bạn học cũ của tôi, một làm quản lý quỹ đầu tư ở Úc, một làm quản trị rủi ro cho ngân hàng lớn của Canada, thì cãi nhau về việc lãi suất Mỹ tháng 3 sắp tới sẽ cắt giảm hay không và cắt giảm bao nhiêu phần trăm.
Đó đều là những người thông minh và hiểu biết, đều hiểu rõ khái niệm bất định hơn tôi nhiều. Nhưng cách mà họ phản ứng với sự bất định rõ ràng là khác nhau. Một ai đó sẽ may mắn đúng và người kia không may sẽ sai.
Đối mặt với nỗi sợ, cần một cú huých niềm tin
Trong lúc đối mặt với nhiều bất định về tương lai kinh tế - xã hội như vậy, người ta đang yêu cầu chính phủ phải “giải cứu”.
Nhưng giải cứu một nền kinh tế thì không đơn giản như “giải cứu thanh long” được. Tôi tâm đắc với nhận định của GS.TS Trần Ngọc Thơ gần đây là không có gói kích thích kinh tế nào chống lại được nỗi khiếp sợ.
Khác với khủng hoảng tài chính 2007 - 2009, lúc đó mấu chốt của nền kinh tế là cần chi nhiều tiền ra để tạo thanh khoản và giải cứu thị trường các chứng khoán phái sinh liên quan đến nợ dưới chuẩn và thị trường các hợp đồng phái sinh về tín dụng (CDS) tụt dốc.
Chính phủ cũng có thể chi tiền mua trái phiếu, tránh một đợt khủng hoảng nợ.
Nhưng nay không có dòng tiền nào có thể khiến virus ngừng lây lan, không có khoản chi nào có thể đem khách du lịch trở lại ngay.
Thứ có thể giúp ích lúc này là các bác sĩ tìm ra vắc-xin và thuốc điều trị bệnh do virus Corona gây ra. Nhưng có vẻ như sẽ cần nhiều tháng nữa để điều đó xảy ra.
Vì vậy, ở thì hiện tại, không có gói giải cứu hiệu quả nào cho nền kinh tế, chỉ là “truyền nước biển”, ổn định lại. Nói như GS.TS Trần Ngọc Thơ, tên gọi “gói ổn định” mới là đúng.
Như cách mà chính phủ Nhật chi tiền hỗ trợ cho các gia đình gặp khó khăn khi con họ phải ở nhà, hoặc như Hồng Kông chi 10.000 HKD cho các thường trú nhân trên 18 tuổi.
Gói ổn định này có thể mở rộng qua các khoản giảm thuế, tăng chi bảo hiểm thất nghiệp và nhiều loại chi tài khóa khác. Nhưng ngân sách có thể gánh được bao nhiêu? Thôi thì liệu cơm gắp mắm.
Quan trọng hơn hết, đây là thời điểm cần sự quyết đoán và dũng cảm của các nhà lãnh đạo.
Thủ tướng Nhật gần đây nói rằng, ông nhận thức được sự chỉ trích về các biện pháp của chính phủ đối phó với dịch Covid-19 nhưng cho biết, ông sẽ đưa ra các quyết định cần thiết “để bảo vệ sự an toàn và tính mạng của người dân và sẽ chịu mọi trách nhiệm”.
Vào lúc này, thứ hiệu quả nhất để đối mặt với nỗi sợ là niềm tin và hy vọng. Việc những người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm sẽ tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho người dân.
Cú huých niềm tin đó có khi còn quan trọng hơn số tiền thật sự được chi ra để ổn định nền kinh tế.