Vượt qua mắt bão

Vượt qua mắt bão

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự thận trọng bao trùm TTCK trong lúc này là còn nhiều yếu tố bất định chưa rõ ràng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, khiến dòng tiền lựa chọn đứng ngoài quan sát.

Xét về bối cảnh vĩ mô, Việt Nam là nền kinh tế ít chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát và đứt gãy giao thương do xung đột địa chính trị so với đa số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, sức ép ngắn hạn ở thị trường trong nước là các chính sách điều hành cũng đang chờ đợi thêm thời gian để đánh giá các yếu tố đang bất định diễn biến tiếp như thế nào, trước khi có các quyết sách rõ ràng.

“Doanh nghiệp đều đang nín thở chờ chính sách”, chủ tịch HĐQT một công ty niêm yết chia sẻ khi bình luận về mức giảm giá quá mạnh diễn ra đầu tuần trước trên TTCK.

Đợt giảm giá không phanh này được giải thích là do thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ với diễn biến tâm lý “mong manh”. Thị trường đã trải qua trạng thái hưng phấn quá đà thì giờ đây lại hoảng sợ thái quá. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, bị bán với mức giá rẻ vô lý so với định giá doanh nghiệp nhìn từ giá trị sổ sách và cả kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thời điểm này, việc mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp nhằm bình ổn giá cổ phiếu không còn khả thi vì theo quy định mới, mua cổ phiếu quỹ doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ, từ đó ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư hoặc các hoạt động kinh doanh khác có liên quan đến yêu cầu về vốn hay các chỉ số tài chính.

Lực mua bình ổn giá cổ phiếu chỉ còn trông chờ vào các cổ đông nội bộ, nhất là ban lãnh đạo công ty.

Thị trường đã xuất hiện các lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào nhưng số lượng không nhiều, dù rằng ai cũng công nhận giá cổ phiếu khá rẻ.

Lý giải điều này, một số lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nguồn tài chính cá nhân cũng phải để dự phòng cho thanh khoản nếu tình hình trở nên xấu hơn, đặc biệt là việc huy động vốn, vay mượn của doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trên cả thị trường tín dụng cũng như trái phiếu.

Chính vì thế, giới phân tích cho rằng, mặc dù chờ đợi các yếu tố “ngoại” như lạm phát, tăng lãi suất, suy thoái kinh tế, hay mở cửa, bơm tiền lại của Trung Quốc… tác động như thế nào thì quan trọng vẫn là chính sách trong nước sẽ thay đổi ra sao. Tín dụng có được khơi thông, các quy định mới về phát hành trái phiếu có đảm bảo thị trường được “rộng cửa” phát triển.

Chỉ còn vài ngày nữa là thị trường bước sang tháng tháng 7. Vẫn có niềm tin room tín dụng cho nửa cuối năm sẽ được tiếp tục giải ngân từ thời điểm này và vào đầu quý III sẽ có một đợt nới room tín dụng tùy theo thực tế thị trường.

Thật khó để phán đoán thị trường ở thời điểm này, nhưng điều mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường làm là không cố đoán định thị trường để đầu tư theo kiểu đặt cược mà hành động theo nó, dự phòng các rủi ro có thể xảy ra.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân mới bước vào thị trường trong 2 năm gần đây lần đầu tiên đã được nếm trải “bão táp, phong ba”, nhưng đó là những bài học tất yếu khi tham gia TTCK. Nếu nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp tốt, thị giá rồi sẽ tăng trở lại. Nhưng nếu đầu tư vào doanh nghiệp hoạt động èo uột, mờ nhạt thì việc bị chôn vốn, thậm chí buộc phải cắt lỗ sẽ là tất yếu.

Chính giai đoạn thị trường khó khăn để tìm cơ hội là lúc giá trị tài khoản của các nhà đầu tư có sự cách biệt rõ ràng, sẽ có người bứt phá, có người giậm chân tại chỗ hay đi lùi.

Những thông tin, bàn luận, phân tích trong Tiêu điểm với chủ đề “Hành động trong mắt bão” của số báo tuần này có thể phần nào hữu ích, giúp các độc giả, nhà đầu tư rút ra cho mình chiến lược đầu tư đúng đắn khi thời kỳ tiền rẻ đã đi qua và xuất hiện thêm những yếu tố bất định.

Cơn bão nào rồi cũng qua và có khi những cơ hội tốt nhất lại xuất hiện khi “bầu trời vần vũ”!

Tin bài liên quan