Lợi nhuận nửa đầu năm tăng cao
Trong 6 tháng đầu năm 2024, CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã VOS) đạt lợi nhuận trước thuế 427,2 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch cả năm.
Tương tự, CTCP Cao su Sao Vàng (mã SRC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 117 tỷ đồng khi kết thúc quý II, vượt 50% kế hoạch năm 2024, dù doanh thu mới thực hiện được 25% mục tiêu.
Ngành xây dựng nửa đầu năm 2024 chưa khởi sắc trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm, nhưng CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 741 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 lỗ 713,2 tỷ đồng), vượt 71% mục tiêu cả năm.
Trong nhóm vật liệu xây dựng, CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) lãi sau thuế xấp xỉ 19 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay (cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 3 tỷ đồng), gấp 19 lần kế hoạch cả năm.
CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hoà (mã VLB) ghi nhận doanh thu 629,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 104,7 tỷ đồng khi kết thúc tháng 6/2024, lần lượt tăng 28% và 58% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 72% mục tiêu doanh thu và vượt 3% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Một số doanh nghiệp khác gần chạm đích mục tiêu lợi nhuận năm 2024 sau 6 tháng như CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã HT1) lãi sau thuế 21,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 lỗ gần 27 tỷ đồng), hoàn thành 92% kế hoạch, dù doanh thu giảm khoảng 8% so với cùng kỳ.
CTCP Cảng Quy Nhơn (mã QNP) đạt lợi nhuận trước thuế 95,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, hoàn thành 83% kế hoạch cả năm.
Với CTCP Cảng Xanh VIP (mã VGR), tỷ lệ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 sau 6 tháng là 88%, với 187,2 tỷ đồng.
Cần đánh giá kỹ triển vọng đầu tư
Việc doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận khả quan so với kế hoạch hứa hẹn mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn, nhưng nhà đầu tư cần đánh giá kỹ triển vọng kinh doanh. Thực tế cho thấy, kết quả đó của nhiều doanh nghiệp không đến từ hoạt động kinh doanh chính, mà là từ khoản lợi nhuận đột biến.
Chẳng hạn, Vosco có khoản lợi nhuận khác hơn 393 tỷ đồng từ việc bán tàu già Đại Minh trong tháng 4/2024. Xét hoạt động kinh doanh cốt lõi, Công ty lỗ hơn 63 tỷ đồng trong quý II/2024.
Với Hoà Bình, trong quý II/2024, Công ty được hoàn nhập hơn 220 tỷ đồng chi phí quản lý (hoàn nhập khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 293 tỷ đồng). Ngoài ra, doanh nghiệp có khoản lợi nhuận khác gần 515 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
SRC có khoản lợi nhuận khác 162 tỷ đồng trong quý II/2024 do chuyển nhượng quyền thuê lại đất với cơ sở hạ tầng và tài sản gắn liền trên đất. Tính riêng hoạt động kinh doanh, Công ty chỉ lãi xấp xỉ 29 tỷ đồng.
Trong nhóm doanh nghiệp đang tiến sát mục tiêu lợi nhuận năm 2024, phần lớn là do kế hoạch năm nay được “cài số lùi”. Tại VLB, Công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2024 thấp hơn 25% so với năm 2023. Kế hoạch lợi nhuận năm nay của TNS còn thấp hơn năm ngoái 73,6%. Ngay cả nhóm cảng biển có triển vọng sáng từ giá cước tăng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn năm ngoái như QNP và VGR (thấp hơn lần lượt 20% và 22%).
Về triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp nửa cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng có không ít cơ hội. Tuy nhiên, tình hình sẽ chưa khả quan với ngành xây dựng, lợi nhuận có thể tăng trưởng âm. Riêng nhóm vật liệu xây dựng, sau một giai đoạn khó khăn sẽ dần khởi sắc, nhưng chưa thể tăng trưởng mạnh. Ngành cao su, săm lốp có thể ghi nhận lợi nhuận giảm khoảng 8,3%. Lợi nhuận ngành cảng biển có khả năng tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.