Vượt bẫy thu nhập trung bình: Cơ hội từ sức ép trở lại đầu tàu của TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Với sự kiên trì cải cách thể chế kinh tế thị trường, Việt Nam đã có một thể trạng kinh tế khoẻ mạnh hơn bao giờ hết, nhưng mô hình tăng trưởng cũ đã tận khai.

1. Một tháng sau khi các số liệu về kinh tế vĩ mô quý I/2023 của TP.HCM được công bố với mức tăng trưởng thấp khiến nhiều người ngỡ ngàng, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn tiếp tục các chuyến đi tới vùng đất này.

Ông Cung kể, cảm nhận rất rõ không khí trầm lắng và cả những lo lắng của doanh nghiệp, tiểu thương ở địa điểm giao thương luôn nhộn nhịp nhất cả nước.

“Tôi không ngạc nhiên về con số tăng trưởng của TP.HCM trong quý đầu năm. Từ tháng 10, tháng 11 năm ngoái, rồi tháng Tết, doanh nghiệp gỗ, cơ khí đã thấy đơn hàng giảm một nửa, đã lên kế hoạch cắt giảm lao động; doanh nghiệp bán lẻ cũng nói đến thua lỗ… Tôi không ngạc nhiên, nhưng thực sự lo ngại, không chỉ lo cho TP.HCM”, ông Cung chia sẻ.

Suốt thời gian qua, tăng trưởng cho TP.HCM gần như là bài toán buộc phải tìm lời giải trong các cuộc thảo luận của giới chuyên gia kinh tế, bên cạnh các cuộc làm việc liên tục của chính quyền Thành phố để tìm phác đồ cho “3 trận phải thắng” trong năm 2023. Nhiều vấn đề đã được mổ xẻ, từ chiếc áo cơ chế quá chật; áp lực quá lớn đổ dồn lên vai giới công chức thành phố này, hay những ách tắc của hệ thống hạ tầng… đang tạo thêm sức ì cho đầu máy của đầu tàu kinh tế cả nước. Thậm chí, nhiều chuyên gia đang nói về tác động tiêu cực sẽ lộ diện trong quý tới ở các địa phương lân cận, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, những nơi đang cung cấp nguyên liệu đầu vào, lương thực, thực phẩm cho TP.HCM.

“Đầu tàu đi chậm, thì toa tàu không thể đi nhanh, nhưng nếu TP.HCM tăng trưởng 10%, thì sẽ góp được 1 điểm phần trăm cho tăng trưởng cả nước. Đây là điều tôi muốn nhắc đến hơn cả vào thời điểm này”, ông Cung tâm tư.

Cách đây 10 năm, trong các nghiên cứu để thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, ông Cung đã nhận định, nếu TP. HCM không chuyển thành công sang mô hình kinh tế mới, theo hướng đổi mới, sáng tạo thì không vùng nào ở Việt Nam làm được.

Lý do là, TP.HCM vẫn được coi là “bức tranh thu nhỏ” của kinh tế Việt Nam, nơi tập trung 1/3 doanh nghiệp của cả nước, trong đó doanh nghiệp tư nhân trong nước gần như tuyệt đối xét về tỷ trọng. Đây cũng là vùng đất có lực lượng lao động năng động, có chất lượng, sẵn sàng thử nghiệm với các mô hình phát triển mới. Nghĩa là, các điều kiện cần đã hội tụ đủ các nguồn lực, trí tuệ, nhân lực, vốn…

Thời điểm này, theo TS. Cung, TP.HCM còn có thêm một điều kiện quan trọng, đó là sức ép phải thay đổi nếu muốn tìm lại vai trò đầu tàu của nền kinh tế.

“TP.HCM đang rơi vào tình trạng ách tắc toàn diện, cả nguồn lực, vốn liếng, hạ tầng... Cơ hội phát triển theo chiều rộng nhờ vào khai thác tài nguyên, đất đai như nhiều địa phương khác không còn, nếu không bứt lên, kinh tế TP.HCM sẽ quẩn quanh trong bẫy thu nhập trung bình ngay trước mặt”, TS. Nguyễn Đình Cung thẳng thắn.

2. Ách tắc cũng là từ khóa mà TS. Fred McMahon của Viện Nghiên cứu Fraser (Canada) nhắc đến trong lần đầu tiên đến Hà Nội vào đầu tháng 3 vừa qua.

TP.HCM đang rơi vào tình trạng ách tắc toàn diện, cả nguồn lực, vốn liếng, hạ tầng. Cơ hội phát triển theo chiều rộng không còn, nếu không bứt lên, kinh tế TP.HCM sẽ quẩn quanh trong bẫy thu nhập trung bình trước mặt.

“Cám ơn Google translate, tôi đã đọc được nhiều báo cáo về Việt Nam bằng tiếng Việt, để thấy Việt Nam đã bắt đầu thịnh vượng và người Việt Nam đã được hưởng sự thịnh vượng này. Tôi thấy điều này trên đường từ sân bay Nội Bài về khách sạn, nhưng cũng thấy cả những dấu hiệu tắc nghẽn”, TS. Fred McMahon chia sẻ tại Tọa đàm chính sách: “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030" mà Viện Fraser và Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức.

Hôm đó, vị chuyên gia đến từ nơi đang nghiên cứu và công bố Chỉ số Tự do kinh tế hàng năm này đã tạo nên một cuộc tranh luận thú vị, khi cho rằng, ách tắc và còn tương đối nghèo đói là “lợi thế” để Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình.

TS. Fred McMahon kể, nhiều người cũng tìm ông hỏi nguyên do.

“Xuất phát điểm thấp sẽ tăng trưởng mạnh hơn, ai cũng hiểu điều đó. Nhưng chúng ta cũng đang nhìn thấy nhiều nền kinh tế đã đạt được mức thịnh vượng nhất định, nhưng suy giảm, thậm chí rơi vào rối loạn, như Argentina, Venezuela... hay những nền kinh tế sau một thời gian tăng trưởng lại mờ nhạt dần, như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan… Đó là lời cảnh báo cho Việt Nam, nhưng cũng mở ra hướng đi, nếu Việt Nam tranh thủ được giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế”, TS. McMahon nói.

Tất nhiên, TS. McMahon cũng thẳng thắn, đây không phải là con đường dễ đi. Trong số 101 quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 quốc gia gia nhập nhóm thu nhập cao vào năm 2008, trong đó có Hàn Quốc, Singapore…

“Chìa khóa thúc đẩy thịnh vượng trên các châu lục là tự do kinh tế. Khi người dân, doanh nghiệp được tự do sáng tạo, sản xuất, lựa chọn các sản phẩm thì họ sẽ chọn những gì tốt nhất, hiệu quả nhất, nhờ vậy họ sẽ là người tiên phong, là người cạnh tranh hơn những doanh nghiệp phải chịu những hạn chế trong kinh tế. Đây là nền tảng tạo nên tăng trưởng bền vững", TS. Fred McMahon gửi khuyến nghị tới Việt Nam.

Tuy nhiên, trong xếp hạng về Chỉ số Tự do kinh tế mà TS. Fred McMahon đang là Trưởng nhóm nghiên cứu, thứ hạng của Việt Nam không cao, đứng thứ 113 trong số 165 nền kinh tế. Trong đó, khá nhiều chỉ số thấp, như quy định kinh doanh đứng thứ 112, với gánh nặng pháp lý, thủ tục hành chính và chi phí không chính thức; đứng thứ 129 về quy định thị trường lao động... Về tự do thương mại, Việt Nam xếp hàng 107, vì các rào cản thương mại phi thuế, chi phí tuân thủ cao.

Đặc biệt, chỉ số đồng tiền tốt của Việt Nam đang có thứ hạng thấp nhất trong số 8 chỉ số thành phần, đứng thứ 136.

Nhưng ở góc độ tích cực, Việt Nam đã tiệm cận các nhóm nước có thu nhập trung bình cao ở các chủ số gồm quy mô chính phủ, hệ thống pháp luật về quyền sở hữu, quy định quản lý thị trường tín dụng…

Đây là lý do ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tập nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) cho rằng, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam không còn là giải phóng sức lao động như giai đoạn trước nữa.

“Sau quá trình phát triển, người dân đều có những phần tài sản tích luỹ được, nên trọng tâm chính sách kinh tế trong giai đoạn mới phải làm sao để tài sản của người dân tìm được kênh đầu tư hiệu quả thông qua môi trường đầu tư an toàn", ông Minh đặt vấn đề.

Môi trường an toàn, theo ông Minh, đó là có hành lang pháp lý để cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp sử dụng đồng tiền của mình tự do hơn, hiệu quả hơn, rủi ro thấp hơn, từ đó mới kích hoạt hết các nguồn lực cho tăng trưởng.

“Nếu không, chúng ta sẽ vẫn dừng lại ở mức thu nhập trung bình thấp như hiện nay và rất khó có thể đạt đến ngưỡng thu nhập trung bình cao vào năm 2030 như mong muốn”, ông Minh thừa nhận.

3. Trở lại câu chuyện của TP.HCM, ông Cung không cho rằng, TP.HCM thiếu nguồn lực.

“Thành phố đang thiếu cơ chế thu hút nguồn lực, để tháo gỡ các nguồn lực bị tắc nghẽn bởi cơ cấu kinh tế, bởi giao thông và bởi cả tư duy phát triển, chứ không thiếu nguồn lực”, ông Cung bình luận.

Sự tắc nghẽn ở đây theo đúng nghĩa đen, cả ở trên trời, dưới đất của hệ thống sân bay, cảng biển, giao thông ở TP.HCM và trong cả sự có mặt đến tận giờ của những công ty thâm dụng lao động, như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, có thời điểm lên tới 100.000 lao động…

Theo mô hình tăng trưởng, sau giai đoạn tận khai lao động, tài nguyên sẽ là giai đoạn phát triển dựa trên năng suất, tiếp đó là giai đoạn dựa trên đổi mới, sáng tạo. Nhưng ông Cung nhìn nhận, 10 năm qua và 10 năm nay, các ngành chủ lực của TP.HCM vẫn như vậy, dù cơ cấu có thể thay đổi, khiến tình trạng tắc nghẽn ngày càng tệ. Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp của Thành phố đều giảm...

“Nhưng không thể buộc các công ty như PouYuen chuyển dịch nếu họ không nhìn lợi ích hay sức ép phải làm”, ông Cung lo ngại.

Sức ép và lợi ích, theo ông Cung, sẽ chỉ đến nếu có thị trường và bàn tay của Nhà nước phối hợp dựa trên tư duy phát triển mới về không gian phát triển của Vùng, thay vì trong giới hạn phạm vi hành chính.

Ví dụ, việc thay đổi công năng các khu công nghiệp của TP.HCM, chuyển đổi sang các ngành nghề mới, sẽ thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đất đai, kể cả hệ thống cảng biển dịch chuyển tới các địa phương ở miền Tây, hoặc miền Trung… Nhưng đi cùng phải là nguyên tắc bảo toàn các quyền tài sản vốn có của doanh nghiệp, để doanh nghiệp có quyền chuyển nhượng hoặc được sử dụng với mục đích tạo ra giá trị cao hơn.

Hay việc thu hút đầu tư, các kế hoạch hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, các dự án hỗ trợ đào tạo lao động… sẽ phải thực hiện theo tư duy phát triển Vùng, phát triển chuỗi giá trị. Mục tiêu là hiệu quả các nguồn lực, thay vì chính quyền các đại phương cạnh tranh lẫn nhau…

“Nếu chỉ gỡ những điểm nghẽn cũ, như tôi thấy chính quyền TP.HCM đang đề xuất, rất cần, nhưng không đủ để đưa vị thế đầu tàu của TP.HCM trở lại, chưa nói đến việc tạo ra năng lượng phát triển cho mô hình tăng trưởng mới”, ông Cung lo ngại.

Rõ ràng, sự trở lại của TP.HCM là bài toán của cả nền kinh tế.

Tin bài liên quan