Đây là hoạt động thuộc Hợp phần Tài chính xanh của Chương trình Hỗ trợ Các-bon thấp của Vương quốc Anh dành cho các nước ASEAN (LCEP, 2019-2022) do Ernst & Young là đơn vị chủ trì tư vấn.
Nội dung nghiên cứu và phân tích của báo cáo bao gồm khảo sát các bên tham gia thị trường (thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) để tìm ra những thách thức, vướng mắc của thành viên thị trường khi tiếp cận và phát hành trái phiếu xanh và thực hành báo cáo môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đánh giá bối cảnh ở Việt Nam, Ernst & Young đưa ra khuyến nghị về những nhóm hành động mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần nghiên cứu thực hiện để thúc đẩy thị trường vốn xanh, với các mục tiêu cụ thể bao gồm thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và cải thiện số lượng và chất lượng báo cáo ESG.
Nghiên cứu đã đề xuất một khung kế hoạch hành động thúc đẩy thị trường vốn xanh cùng lộ trình triển khai trong giai đoạn 5 năm, hướng tới xây dựng thị trường vốn xanh mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể chủ trì thực hiện hoặc tham gia phối hợp thực hiện với các bên liên quan, và các hành động cần ưu tiên triển khai ngay trong năm 2021 - 2022.
Phát triển thị trường tài chính xanh là một trong những giải pháp quan trọng của ngành tài chính nhằm huy động được nguồn vốn xã hội để phục vụ việc triển khai các chính sách tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu. Trong những năm vừa qua, phát triển bền vững đã trở thành một xu hướng chung trên toàn cầu.
Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), nhu cầu đầu tư xanh của khu vực ASEAN lên đến 200 tỷ đô la mỗi năm. Đây là một cơ hội rất lớn cho hệ thống tài chính. Tính riêng trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường đầu tư xanh và bền vững của khu vực ASEAN đã đạt giá trị 12,1 tỷ USD phát hành, tăng 5.2% so với 2019.