Rủi ro cơ chế
Những bất cập trong cơ chế pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư vào các dự án hạ tầng hàng không được phản ánh tương đối rõ trong Công văn số 7519/BGTVT-KHĐT của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) nghiên cứu các quy định của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế để xây dựng quy trình lựa chọn nhà đầu tư công trình kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không.
Theo một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), đây là một nhiệm vụ có tính cấp bách bởi hiện nay, việc đầu tư vào các công trình hạ tầng hàng không theo hình thức xã hội hóa không chỉ thiếu một quy trình chuẩn trong việc lựa chọn nhà đầu tư, mà các cơ quan chức năng đang rất lúng túng trong việc xác định các loại hợp đồng phù hợp đối với các dự án triển khai theo hình thức PPP.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm định Nhà nước Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I (HKQT Long Thành) trị giá 4,7891 tỷ USD.
Tại báo cáo này, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép các hạng mục công trình kinh doanh dịch vụ trị giá gần 12.000 tỷ đồng như ga hàng hóa, dịch vụ cung cấp suất ăn, trung tâm bảo trì, bảo dưỡng tàu bay... tại Cảng HKQT Long Thành sẽ do ACV hợp tác đầu tư hoặc nhượng quyền đầu tư, khai thác, hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, ngay cả khi đề xuất này của Bộ GTVT được cấp có thẩm quyền chấp thuận, thì việc triển khai tham gia đầu tư các hạng mục cũng sẽ gặp khá nhiều rủi ro cho ACV cũng như các nhà đầu tư thứ cấp, do pháp luật hiện nay chưa quy định cách thức doanh nghiệp cảng hàng không lựa chọn nhà đầu tư hợp tác đầu tư kinh doanh hoặc nhượng quyền đầu tư kinh doanh.
“Do đó, cần phải sớm xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư trên cơ sở công khai, công bằng và minh bạch”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Cần phải nói thêm, không chỉ thiếu quy trình lựa chọn nhà đầu tư, nhiều quy định tại Nghị định số 102/2015/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không đã không còn phù hợp với thực tế cũng như các quy định mới được đề cập trong Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư.
Tại Kết luận số 628-TB/UBKTTW ngày 15/5/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định, các cơ quan chức năng đã có những sai sót nhất định liên quan đến quy trình lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng phương án tài chính, thời gian hoàn vốn, thời gian cho thuê đất tại 3 dự án xã hội hóa của ACV là Dự án Đầu tư nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh, Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng và Dự án Nhà để xe quốc nội Tân Sơn Nhất.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hiện nay, Luật Đầu tư chưa làm rõ phạm vi của khái niệm “dự án xây dựng và kinh doanh cảng hàng không”. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư cảng hàng không mới, về nguyên tắc, chủ đầu tư đương nhiên phải xin phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đối với các dự án liên quan xây dựng, sửa chữa, nâng cấp từng hạng mục công trình thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; đầu tư hạng mục đầu tư tại các cảng hàng không, sân bay hiện hữu, thì việc chủ dự án có phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hay không vẫn đang là điều chưa thực sự rõ ràng.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho rằng, nếu mở rộng khái niệm dự án xây dựng và kinh doanh hàng không bao gồm cả các dự án sửa chữa, nâng cấp, thì ngay việc sửa một hệ thống điều hòa, thay gạch ốp lát sàn tại một cảng hàng không cũng sẽ phải xin ý kiến của Thủ tướng.
“Nếu không làm rõ các quy định này, các đơn vị quản lý sân bay sẽ rất mất thời gian và bị động trong việc nâng cấp, cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách. Đó là chưa kể việc dễ bị các đoàn thanh tra, kiểm toán coi là vượt thẩm quyền nếu chủ đầu tư tự quyết định việc triển khai hợp tác đối với các hạng mục sửa chữa hay bổ sung này”, ông Thanh đánh giá.
Con gà hay quả trứng
Một trong những vướng mắc lớn khác đang làm chậm tiến trình đầu tư các dự án hạ tầng hàng không là việc không quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành hàng không là Bộ GTVT có quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hay đơn thuần thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố nơi dự án được triển khai?
Được biết, theo Luật Đầu tư, các dự án vận tải hàng không và xây dựng cảng hàng không, đơn vị đề xuất chủ trương đầu tư sẽ phải trình Dự án lên chính quyền địa phương nơi đăng ký kinh doanh hoặc triển khai dự án thẩm định và phê duyệt.
“Trong lĩnh vực hàng không, kết cấu hạ tầng sân bay, quy hoạch là do bộ chuyên ngành quản, không phân cấp cho địa phương, nhưng tại các dự án đầu tư, nhà đầu tư vẫn phải xin phê duyệt chủ trương đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương nơi triển khai công trình. Trong khi đó, có rất nhiều vấn đề liên quan chuyên môn, Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương không thể nắm được”, ông Thanh cho biết.
Ngoài việc người biết thì không duyệt, người duyệt thì không biết, lãnh đạo ACV cho biết thêm, trong trường hợp các dự án có sử dụng đất, nhà đầu tư thậm chí còn rơi vào hoàn cảnh “con gà hay quả trứng”.
Cụ thể, theo Luật Đầu tư, chỉ khi nào được giao đất, nhà đầu tư mới được làm dự án, nhưng theo Luật Đất đai, có dự án thì cơ quan chức năng mới tiến hành giao đất.
Theo chuyên gia hàng không Trịnh Như Long, có khá nhiều điều điểm chưa rõ trong các quy định pháp lý liên quan đến đầu tư hạ tầng hàng không có thể khiến các bên phát triển dự án rơi vào nguy cơ “việt vị” sâu.
“Đã đến lúc, cần xây dựng hành lang pháp lý mới để các nhà đầu tư cạnh tranh công bằng và để cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn được nhà đầu tư để giao đất, cho thuê đất một cách công khai, minh bạch, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn hàng không”, ông Long đề xuất.