Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ đưa ra rất nhiều yêu cầu mới về định giá thương hiệu, quyền sử dụng đất giao, đất thuê, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay không có các văn bản hướng dẫn nghị định nên các bên bán vốn đang vướng như “gà mắc tóc”.
Không chỉ có SCIC, mà rất nhiều công ty chứng khoán, nhiều doanh nghiệp và cả các địa phương đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị được hướng dẫn về những điểm mới này. Bởi theo các quy định hiện hành, các bên không có đủ phương pháp và cách thức để xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định của Nghị định.
Đại diện một doanh nghiệp nêu ví dụ, nhà nước hiện còn sở hữu hơn 5% tại doanh nghiệp này nhưng để định giá được doanh nghiệp, đơn vị thẩm định giá phải có quyền tiếp cận toàn bộ các dữ liệu, thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp không đồng ý bằng việc yêu cầu Hội đồng quản trị không cung cấp tất cả những thông tin được yêu cầu. Nhà nước hiện chỉ là một cổ đông nhỏ lẻ tại doanh nghiệp, cũng chỉ có quyền tiếp cận thông tin như một cổ đông. Như vậy, không đủ dữ liệu để tiến hành định giá doanh nghiệp.
Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, để có thể “chứng minh” được việc xác định giá khởi điểm đã bao gồm giá trị các tài sản như quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất...một cách rõ ràng, cụ thể nhất thì chỉ có phương pháp Tài sản quy định.
Phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi và là quy định bắt buộc khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng không dễ dàng khi triển khai tại các công ty cổ phần mà nhà nước chỉ là cổ đông.
Những khó khăn thường đến từ việc Phương pháp tài sản yêu cầu khảo sát và thẩm định chi tiết về từng loại tài sản của doanh nghiệp kèm theo khối lượng thông tin cung cấp rất lớn từ phía doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi đã chuyển sang công ty cổ phần, Nhà nước chỉ là một cổ đông với quyền lợi và nghĩa vụ đã được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ doanh nghiệp. Do đó, trường hợp doanh nghiệp không hợp tác thì việc thực hiện theo phương pháp tài sản sẽ không thể thực hiện được hoặc có độ tin cậy rất thấp.
Ngoài ra, vì lý do cạnh tranh, nhiều tài sản vô hình là các sáng chế, phát minh, phần mềm đặc thù liên quan đến bí quyết kinh doanh nên doanh nghiệp sẽ có xu hướng không cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Khó khăn còn đến từ việc “giá trị văn hóa, lịch sử khác” cũng như giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần không có hướng dẫn để thẩm định giá.
Đại diện Ủy ban chứng khoán nhà nước và Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính cho biết, hàng loạt các văn bản hướng dẫn Nghị định đang được các cơ quan này dự thảo để trình Bộ Tài chính lấy ý kiến và ban hành.
Tuy nhiên, chiếu theo những nội dung và định hướng mà dự thảo đang soạn thảo, có thể thấy tiến trình thoái vốn nhiều khả năng sẽ lâm vào bế tắc khi gắn trách nhiệm của đơn vị thoái vốn với những vấn đề nhạy cảm như thẩm định giá…
Chẳng hạn, dự thảo Thông tư hướng dẫn quy định về nội dung định giá “giá trị văn hóa, lịch sử” của doanh nghiệp: Khi không đủ hồ sơ, chủ sở hữu căn cứ vào các yếu tố tham khảo để xác định nhưng phải đảm bảo tối thiểu từ 1% trở lên và phải tự chịu trách nhiệm về kết quả định giá.
Rất nhiều công ty chứng khoán tham dự hội nghị đã lắc đầu và cho rằng, trói trách nhiệm ở mức cao như vậy, khó có ai đủ dũng cảm để định giá những yếu tố khó đo đếm này vào giá trị doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc, thoái vốn nhà nước sẽ “tắc” dài dài.