Vướng mắc về nới room kỳ vọng sẽ được “làm thông”

Vướng mắc về nới room kỳ vọng sẽ được “làm thông”

(ĐTCK) Gần 1 năm sau khi cơ chế nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (room) quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP được đưa vào áp dụng, đến nay số lượng doanh nghiệp thực hiện nới room chỉ đếm trên đầu ngón tay, do việc triển khai gặp nhiều vướng mắc. Hiện tại, đang có những chuyển động chính sách mới, mang lại kỳ vọng sẽ “làm thông” cơ chế nới room, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

2 vướng mắc chính

Nới room được thị trường, giới đầu tư trong và ngoài nước trông đợi như là một chính sách mang tính đột phá để cải thiện tính sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, nhất là trong bối cảnh khi đề xuất chính sách này có nhiều cổ phiếu đã cạn room.

Tuy nhiên, sau khi cơ chế nới room được quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP và được đưa vào áp dụng cách đây gần 1 năm, kết quả không được như mong đợi của giới đầu tư, các nhà môi giới. Hiện số lượng doanh nghiệp nới room chỉ đếm trên đầu ngón tay: CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), CTCP Everpia (EVE), CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA)..., mới đây là CTCP Sữa Việt Nam (VNM).

Thực tế cho thấy, hiện có 2 điểm vướng mắc chính làm nản lòng các doanh nghiệp khi muốn nới room. Đầu tiên, trong giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp thường đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh. Do đó, việc rà soát và đối chiếu các ngành nghề này với danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được cập nhật trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, từ đó đưa ra câu trả lời doanh nghiệp có thuộc diện được phép nới room hay không là khá phức tạp, mất nhiều thời gian.

Chẳng hạn, nếu trong giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp có đăng ký hoạt động trong các ngành nghề khác nhau thuộc thẩm quyền quản lý ngành của nhiều bộ như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường..., thì có thể doanh nghiệp sẽ phải gõ cửa các bộ này để biết họ có được nới room hay không, nếu được nới thì room tối đa là bao nhiêu.

Vướng mắc về nới room kỳ vọng sẽ được “làm thông” ảnh 1

Đồ họa: NgocTuanz 

Vì thế, tại mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, nhiều doanh nghiệp chọn phương án trình đại hội thông qua chủ trương nới room trước và tiến hành các bước rà soát sau.

Chủ tịch HĐQT một công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chia sẻ, HĐQT Công ty trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 thông qua chủ trương nới room theo hướng ủy quyền cho HĐQT quyết định các vấn đề liên quan đến giảm mã ngành, nếu qua rà soát phát hiện có ngành giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu có nhiều ngành hạn chế tỷ lệ sở hữu đối với bên nước ngoài, mà những ngành này đang là lĩnh vực kinh doanh chính, có đóng góp quan trọng vào hiệu quả kinh doanh của Công ty, thì Công ty sẽ không đánh đổi bằng cách loại bỏ các ngành này ra khỏi giấy phép kinh doanh để nới room.

Vướng mắc về nới room kỳ vọng sẽ được “làm thông” ảnh 2

Đồ họa: NgocTuanz

Điểm vướng mắc thứ hai khiến các doanh nghiệp quan ngại là khi nới room mà dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần và sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, thì doanh nghiệp có trở thành nhà đầu tư nước ngoài và được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp ở các doanh nghiệp khác hay không? Nếu có thì căn cứ vào đâu, vào thời điểm nào khi mà tỷ lệ sở hữu cổ phần có thể thay đổi trên dưới 51% hàng ngày? Vì sự chưa rõ ràng này, nên các doanh nghiệp chần chừ đưa ra quyết định nới room.

Theo một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, qua tiếp xúc, lắng nghe ý kiến phản ánh của nhà đầu tư nước ngoài, họ phàn nàn rằng, những vướng mắc trong áp dụng quy định nới room kéo dài khiến họ nản lòng, nhiều khả năng sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những thị trường khác. Bởi lẽ, các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn về điểm đến đầu tư. Ở đâu điều kiện đầu tư thông thoáng, tiết kiệm thời gian, quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài được pháp luật bảo vệ, thì họ sẽ tìm đến.

“Nếu không sớm tìm ra hướng tháo gỡ vướng mắc cho triển khai quy định nới room, Việt Nam sẽ ngày càng thua kém các thị trường lân cận trong cuộc đua cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại”, vị đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cảnh báo.

Câu chuyện nới room càng trở nên “nóng” hơn trong bối cảnh sự kiện Brexit (nước Anh quyết định sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu) vừa xảy ra, bởi giới chuyên gia đánh giá, sự kiện này sẽ làm thay đổi dòng chảy vốn đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu. Nếu vướng mắc của quy định nới room được tháo gỡ, rất có thể Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn này.

Ông Trần Vinh Quang, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Thiên Việt nhìn nhận, kiện Brexit có thể được xem như một cơ hội để những nhà đầu tư nước ngoài tăng cường tìm hiểu và tham gia vào các thị trường chứng khoán ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đang được định giá ở mức hấp dẫn hơn so với các thị trường chứng khoán đã phát triển khác.

Đồ họa: NgocTuanz  

Hướng đi mới

Đã từng có không ít phương án được đề xuất để gỡ khó cho triển khai quy định nới room. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một hướng đi cụ thể nào có tính khả thi được hiện thực hóa bằng văn bản pháp lý để triển khai.

Có ý kiến cho rằng, vướng mắc trên có thể được tháo gỡ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất phương án sửa đổi Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán chỉ quy định về cơ chế, cách thức giao dịch trên thị trường chứng khoán, chứ không quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần để trên cơ sở đó định danh là nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi sửa đổi Luật Đầu tư.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá đầy đủ các vướng mắc giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với các luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, đô thị, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, công nghệ..., để đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 8/2016. Sau khi dự án Luật này được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật này để Chính phủ trình Quốc hội (dự kiến là tại kỳ họp tháng 10/2016).

Vướng mắc về nới room kỳ vọng sẽ được “làm thông” ảnh 4

Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ đang mở ra hy vọng sẽ tìm được hướng tháo gỡ cho áp dụng quy định nới room. Giới chuyên gia cho rằng, trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính nên đề xuất bổ sung nội dung (sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư) là với các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán, khi nhà đầu tư nước ngoài mua và sở hữu đến 100% cổ phần, thì vẫn được coi là doanh nghiệp trong nước khi thực hiện đầu tư góp phần, mua cổ phần ở các doanh nghiệp khác, vì cái gốc ở đây là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

Vướng mắc về nới room kỳ vọng sẽ được “làm thông” ảnh 5 

Bên cạnh đó, việc nới room theo ngành là quá rộng, có thể tạo ra rào cản khiến khó thu hút vốn ngoại. Thay vào đó, cần nới room theo từng doanh nghiệp cụ thể. Chẳng hạn, với lĩnh vực truyền hình, các nước không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia khâu kiểm duyệt nội dung, truyền dẫn, phát sóng, nhưng cho phép gia đầu tư vào các doanh nghiệp nội địa để sản xuất các chương trình.

Cách làm này vừa giúp giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước, trong khi tranh thủ được các nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước tham gia sản xuất các chương trình, nhất là các chương trình truyền hình giải trí, giúp nội dung phong phú, hấp dẫn hơn, trong khi nhà nước vẫn kiểm soát được nội dung phát sóng.

Gọi vốn ngoại theo cách khác

Vì 2 vướng mắc chính nêu trên cùng nhiều lý do khác, chính sách nới room được quy định trong Nghị định 60/2015/NĐ-CP chưa đạt được kỳ vọng trong việc tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ thu hút dòng chảy của vốn ngoại vào doanh nghiệp niêm yết, vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách này, ngành chứng khoán đang xây dựng những sản phẩm mới, góp sức tăng sức hấp dẫn với vốn ngoại.

Tại cuộc hội thảo mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã giới thiệu về sản phẩm mới, kỳ vọng sẽ xuất hiện trên thị trường chứng khoán từ tháng 1/2017 là chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant). Nghiên cứu của HOSE cho biết, nhiều nước trên thế giới như Đức, Anh, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc… đã phát triển sản phẩm này với những tên gọi có thể khác nhau, nhưng mang cùng bản chất và sản phẩm này rất được nhà đầu tư đón nhận. Năm 2015, giá trị giao dịch của chứng quyền có bảo đảm trên thị trường chứng khoán toàn cầu đạt 1.064,075 tỷ USD (xem bảng). Sự ưa chuộng của nhà đầu tư với chứng quyền có bảo đảm phổ biến như vậy là lý do chính khiến HOSE đề xuất xây dựng và vận hành sản phẩm này tại Việt Nam.

Theo đó, chứng quyền có bảo đảm là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua), hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Điều kiện cho công ty chứng khoán được phát hành sản phẩm này khá cao (vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng; không có lỗ lũy kế; báo cáo tài chính kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ…) và bản thân cổ phiếu được chọn làm tài sản cơ sở cũng phải đủ những điều kiện về chất lượng.

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HOSE kỳ vọng, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm sẽ phù hợp hơn với “khẩu vị” của nhà đầu tư Việt Nam so với các sản phẩm mới trước đó (quỹ mở, quỹ đóng, quỹ trái phiếu, quỹ hoán đổi danh mục - ETF…), bởi trên thực tế, sản phẩm này phù hợp với “khẩu vị” của nhà đầu tư châu Á. Thống kê cho thấy, trong Top 10 thị trường có giao dịch chứng quyền có bảo đảm sôi động nhất thế giới (xem Đồ thị), châu Á đóng góp 5 thị trường, mở ra cơ hội cho Việt Nam tăng sức hấp dẫn các dòng vốn thông qua công cụ này.

Là sản phẩm cơ cấu, nên đặc điểm của chứng quyền có bảo đảm có nhiều điều kiện ràng buộc với tổ chức phát hành, với chứng khoán cơ sở, nhưng với nhà đầu tư nước ngoài, họ được mua và sở hữu không hạn chế chứng quyền có bảo đảm. Hiện tại, một số công ty chứng khoán như SSI, HSC, VNDS đang nỗ lực xây dựng sản phẩm chứng quyền có bảo đảm với nhà quản lý.

Trước chứng quyền có bảo đảm, sự ra đời của sản phẩm quỹ cơ cấu ETF nội cũng được kỳ vọng sẽ mở ra không gian mới, thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư nước ngoài được mua không hạn chế ETF nội. Tính đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có 29 quỹ đang hoạt động với 21 quỹ đại chúng và 8 quỹ thành viên. Trong tổng số 21 quỹ đại chúng, có 2 quỹ ETF đang hoạt động trên 2 Sở giao dịch chứng khoán.

Cụ thể, Quỹ ETF VFMVN30 niêm yết lần đầu trên HOSE vào tháng 10/2014 với mã chứng khoán mã E1VFVN30, giá chào sàn 10.200 đồng/chứng chỉ quỹ. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (1/7), chứng chỉ E1VFVN30 đứng ở mức giá 10.100 đồng/chứng chỉ. Dù quy mô Quỹ còn khiêm tốn, nhưng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng chỉ quỹ E1VFVN30 hiện đạt 60,6%.

Trong khi đó, quỹ ETF nội thứ hai là SSIAM-HNX30 được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vào cuối tháng 12/2014, nhưng tính đến thời điểm này (1/7), Quỹ chưa thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Con đường thu hút vốn ngoại vào doanh nghiệp, vào thị trường chứng khoán Việt Nam qua từng năm đều có những nét mới, nhưng tính khả thi và hiệu quả của các giải pháp, các sản phẩm, cần nhiều thời gian để thẩm định. Không ít tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài nhận xét, “thị trường chứng khoán Việt Nam rất hấp dẫn, là điểm đến đáng quan tâm nhất tại châu Á…”, nhưng vì sao vốn ngoại vào qua kênh đầu tư gián tiếp vẫn nhỏ giọt, chưa bật lên?

“Doanh nghiệp còn lúng túng trong áp dụng quy định nới room”

Vướng mắc về nới room kỳ vọng sẽ được “làm thông” ảnh 6

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc CTCP StoxPlus 

StoxPlus đang hợp tác cung cấp dịch vụ thông tin về doanh nghiệp, thị trường tài chính cho đa dạng nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ quan tâm tìm hiểu để chọn lọc cơ hội đầu tư vào nhiều ngành, nhưng do còn nhiều vướng mắc trong triển khai quy định nới room trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nên khiến họ gặp khó khăn trong triển khai các hoạt động đầu tư.

Theo dõi thị trường của chúng tôi cho thấy, số lượng các doanh nghiệp nới room đến 100% hiện rất ít, do các doanh nghiệp lúng túng trong áp dụng các quy định nới room. Để góp phần tìm ra hướng tháo gỡ cho vấn đề này, StoxPlus đang hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM rà soát, tổng hợp dữ liệu về áp dụng quy định nới room trên thực tế tại các doanh nghiệp. Kết quả rà soát này sẽ được công bố vào tháng 8/2016, từ đó cung cấp các thông tin, dữ liệu để cơ quan quản lý hoạch định hướng đi mới nhằm giúp quy định nới room phát huy tính hiệu quả rõ nét trong thực tế.

Hiện tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết còn rất cao, trong khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thấp. Hiện trạng này cần được thay đổi thông qua tháo gỡ hiệu quả những bất cập của việc triển khai cơ chế nới room, từ đó tạo chuyển biến rõ nét trong cải thiện khả năng hút vốn ngoại của thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan