Một số quy định tại Thông tư 36 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Co-op Bank và QTDND - Ảnh: Hồng Dung

Một số quy định tại Thông tư 36 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Co-op Bank và QTDND - Ảnh: Hồng Dung

Vướng mắc cần giải quyết từ Thông tư 36

(ĐTCK) Sau 2 tháng Thông tư 36/2014/TT-NHNN chính thức đi vào cuộc sống đã chứng minh được sự cần thiết tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ cho hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn những áp lực nhất định trong việc triển khai, cần những biện pháp tháo gỡ…

Thông tư 36: bước đi cần thiết

Quá trình thực hiện đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Quyết định 254/QĐ-TTg, Thông tư 36/2014/TT-NHNN là bước đi nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ cho hoạt động kinh doanh của các TCTD. Đồng thời, giúp nâng cao tiêu chuẩn an toàn theo thông lệ, phòng ngừa rủi ro hệ thống, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu, hỗ trợ thị trường tài chính tiền tệ phát triển lành mạnh.

Thực tế kết cấu và nội dung văn bản, Thông tư 36 mang chuẩn mực cao hơn, toàn diện hơn trong việc quy định 6 nhóm tỷ lệ, giới hạn an toàn đối với các TCTD. Cụ thể, bổ sung khái niệm người có liên quan của cá nhân, tổ chức làm căn cứ duy trì, tính toán các giới hạn. Bên cạnh đó, bổ sung và xác định rõ giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu (tối đa 5% vốn điều lệ); nâng cao điều kiện được cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu (TCTD phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% thay vì 5% như quy định tại thông tư trước đó).

Song song với đó là các quy định về tỷ lệ thanh khoản, khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn phù hợp với từng loại hình TCTD; bổ sung giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD khác... 

Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV nói: “Đặc biệt, thông tư còn thể hiện tính tích cực qua định hướng, yêu cầu các TCTD nâng cao năng lực quản trị rủi ro, hướng tới lộ trình áp dụng Basel II từ nay đến năm 2018. Thông tư dành riêng một điều quy định các nội dung cơ bản về các văn bản quy định nội bộ mà các TCTD phải xây dựng, trong đó, điểm mới là hướng dẫn cụ thể về nội dung quy định nội bộ về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn”.

“Thông tư nâng cao quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, nhằm giúp các ngân hàng tránh những rủi ro mất thanh khoản”, ông Đỗ Tuấn Anh, Thành viên thường trực HĐQT Techcombank nhận định. 

Nhưng… đâu đó vẫn còn áp lực bởi chính sách

Ông Ân Thanh Sơn, Phó TGĐ VIB chia sẻ những khó khăn khi triển khai Thông tư 36 đó là, để đảm bảo tuân thủ theo các chuẩn mực mới khắt khe hơn như giới hạn cấp tín dụng bị thu hẹp (dư nợ cấp tín dụng bổ sung thêm số dư trái phiếu DN), giới hạn đầu tư trái phiếu chính phủ, các tỷ lệ về khả năng chi trả, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, LDR…VIB sẽ phải cấu trúc lại toàn bộ danh mục Tài sản có cũng như Tài sản Nợ của Ngân hàng để vừa tuân thủ được qui định, vừa tối ưu hóa khả năng sinh lời của danh mục.

“Việc tái cấu trúc danh mục có thể ảnh hưởng tới các mục tiêu kinh doanh và chiến lược kinh doanh đã được xác định, bên cạnh đó, những thay đổi của Thông tư 36 có thể dẫn tới việc thay đổi bổ sung về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị đã được VIB thiết lập và phê chuẩn”, ông Sơn nói.

Còn tại Ngân hàng hợp tác (Co-op Bank), bất cập lớn hiện nay là theo quy định tại Thông tư số 36 về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, quy định tại Khoản 6 Điều 17 thì Co-op Bank chỉ được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ với tỷ lệ so với vốn ngắn hạn là 40%. Thế nhưng, tại điểm a khoản 4 Điều 17 của Thông tư 36 lại quy định, nguồn vốn ngắn hạn được xác định “không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn của tổ chức tín dụng”.

Như vậy, toàn bộ các khoản tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng của các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tại Co-op Bank sẽ không được tính vào nguồn vốn ngắn hạn và do đó không được sử dụng nguồn vốn này để đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, khoản 5 Điều 17 cũng quy định NHHT được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa là 60%, trong đó lại loại trừ nguồn tiền gửi của các QTDND lên Co-op Bank.

Có thể nói Quy định này làm cản trở đối với Co-op Bank trong việc sử dụng nguồn vốn điều hòa, khi nguồn tiền gửi điều hòa của các QTDND đã bị loại trừ khỏi nguồn vốn ngắn hạn, Co-op Bank không được sử dụng nguồn vốn này để đầu tư trái phiếu cũng như đầu tư cho vay trung, dài hạn, từ đó làm giảm khả năng cân đối, sử dụng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu tổng nguồn vốn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Co-op Bank nói riêng và cả hệ thống QTDND nói chung, vì Co-op Bank là Ngân hàng “của các QTDND” nên việc nhận tiền gửi điều hòa từ QTDND là một nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện. 

Kiến nghị giải pháp cho những khó khăn

Trên thực tế, hoạt động của Co-op Bank có tính chất đặc thù riêng so với các NHTM. Nếu như trước đây nhu cầu vay vốn của QTDND thường rất lớn nhất là vào các dịp cuối năm, tạo sức ép lên QTDND Trung ương (nay là Co-op Bank) thì những năm gần đây, đặt biệt là trong năm 2013 và 2014 việc điều hòa vốn trong hệ thống (từ QTDND lên Co-op Bank) đã có những chuyển biến lớn, theo đó nguồn vốn điều hòa từ QTDND chuyển về Co-op Bank liên tục tăng trưởng và có xu hướng ngày càng tăng.

Có thời điểm vốn điều hòa từ QTDND gửi vào Co-op Bank hơn 10.000 tỷ đồng, trong khi đó tăng trưởng tín dụng của NHHT rất khó khăn, nhu cầu vay vốn của QTDND lại giảm. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nỗ lực để cho vay, đầu tư trái phiếu, tín phiếu chính phủ... nhưng khả năng đầu ra không cân xứng với nguồn cung đầu vào, lãi suất chênh lệch giữa huy động điều hòa và cho vay nhỏ, có thời điểm bị lỗ nhưng vì nhiệm vụ phục vụ thành viên nên NHHT vẫn phải cố gắng khắc phục bất cập này.

Hiện nay, quy mô các QTDND phát triển tương đối lớn, uy tín được nâng cao nên khá thuận lợi trong huy động vốn, dẫn đến nhu cầu vay vốn Co-op Bank ngày càng giảm. Do đó, công tác điều hòa vốn trong hệ thống cần phải được đặt ra một cách thấu đáo, với những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những bất cập có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của hệ thống. Vì vậy, nếu thực hiện như nội dung quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 17 Thông tư 36, Co-op Bank sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện chức năng điều hòa vốn, đặc biệt trong việc giới hạn về tỷ lệ đầu tư trái phiếu, tín phiếu so với vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn,.

Trong năm 2013 và 2014, mặc dù nguồn vốn tại Co-op Bank còn đang dư thừa nhưng với vai trò đầu mối hệ thống, Co-op Bank vẫn phải nhận tiền gửi của QTDND với lãi suất cao và chịu lỗ. Trong khi đó hoạt động cho vay của Co-op Bank đối với các thành phần kinh tế khác phải thực hiện theo mức giới hạn của NHNN, còn cho vay đối với các QTDND thì suy giảm mạnh vì các QTDND cũng dư thừa vốn.

Trong điều kiện như vậy, việc đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ là an toàn, hiệu quả nhất và cũng dễ chuyển đổi nhanh khi QTDND có nhu cầu rút tiền. Nên nếu không được sử dụng nguồn tiền gửi của QTDND để đầu tư mua trái phiếu Chính phủ, Co-op Bank sẽ thường xuyên phải chịu gánh một khoản lỗ rất lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn và gây nhiều khó khăn cho hoạt động của NHHT và QTDND. Hoặc nguồn tiền gửi của các QTDND có thể sẽ phải điều chỉnh từ tiền gửi có kỳ hạn về không kỳ hạn để tránh lỗ cho Co-op Bank, tuy nhiên trong trường hợp đó có thể sẽ tạo nên biến động lớn trong điều hòa nguồn vốn của hệ thống, sẽ gây bất lợi cho các QTDND và không khuyến khích, thu hút được nguồn vốn điều hòa của hệ thống.

Do vậy, rất cần NHNN xem xét, bổ sung quy định áp dụng riêng đối với Co-op Bank tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư 36, theo đó cho phép Co-op Bank được phép tính nguồn vốn ngắn hạn bao gồm cả các khoản tiền gửi của QTDND tại Co-op Bank.

Tin bài liên quan