Các công ty chứng khoán đang tích cực tăng vốn để đón đầu cơ hội. Đầu năm 2025, ACBS tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng, sau đợt tăng vốn tương tự vào năm 2024.

Các công ty chứng khoán đang tích cực tăng vốn để đón đầu cơ hội. Đầu năm 2025, ACBS tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng, sau đợt tăng vốn tương tự vào năm 2024.

Vươn lên trong “gió ngược”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), dù môi trường vĩ mô thế giới tiềm ẩn những diễn biến không thuận lợi, song vẫn có những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam vươn lên trong năm 2025. Hoàng Anh thực hiện.

Ông dự cảm thế nào về triển vọng của nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng trong năm 2025?

Năm 2025 là năm bản lề của nền kinh tế Việt Nam, trước khi bứt phá để chuyển mình trong 10 năm tới. Mặc dù vĩ mô thế giới ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường dưới nhiệm kỳ Tổng thống mới của Mỹ, nhưng tôi tin rằng, Việt Nam có thể xử lý các vấn đề căng thẳng và hưởng lợi từ đó.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, việc giữ ổn định tỷ giá là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài.

Bên cạnh đó, quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ sẽ hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế và mức tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt từ 7,0 - 7,5%, tạo nền tảng cho thị trường chứng khoán năm 2025 tăng trưởng tích cực cả về điểm số và thanh khoản. Nói cách khác, tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ “vươn lên trong gió ngược”.

Trong kịch bản cơ sở, nền định giá hợp lý của VN-Index sẽ tiếp tục bám sát P/E trung vị 3 năm, tương ứng với vùng giao dịch 1.240 - 1.420 điểm trên nền thanh khoản tăng 15% so với mức bình quân năm 2024.

Tôi cũng tin rằng, tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2025 vẫn có thể đạt mức khoảng 15 - 16% và thanh khoản bình quân của thị trường có thể đạt mức 20.000 tỷ đồng/phiên nhờ động lực từ cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, đặc biệt là đối với các cổ phiếu ở vùng định giá tương đối hấp dẫn so với lịch sử.

Từ góc nhìn chung như vậy, ông đánh giá thế nào về sự dịch chuyển, cơ cấu lại dòng tiền lớn giữa các kênh đầu tư trong năm mới?

Năm 2024, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam trên cả ba sàn có sự cải thiện khá tốt so với năm 2023, đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng năm trước đó. Tuy nhiên, mức này vẫn còn thấp so với giai đoạn bùng nổ 2020 - 2021.

Lý do chính là dòng tiền của nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng bởi nhiều kênh đầu tư khác, ví dụ làn sóng tăng giá của vàng trước khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, làn sóng tăng giá của tiền điện tử sau đó. Thị trường bất động sản trong nước chỉ khởi sắc cục bộ ở một số khu vực phía Bắc. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp ngoài khu vực ngân hàng vẫn trầm lắng.

Trong năm 2025, tôi cho rằng, dòng tiền lớn sẽ có sự dịch chuyển nhiều hơn về hai kênh đầu tư chính là cổ phiếu và bất động sản (ở các khu vực đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng). Kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ sớm hồi phục trở lại, với chất lượng hàng hóa minh bạch hơn để thu hút dòng vốn của nhà đầu tư. Trong khi đó, thị trường vàng sẽ giảm bớt sức hấp dẫn khi bất ổn địa chính trị hạ nhiệt.

Năm 2025 dự báo là một năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam khi cánh cửa nâng hạng đã rộng mở hơn. Ông đánh giá thế nào về cơ hội của thị trường nói chung và công ty chứng khoán nói riêng khi thị trường chứng khoán được nâng hạng?

Hành trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi tới những bước cuối cùng. Khả năng nâng hạng trong năm 2025 theo tôi là 100%. Nếu lạc quan, chúng ta có thể nhận kết quả ở kỳ nâng hạng tháng 3/2025. Thận trọng hơn thì đó là kỳ đánh giá tháng 9/2025 của FTSE.

Tôi đánh giá dòng tiền từ các quỹ ETF sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam do sự kiện nâng hạng khoảng 300 - 400 triệu USD. Bên cạnh đó, dòng tiền từ các quỹ đầu tư thụ động có thể lớn hơn rất nhiều và kéo dài nhiều năm sau đó. Trong đó, Top 20 cổ phiếu lọt vào danh sách mua ETF chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn, sẽ hỗ trợ cho đà tăng điểm của thị trường.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS).

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS).

Đối với các công ty chứng khoán, sự kiện này cũng là một cơ hội lớn, không chỉ với các công ty chứng khoán có thị phần khách hàng tổ chức lớn mà với toàn bộ các công ty trong ngành. Thanh khoản và điểm số của thị trường gia tăng là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng tốt lên lợi nhuận của hầu hết các công ty chứng khoán.

Các công ty chứng khoán liên tục tăng vốn từ đầu năm 2024 nhằm tăng cường nguồn lực kinh doanh cũng như đón đầu xu hướng nâng hạng của thị trường chứng khoán. Với ACBS, kế hoạch tăng vốn được thực hiện như thế nào?

Năm 2025 đánh dấu 25 năm thành lập và phát triển của ACBS. Trong 3 năm gần đây, Công ty đã có 3 lần tăng vốn mạnh mẽ, bao gồm tăng thêm 1.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng thêm 3.000 tỷ đồng trong năm 2024 và sẽ tăng thêm 3.000 tỷ đồng vào đầu năm 2025.

Hiện tại, mức vốn điều lệ của Công ty là 10.000 tỷ đồng, lọt Top 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Nguồn vốn góp đến từ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Việc tăng vốn liên tục của ACBS nhằm phục vụ cho hoạt động cho vay ký quỹ (margin), nâng cấp hệ thống công nghệ giao dịch và mở rộng mảng kinh doanh môi giới.

Việc được bổ sung nguồn vốn chất lượng cao từ ngân hàng mẹ tạo điều kiện để Công ty kinh doanh bứt phá trong năm 2025, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến gần tới cột mốc được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và tiến tới đạt các yêu cầu của MSCI.

Dự kiến, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7- 0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 300 - 400 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số.

Do đó, với các triển vọng tích cực của thị trường cùng nguồn vốn dồi dào, ACBS luôn trong tâm thế sẵn sàng để nâng cao trải nghiệm đầu tư của khách hàng trong giai đoạn phát triển vượt trội của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025.

Cùng với đó, ACBS mở rộng sản phẩm dành cho đối tượng khách hàng giao dịch chủ động thông qua Phòng Giao dịch chứng khoán trực tuyến của Công ty. Cụ thể, từ tháng 12/2024, khách hàng sẽ được áp dụng phí giao dịch chỉ 0,1% và lãi suất cho vay margin là 10,5%/năm. Đây được coi là mức lãi phí rất cạnh tranh so với các công ty chứng khoán khác.

Tin bài liên quan