Vùng xanh Khu du lịch Rừng tràm Trà Sư sẵn sàng cho ngày trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khí trời dịu nhẹ, mát mẻ và trong lành của nhiều vùng xanh ở miền Tây đang trong tâm thế sẵn sàng cho ngày trở lại đón du khách có “hộ chiếu Vaccine”. Còn gì thích thú hơn sau thời gian dịch, làm một chuyến ‘diệp lữ miền Tây’ về đất An Giang để đổi gió, tận hưởng mùi thiên nhiên tinh khiết.

Khiêu vũ với thiên nhiên

Tiết trời những tháng cuối năm là thời điểm cung đường biên giới phía Tây Nam, trải dài từ Châu Đốc đến Hà Tiên, đặc biệt dành cho du khách ngắm nhìn mùa nước lên ôm ấp phù sa màu mỡ và sản vật đồng bằng.

Là thủ phủ du lịch tâm linh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, biên giới Tây Nam lại được tô vẽ thêm thập phần lung linh, soi mình trong tấm thủy gương khổng lồ.

Băng qua những cánh đồng bát ngát trên cung đường du lịch ở An Giang.

Băng qua những cánh đồng bát ngát trên cung đường du lịch ở An Giang.

Cung đường phượt từ Long Xuyên về Tịnh Biên, Tri Tôn trở nên lãng mạn - thơ mộng với những cánh đồng vàng ươm màu lúa chín, đắm mình say nét đẹp ‘vũ khúc mưa sa’. Khi ấy, bạn sẽ ngẩn ngơ - lay động trước khung cảnh đầy sắc màu của đất - trời và cảnh vật xung quanh.

Lữ hành đến miền xanh

Về với An Giang khi dịch bệnh dần được đẩy lùi, khách lữ hành sẽ càng rõ hơn ‘quần thể Bảy Núi’ dần đã chuyển thành quần thể sinh quyển lớn bậc nhất của cả miền Tây, đặc biệt hơn hết là khu bảo tồn sinh thái Rừng tràm Trà Sư.

Ta trở nên thật trẻ con khi đứng trước ‘dòng xanh’ của thiên nhiên Bảy Núi.

Ta trở nên thật trẻ con khi đứng trước ‘dòng xanh’ của thiên nhiên Bảy Núi.

Để khách phương xa có thể chiêm ngưỡng toàn vẹn sắc đẹp của mình, thiên nhiên đã cho mưa rơi, gột rửa lớp bụi mịt mù của tháng ngày “trớ trêu” vì Covid, để nét đẹp trong veo nơi cánh rừng tràm Trà Sư được tăng thêm phần hấp dẫn. Trú dưới những tán tràm xanh màu sức sống, đàn chim nô nức vũ điệu hoang dã chào đón ngày trở lại thật rộn ràng .

Rừng tràm Trà Sư là điểm đến xua tan những nốt “trầm”sau dịch.

Rừng tràm Trà Sư là điểm đến xua tan những nốt “trầm”sau dịch.

Không gian “vùng xanh” Trà Sư lại trở nên xanh hơn xưa đến lạ kỳ. Tràm vắng người một thời gian dường như trỗi dậy sức sống mới nhanh hơn. Rồi những đóa sen rừng tỏa sắc hồng giữa thênh thang thảo nguyên bèo, chen chân cố vươn mình cao hẳn lên như muốn khẳng định tính độc nhất, vô nhị.

Thực hiện chuyến ‘diệp lữ miền Tây’ để ‘tận mục sở thị’ vùng cảnh sắc ‘nàng Trà Sư’ thật sự hoàn toàn khác. Những nỗ lực chăm sóc, cải tạo lại nhan sắc cho rừng của nhà đầu tư trong thời gian chờ đợi hoạt động trở lại đã được đền đáp theo cách rực rỡ nhất.

Xanh bát ngát của tràm nguyên sinh, ánh màu ngọc lục bảo của một ‘bình nguyên’ bèo, lan ra cả ngoài bìa rừng. Cảnh sắc như đưa tâm hồn người trở về với những gì chân thật nhất, bay bổng và ngây ngất. Với người trẻ, lạc bước vào không gian với vô ngần chim ca - ong hát chính là sự ‘quy chân’ rất đỗi tự nhiên - được về với bản thân.

Nghe tiếng chim kêu

Cho lòng bớt rong rêu

Vơi đi những âu lo

Cuốn trôi những buồn phiền

Vào trời mây gió lộng

Bay lẩn vào khoảng không

Hết một ngày lông bông

(trích Nghe tiếng chim kêu - Giáp Việt)

Cầu vòm xanh Trà Sư.

Cầu vòm xanh Trà Sư.

‘Nàng Trà sư’ trở nên nghệ thuật hơn bởi các nghệ nhân đã tô điểm cho nơi này các công trình xanh được gọi với những cái tên rất ‘Tây’: Lâu đài bồ câu, cầu kiều Trà Sư, cầu tre vạn bước, nhà trống mái, sân ngắm chim trời… và mới đây nhất là ‘cầu vòm xanh’ rất độc đáo và vô cùng thi vị.

Ai trong chúng ta cũng phải giữ tinh thần chống dịch ở mức cao nhưng không có nghĩa là tự trói chân mình ở một nơi nhất định. Hộ chiếu Vaccine đã có là một giấy thông hành lý tưởng để đưa chân chúng ta đến “Vùng xanh Trà Sư” đang gõ nhịp.

Những ‘bậu’ hoa giấy tô điểm cho sắc màu Trà Sư. Ảnh: Chiến Khu

Những ‘bậu’ hoa giấy tô điểm cho sắc màu Trà Sư. Ảnh: Chiến Khu

Có lẽ cũng vì điểm này, mà người ta đặt cho Đồng bằng sông Cửu Long là điểm đến du lịch xanh đầy sắc màu quyến rũ. Vì chỉ khi được đến một lần, sẽ cứ mãi nhớ thương về một miền nước nổi đầy quả ngọt suốt khoảng thời gian dài, dù có cách nhau cả khoảng trời thương nhớ. Du lịch miền Tây đã sẵn sàng chào đón khách thập phương trở lại trong mùa đổi gió.

Tin bài liên quan