Lĩnh vực logistics nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều tập đoàn lớn nước ngoài. Ảnh: Việt Dũng

Lĩnh vực logistics nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều tập đoàn lớn nước ngoài. Ảnh: Việt Dũng

“Vùng xanh” đất công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp dịch bệnh, số lượng dự án và vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh từ đầu năm tới nay, nhưng nỗi lo thiếu hụt lao động cũng tăng theo số lượng dự án.

Điểm sáng hút vốn đầu tư

Năm 2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu thu hút 30 dự án đầu tư, nhưng đã vượt kế hoạch chỉ sau 8 tháng khi có tới 39 dự án đầu tư được cấp mới, trong đó có 11 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và 28 dự án trong nước; tổng vốn đầu tư hơn 945 triệu USD, đạt hơn 150% kế hoạch năm và tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu từ Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 498 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm 256 dự án FDI và 242 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 20.095 triệu USD, tập trung chủ yếu tại các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Phú Mỹ, Đất Đỏ, Tân Thành… với tỷ lệ lấp đầy hơn 54%.

Các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao là động lực để mới đây, UBND huyện Châu Đức đề xuất mở rộng 4 khu công nghiệp trên địa bàn huyện với tổng diện tích 5.700 ha, bao gồm Khu đô thị công nghiệp công nghệ cao Cù Bị diện tích 3.000 ha, là dự án có quy mô lớn nhất, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Khu đô thị công nghiệp tại xã Xà Bang với diện tích dự kiến 1.200 ha, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khu đô thị - Công nghiệp tại xã Bình Ba với diện tích 800 ha, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Khu công nghiệp Đá Bạc giai đoạn 2, 3 với tổng diện tích khoảng 700 ha.

Trước đó, Tập đoàn AMATA (Thái Lan) đã có văn bản gửi chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin phép nghiên cứu dự án đầu tư khu công nghiệp đô thị dịch vụ tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức với tổng diện tích khu vực đề xuất nghiên cứu khoảng 3.800 ha.

Mới nhất, Tập đoàn Quantum (Mỹ) bày tỏ mong muốn được đầu tư vào mảng logistics tại TP. Vũng Tàu và xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM ở khu vực phía Nam và từ Lạng Sơn đến Hà Nội và Hải Phòng tại khu vực phía Bắc.

Ngoài logistics, tập đoàn này còn có kế hoạch đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam như hạ tầng giao thông (đường cao tốc, xây dựng cầu), viễn thông, bất động sản công nghiệp, tài chính - chứng khoán…

Cần thúc tiến độ các dự án hạ tầng…

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến bất động sản công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút được sự quan tâm của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có sự đột phá về phát triển hạ tầng giao thông.

Như chia sẻ của bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn AMATA Việt Nam, sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về cơ hội đầu tư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, AMATA nhận thấy đây là địa phương có nhiều lợi thế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguyên do bởi có tiềm năng mở rộng đầu tư phát triển khu công nghiệp với vị trí thuận lợi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ cách TP.HCM khoảng 100 km, lại có hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, các tuyến cao tốc quốc gia, giao thông đường bộ liên vùng được quy hoạch đồng bộ…

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, trong tổng số 60 dự án hạ tầng giao thông mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến triển khai trong năm 2021, tính tới nay, mới có 25 dự án đã tiến hành khởi công, các dự án còn lại vẫn... chờ.

Cụ thể, với 35 dự án chưa khởi công, có 14 dự án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thủ tục để thực hiện đấu thầu, 21 dự án đang đấu thầu. Trong số dự án đang đấu thầu, có 9 dự án đã đấu thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng thi công, 6 dự án đang xét thầu và 6 dự án đang lập hồ sơ mời thầu.

Trong số các dự án nằm chờ, đáng chú ý nhất là dự án nâng cấp, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu (Tỉnh lộ 994) được đánh giá có ý nghĩa quan trọng. Theo thiết kế, tuyến đường ven biển này có tổng chiều dài gần 78 km được đề xuất mở rộng quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư nâng cấp toàn tuyến khoảng 7.150 tỷ đồng. Dự án này dự tính được khởi công trong năm 2021, nhưng đến nay mới đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Tương tự, dự án đường ĐT 992C (nay là tuyến đường Tỉnh lộ 997) cũng được người dân, doanh nghiệp thuộc địa phận huyện Đất Đỏ và Châu Đức mong chờ, song hiện vẫn đang chờ thống nhất với người dân việc thu hồi đất và kiểm kê.

Nguồn lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thiếu hụt trầm trọng

Nguồn lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thiếu hụt trầm trọng

… Và bổ sung lực lượng lao động

Hiện tại, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấm dứt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động trở lại do thiếu hụt nguồn lao động, đặc biệt với những công ty xây dựng lớn.

Đại diện Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HODECO) cho hay, đơn vị này mất rất nhiều thời gian tổng hợp danh sách công nhân từ các nhà thầu để làm thủ tục di chuyển, xây dựng phương án phòng, chống dịch tại công trường theo quy định..., nhưng vẫn không đủ số lượng công nhân mong muốn.

Không chỉ dự án thương mại, các dự án trong khu công nghiệp cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Đặng Hữu Lệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tân Kỳ (đang thi công tại Khu công nghiệp Đất Đỏ 1) cho biết, do thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khu vực miền Nam kéo dài nên nguồn lao động bị thiếu hụt trầm trọng. Với số nhân lực hiện tại, Công ty chỉ bảo đảm thực hiện thi công khoảng 50-60% theo tiến độ.

“Các doanh nghiệp rất muốn kêu gọi người lao động trở lại làm việc. Do đó, chúng tôi kiến nghị tỉnh cho phép người lao động đang ở vùng xanh liền kề được sử dụng phương tiện cá nhân đi làm. Đối với lao động ngoại tỉnh, cho phép test Covid-19 nhanh trước khi vào doanh nghiệp và theo dõi y tế trong 7 ngày rồi tiếp tục test lần 2, nếu kết quả âm tính thì bố trí cho công nhân làm việc ‘3 tại chỗ’”, ông Lệ đề xuất.

Ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Sở đã nắm bắt thông tin về những khó khăn của doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho cả doanh nghiệp và người lao động.

“Riêng việc thiếu nguồn nhân lực để triển khai các hoạt động xây dựng, Sở cũng đã báo cáo lên UBND tỉnh và giao cho các ngành chức năng theo thẩm quyền xem xét gỡ khó để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng hoạt động trở lại”, ông Trung chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan