Xuất nhập khẩu là một điểm sáng trong quý I/2024, với tổng kim ngạch tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: D.M
Đi đúng kịch bản, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%
Đúng như dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, tăng trưởng GDP trong quý I/2024 của Việt Nam ước đạt 5,66%, theo như con số chính thức được Tổng cục Thống kê công bố cuối tuần qua.
“Đây là mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực còn nhiều yếu tố bất ổn như hiện nay. Nền kinh tế đang đi theo đúng kịch bản tăng trưởng đã được đặt ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói với phóng viên Báo Đầu tư.
Theo kịch bản tăng trưởng năm 2024 được đưa ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2024, để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, thì quý I phải tăng trưởng 5,2-5,6%; quý II tăng trưởng 5,8-6,2%; 6 tháng là 5,5-6%; quý III là 6,2-6,7%; 9 tháng tăng trưởng 5,7-6,2%; quý IV tăng trưởng 6,5-7%. Như vậy, con số tăng trưởng 5,66% thậm chí còn cao hơn ngưỡng cao của kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ đã xây dựng.
“Tích cực” cũng là cụm từ được bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhắc đến khi nói về tình hình kinh tế quý I/2024. Theo bà Hương, kết quả này đã cho thấy những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang từng bước phát huy hiệu quả.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức tăng trưởng 5,66% của quý I/2024 là cao nhất trong các quý I của 5 năm gần đây (từ 2020 trở lại đây, tăng trưởng GDP các quý I lần lượt tăng trưởng 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41% và 5,66%). Trong mức tăng trưởng chung này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Như vậy, trong khi khu vực nông - lâm nghiệp tiếp tục đóng vai trò điểm tựa, thì khu vực công nghiệp và dịch vụ đã có sự hồi phục đáng kể. “Động lực tăng trưởng của kinh tế quý I chính là sự hồi phục của sản xuất công nghiệp và khu vực dịch vụ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Các số liệu thống kê cũng đã cho thấy điều này. Một ví dụ dễ thấy là giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng tới 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Sự hồi phục của ngành này đã đóng vai trò quan trọng trong dẫn dắt nền kinh tế giữ được đà tăng trưởng.
Trong khi đó, khu vực dịch vụ cũng hồi phục tích cực, nhất là dịch vụ du lịch. Quý đầu năm, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Số người Việt Nam xuất cảnh đạt 1,2 triệu lượt, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, xuất nhập khẩu cũng là một điểm sáng tích cực, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Sự hồi phục mạnh mẽ của thương mại hàng hóa chính là các yếu tố được các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá cao. Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, đầu tư công, tiêu dùng nội địa và sự hồi phục xuất khẩu là 3 động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Tiếp tục đối diện với khó khăn
Dù nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, đà phục hồi được giữ vững, song rõ ràng, khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đã nhấn mạnh điều này. Theo Thứ trưởng, việc có tới hơn 74.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong quý I/2024, tăng gần 23% trong so với cùng kỳ năm trước, hay việc tăng trưởng tín dụng hiện mới chỉ ở mức 0,26%... là những chỉ báo cho thấy, nền kinh tế còn đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
“Đây là điều đã được chúng tôi nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Khu vực doanh nghiệp còn khó khăn, nên sức hấp thụ vốn còn thấp, sản xuất - kinh doanh tuy đã hồi phục, nhưng vẫn còn chậm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Thực tế, dù sản xuất công nghiệp vẫn đang có tốc độ tăng trưởng tích cực, nhưng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, vẫn có tới 9 địa phương có Chỉ số Sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là vì những địa phương này có Chỉ số Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ.
Chẳng hạn, Quảng Nam chỉ tăng 0,5%; Quảng Ngãi tăng 0,2%; còn Bắc Ninh vẫn giảm tới 8,8%. Năm ngoái, đây cũng chính là những địa phương có Chỉ số Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức thấp. Đặc biệt, Bắc Ninh giảm rất mạnh và điều này khiến “thủ phủ” của ngành công nghiệp điện tử ở khu vực phía Bắc tăng trưởng âm trong năm ngoái. Quý I năm nay, tình hình ở Bắc Ninh cũng chưa có nhiều cải thiện.
Thông tin cho biết, trong quý I/2024, vẫn có 6 địa phương có tăng trưởng GRDP âm. Đà Nẵng, một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước cũng tăng trưởng âm (-0,83%). Ở địa phương này, trong quý I, khu vực dịch vụ - vốn là khu vực có đóng góp chính cho tăng trưởng chung của Thành phố - chỉ tăng nhẹ 0,14%, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng âm tới 3,55%.
Bình luận về những thách thức, khó khăn của nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khi phát biểu tại Hội thảo Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024 mới đây, một mặt nhắc đến những điểm sáng của nền kinh tế, như xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, kiểm soát lạm phát, nhưng mặt khác, cũng bày tỏ sự lo lắng về niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Đầu tư tư nhân chững lại, tăng trưởng tín dụng thấp, thị trường bất động sản chưa phục hồi rõ là điều được ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
“Tiêu dùng có vẻ chững lại, đầu tư tư nhân, vay tín dụng còn có dấu hiệu quan ngại”, ông Võ Trí Thành nói.
Đây là một thực tế. Ngoài các số liệu về sự rút lui khỏi thị trường của khu vực doanh nghiệp, hay tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng thấp, thì một con số đáng chú ý là sức mua của nền kinh tế còn thấp.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm nay, sau khi trừ đi yếu tố giá cả, chỉ tăng 5,1%, bằng một nửa so với mức tăng 10,1% của cùng kỳ năm ngoái. Việc sức mua thị trường nội địa yếu, trong khi sức mua thị trường nước ngoài chưa hồi phục sẽ ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Nắm bắt cơ hội, vượt thách thức
Mức tăng trưởng 5,66% của quý I/2024 là cao nhất trong các quý I của 5 năm gần. Trong đó:
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09%;
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%;
Khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Có lo lắng, có quan ngại, nhưng chính ông Võ Trí Thành cũng đã nhấn mạnh những cơ hội của nền kinh tế, về chuyện trong khó khăn có điểm sáng, và những cái khó đã “bớt khó”, để nói rằng: “Đừng quá bi quan, hãy nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức”.
Quả thật, nhiều địa phương trong cả nước đã biết nắm cơ hội để vượt qua thách thức. Bắc Giang là địa phương điển hình.
Tại Hội nghị giao ban do Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, tăng trưởng GRDP quý I/2024 của Bắc Giang đạt 14,18%, đứng đầu cả nước. Thu ngân sách cũng đạt kết quả tích cực.
“Cần tiếp tục xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thu hút đầu tư để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế”, ông Dương Văn Thái chỉ đạo.
Bắc Giang có thể coi là “ngôi sao đang lên” không chỉ trong thu hút đầu tư, mà cả trong phát triển kinh tế nói chung ở khu vực phía Bắc thời gian gần đây. Nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, sớm hoàn thiện quy hoạch, những năm gần đây, Bắc Giang đã thu hút được hàng loạt tên tuổi lớn, như Foxconn, Luxshare ICT, Hana Micron… Chính các dự án đầu tư này đã góp phần quan trọng thúc Chỉ số Sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GRDP của Bắc Giang tăng cao. Quý I/2024, Chỉ số Sản xuất công nghiệp của Bắc Giang tăng 23,8%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng 10,5% của cùng kỳ năm ngoái.
Cũng nỗ lực vượt thách thức, TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 6,54%, vượt cả dự báo (5,5% - PV). Quý I năm ngoái, đầu tàu kinh tế của cả nước chỉ tăng trưởng 0,7%. Trong khi đó, Hà Nội có mức tăng trưởng 5,5%, thấp hơn mức tăng trưởng 5,81% của quý I năm ngoái. Các mức tăng trưởng này sẽ tạo đà tăng trưởng cho các quý còn lại của địa phương, cũng như của nền kinh tế nói chung.
“Để đạt được mức tăng trưởng cả năm 6-6,5% là một thách thức lớn, cần sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của toàn hệ thống chính trị”, người đứng đầu Tổng cục Thống kê nói và đề xuất một loạt giải pháp, như kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, để điều hành hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu, tập trung phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Đây chính là những giải pháp đã được Chính phủ chỉ đạo rất nhiều trong thời gian gần đây. Không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, mà cần khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.