Cơn sóng chứng khoán những năm 2006 - 2007 đã tạo sức hút vô cùng mãnh liệt khiến tôi quyết định rời công việc tại Singapore để bước chân vào một lĩnh vực mà lúc đó tôi chỉ như một đứa trẻ đang chập chững tập đi.
Để rồi sau 10 năm gắn bó, trải nghiệm những thăng trầm của nghề, của thị trường chứng khoán, tôi có niềm tin vào tương lai phát triển bền vững của thị trường.
Như rất nhiều bạn trẻ thời điểm đó, trong giai đoạn thị trường chứng khoán trong nước sốt nóng, tôi hào hứng tìm hiểu, làm quen với những khái niệm tưởng chừng như rất đơn giản là EPS, vốn điều lệ hay cổ tức... Kiến thức của những người làm chứng khoán và các lớp học về chứng khoán ngày đó rất hạn chế.
Chúng tôi phải tự mày mò bằng cách đọc các báo cáo phân tích để hiểu cách tiếp cận, cách định giá của các định chế tài chính lớn. Tuy nhiên, điều mà các báo cáo không bao giờ chỉ ra được là kinh nghiệm thì chúng tôi phải tự học bằng những trải nghiệm và trả giá riêng.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh
Một triết lý gần như ai cũng biết, “cái gì dễ đến cũng dễ đi”, nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu. Bong bóng chứng khoán vỡ không lâu sau khi tôi về nước và đó là lúc tôi thấm thía triết lý đó nhiều nhất. Sau giai đoạn bong bóng, cũng như bao nhiêu người, tôi liên tục kỳ vọng thị trường năm sau sẽ tốt hơn năm trước, nhưng rồi khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, thị trường chứng khoán đìu hiu, mà có lúc người ta gọi vui những người làm chứng khoán là “những chiến binh cuối cùng”.
Thu nhập giảm sút, nhiều người chuyển nghề khiến chứng khoán trở nên kém hấp dẫn. Nhưng ở thời điểm đó cũng như ngay lúc này, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng lại. Theo đuổi đam mê, làm những công việc mình thích là bài học mà tôi rút ra từ lúc mới vào nghề và sau 10 năm, bài học này với tôi càng được chứng minh là đúng.
So với thời điểm tôi bắt đầu công việc ở SSI, TTCK Việt Nam hiện đã thay đổi rất nhiều. Bước tiến của thị trường không chỉ thể hiện ở giá trị vốn hóa, số lượng hàng hóa, mà còn ở hiểu biết của giới đầu tư hay thái độ cởi mở của các doanh nghiệp niêm yết. 10 năm là một quãng thời gian đủ dài để các doanh nghiệp hiểu được giá trị của quan hệ công chúng. Còn với giới đầu tư, 10 năm thăng trầm đã giúp họ tích lũy nhiều bài học để trở nên thông minh hơn.
Một điều khiến người làm trong lĩnh vực chứng khoán như tôi rất mừng là sau 10 năm, niềm đam mê với chứng khoán trong công chúng tăng lên rất nhiều. Niềm đam mê đó thậm chí đã len sâu vào các giảng đường đại học.
Trong những cuộc thi tìm hiểu về thị trường chứng khoán do các bạn sinh viên tổ chức, tôi đã vô cùng bất ngờ về số lượng đăng ký và đặc biệt là hiểu biết của sinh viên về chứng khoán. Chứng khoán thực sự đã trở thành một nghề được ưa thích, một nghề “thời thượng” trong giới trẻ.
Nghề “thời thượng” cũng là dễ hiểu, không phải vì nguồn thu nhập mà chứng khoán hứa hẹn mà vì tính chất công việc đòi hỏi sự năng động và tư duy cao. Thị trường chứng khoán thay đổi 24/24 giờ cùng với những diễn biến kinh tế, chính trị trên toàn cầu, đòi hỏi người làm nghề phải liên tục cập nhật và có giải pháp ứng phó. Thách thức vì vậy không lúc nào giảm bớt, với người mới và cả với người cũ.
Áp lực cạnh tranh trong nghề chứng khoán đang ngày một gia tăng là một động lực khiến nghề chứng khoán cũng như lĩnh vực kinh doanh chứng khoán là một lĩnh vực có tính thị trường gần như tuyệt đối. Ở đây không có khái niệm độc quyền, nhóm lợi ích hay ưu đãi đặc biệt, mà chỉ có những nỗ lực nâng cao hiệu quả bằng chiến lược và tư duy kinh doanh nhạy bén. Những công ty dẫn đầu, những cá nhân dẫn đầu vì vậy đều xứng đáng với vị trí của mình.
Điều khiến tôi lo lắng là cùng với sự lớn mạnh của thị trường, những mặt trái ký sinh vào thị trường cũng phát triển, tiến hóa. Hiện tượng đầu cơ làm giá, tạo thanh khoản không còn lộ liễu mà núp dưới những phương thức đánh bóng rất bài bản. Đây là một thách thức lớn cho mọi chủ thể tham gia thị trường, từ cơ quan quản lý cho đến các môi giới và nhà đầu tư.
Nhìn về tương lai, tôi thấy thị trường chứng khoán còn có rất nhiều việc phải làm. Ở đây, tôi chỉ nêu ra 3 việc quan trọng và có tính lan tỏa cao. Thứ nhất, đó là tăng quy mô thị trường. Sau 20 năm thành lập, vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất nhỏ, chỉ bằng gần 40% GDP và bằng 1/3 vốn hóa của thị trường chứng khoán Philippines. Điều này làm giảm vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam khi cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Bổ sung nhanh hàng hóa, trong đó chú trọng các công ty lớn sẽ giúp tăng quy mô cũng như thêm hàng hóa tốt để thu hút dòng vốn nước ngoài.
Thứ hai là quyết tâm với định hướng nâng hạng thị trường. Đây là một lộ trình dài, nhưng lợi ích mang lại sẽ rất lớn. Thị trường chứng khoán trong quá trình nâng hạng sẽ phải thay đổi theo các tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc tăng chất lượng và hiệu quả hoạt động. Khi chính thức là thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được tiếp cận với các nguồn vốn lớn hơn hiện tại rất nhiều.
Thứ ba là tăng cường tính minh bạch bằng một khung pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn hiệu quả các hành vi giao dịch nội gián và thao túng giá cổ phiếu. Một thị trường chứng khoán lành mạnh sẽ duy trì niềm tin của giới đầu tư, từ đó giúp thị trường chứng khoán thực hiện thành công chức năng cơ bản là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, cho sự nghiệp phát triển kinh tế. Và tôi có niềm tin rằng thị trường chứng khoán sẽ phát triển bền vững hơn.