Trái với những kỳ vọng ban đầu, cổ phiếu Boeing hiện có mức giảm gần 35% so với đầu năm 2024 và nằm trong nhóm 20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong chỉ số S&P 500. Tương lai của cổ phiếu Boeing vẫn mịt mù khi chuỗi khủng hoảng xảy ra trong năm 2024 của hãng máy bay này khiến niềm tin của nhà đầu tư lung lay.
Tình hình của Boeing u ám đến nỗi ông Eric Clark, nhà quản lý danh mục đầu tư của quỹ Rational Dynamic Brands nhận xét: “Ở thời điểm hiện tại, việc không phải xuất hiện trên báo chí đã là một chiến thắng đối với Boeing”.
Trước đó, giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng vào Boeing khi Công ty gần như khắc phục được hậu quả từ hai vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trong năm 2018 và 2019, cũng như hồi phục đáng kể sau đại dịch Covid-19. Không chỉ vậy, Boeing có bước tiến lớn trong việc cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, giúp số lượng đơn đặt hàng máy bay tăng vọt và cổ phiếu đạt mức cao nhất trong gần 2 năm. Điều này đã tạo ra tâm lý lạc quan cho các chuyên gia tại Phố Wall, có thời điểm, thị trường không có một khuyến nghị bán nào đối với cổ phiếu Boeing.
Song, đà hứng khởi của cổ phiếu Boeing không kéo dài, khi Công ty liên tiếp gặp phải sự cố kể từ đầu năm 2024.
Cụ thể, trong tháng 1/2024, cửa sổ và một phần thân của máy bay Boeing 737 MAX 9 thuộc Hãng hàng không Alaska Airlines bất ngờ phát nổ sau khi cất cánh từ Portland, Oregon, Mỹ. Sự cố đó buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Sau đó, Boeing đã phải trả cho Alaska Airlines 160 triệu USD tiền bồi thường và ghi nhận sự sụt giảm mạnh về sản lượng của dòng máy bay 737 MAX.
Tiếp đó, ngày 11/3/2024, máy bay Boeing 787 của Hãng hàng không LATAM Airlines gặp sự cố rung lắc mạnh khi đang trên đường từ Sydney, Australia đến Auckland, New Zealand, khiến 50 người bị thương.
Đến ngày 15/3/2024, một máy bay Boeing 737-800 của Hàng hàng không United Airlines mất một tấm panel bên ngoài sau khi hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Rogue Valley Medford ở bang Oregon, Mỹ.
Cùng với đó, ngày càng nhiều nhà lập pháp Mỹ công khai bày tỏ mối lo ngại đối với Boeing và đặt câu hỏi về việc kiểm soát chất lượng sản xuất của hãng.
Cuộc khủng hoảng kéo theo sự xáo trộn lớn về nhân sự cấp cao của Boeing. Theo đó, 3 lãnh đạo cấp cao bao gồm Giám đốc điều hành (CEO) Dave Calhoun đã từ chức.
Đến tháng 9/2024, khoảng 33.000 công nhân Boeing đã đình công trong vòng 7 tuần, do không hài lòng với thỏa thuận lao động sơ bộ. Vụ việc khiến Boeing thiệt hại hàng tỷ USD.
Trước các diễn biến tiêu cực, Boeing đã phải ra thông báo sẽ cắt giảm 10% nhân lực toàn cầu - tương đương khoảng 17.000 người - trong vài tháng tới do việc kinh doanh gặp khó khăn. Đáng lo ngại hơn, số lượng máy bay của Boeing giao trong tháng 10/2024 chỉ là 1 con số, đi kèm khoản lỗ 6,17 tỷ USD trong quý III/2024.
Theo dữ liệu của Bloomberg, trong năm 2023, giới chuyên gia phân tích kỳ vọng mỗi cổ phiếu Boeing sẽ tạo ra 4,18 USD lợi nhuận trong năm 2024, nhưng giờ đây, mức dự đoán là khoản lỗ 15,89 trên mỗi cổ phiếu. Đồng thời, những ước tính về tăng trưởng lợi nhuận của Boeing cho các năm 2025, 2026 và 2027 giảm xuống hơn 50% so với trước.
Bởi vậy, khi cổ phiếu Boeing có dấu hiệu hồi phục trong thời gian gần đây cũng không đủ để các chuyên gia phân tích lạc quan trở lại.
Nhìn sang năm 2025, nỗi lo về tình hình tài chính của Boeing chưa thể nguôi ngoai. Các chuyên gia cho rằng, nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện các đề xuất về thuế quan trong nhiệm kỳ tới sẽ là thảm họa đối với Boeing. Các doanh nghiệp như Boeing, cùng với các gã khổng lồ sản xuất Mỹ như Caterpillar Inc. và Deere & Co., được xem là dễ bị tổn thương nhất nếu có bất kỳ một cuộc chiến thương mại nào diễn ra.
Ông Mark Malek, Giám đốc đầu tư tại Siebert cho biết, những gián đoạn thương mại có thể làm tăng chi phí, vì gần một nửa số nhà cung cấp của Boeing đều nằm ngoài nước Mỹ, do đó điều này đe dọa đến cả doanh thu và biên lợi nhuận
Không chỉ vậy, mối quan tâm lớn nhất của Boeing nằm ở việc giảm sản xuất sau khi phải hứng chịu những hậu quả từ sự cố Alaska Air và cuộc đình công kết thúc vào tháng 11/2024. Các chuyên gia nhận định, sự suy yếu của Boeing khiến đối thủ Airbus SE, công ty đã nắm giữ gần 60% lượng đơn đặt hàng máy bay thương mại toàn cầu trong năm ngoái, được hưởng lợi.