Hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp cần có sự tin tưởng lẫn nhau để cùng thúc đẩy sự phát triển đi lên của nền kinh tế
Lúc đó, tác giả kiến nghị, mọi giải pháp đưa nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng tài chính cần phải lấy niềm tin hệ thống làm thước đo. Quan điểm này vẫn đeo đẳng tác giả suốt mấy năm qua.
Cách tiếp cận mới về niềm tin hệ thống
Trong bài viết của mình, Felix Roth đưa ra định nghĩa khá đơn giản, niềm tin hệ thống cũng là niềm tin thể chế và chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì ổn định xã hội, chính trị và hệ thống kinh tế. Phần lớn nghiên cứu của nhiều tác giả khác trên thế giới đều đồng ý rằng, niềm tin hệ thống là sự tin tưởng của người dân vào chính phủ, quốc hội và các định chế trong một quốc gia.
Xem lại các nghiên cứu về niềm tin gần đây, mới thấy ngày càng có nhiều nghiên cứu định lượng về niềm tin tác động đến tăng trưởng kinh tế. Một trong những tác giả tiên phong trên thế giới nghiên cứu chủ đề này là Zac and Knack trong bài báo có tên Trust and Growth (1998). Tác giả này đã nghiên cứu 37 quốc gia và tìm thấy mối quan hệ thuận chiều giữa niềm tin với tăng trưởng kinh tế và sự tăng lên trong chi tiêu đầu tư toàn xã hội.
Kể từ công trình tiên phong của Zac and Knack, đã có nhiều nghiên cứu phát hiện mối quan hệ nhân quả giữa niềm tin và tăng trưởng kinh tế. Song có lẽ kết luận đáng chú ý nhất là những nghiên cứu gần đây đều phát hiện niềm tin chính là nhân tố rất quan trọng dẫn đến tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Các kênh truyền dẫn từ niềm tin sang ổn định vĩ mô
Sau 4 năm kể từ ngày đưa ra những nhận định ban đầu của mình tại hội thảo nêu trên, tác giả càng nhận thấy, vun trồng niềm tin hệ thống là điều có ý nghĩa rất lớn và cấp thiết hơn bao giờ hết để tạo ra động lực mới và từ đó tạo ra một dư địa mới cho công cuộc cải cách dường như đã cạn hết năng lượng. Năng lượng mới bơm vào cải cách nhằm tạo ra động lực mới không gì khác hơn là vun trồng niềm tin. Vun trồng niềm tin từ những hạt giống đầu tiên ngay từ bây giờ nếu không muốn quá muộn.
Sở dĩ niềm tin tạo ra tăng trưởng bởi vì chúng tác động đến tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô thông qua 3 kênh.
Thứ nhất, niềm tin không phải tự nhiên ai ban phát cho, mà bắt nguồn từ hạt giống gieo trồng, nơi một thể chế tốt đẹp hơn ở đất nước họ đang sống. Sự tương tác qua lại này khiến cho bất kỳ một thể chế nào thực thi một chính sách tùy tiện sẽ khiến cho niềm tin hệ thống giảm xuống rất nhanh và có thể dẫn đến đổ vỡ. Chính vì việc những nhà cầm quyền ít dám đưa ra các chính sách tùy tiện, nền kinh tế vĩ mô được hưởng lợi vì sẽ dẫn đến ổn định nhiều hơn.
Ở Việt Nam cho đến giờ chưa có nghiên cứu sâu cũng như đo lường niềm tin hệ thống, song xét theo một số chỉ số về môi trường kinh doanh, chỉ số hiệu năng quản trị của chính phủ, chỉ số tham nhũng, tất cả cũng chỉ ở mức thấp và chưa được cải thiện nhiều thời gian qua. Điều này cho thấy phần nào về một triển vọng bất ổn kinh tế vĩ mô tiềm tàng trong dài hạn.
Còn nói cụ thể hơn về niềm tin hệ thống thể hiện qua cảm nhận của dư luận từ các sự kiện nóng gần đây cũng cho thấy được nhiều điều. Thử hỏi tại sao mỗi khi có bất kỳ siêu dự án nào trình ra Quốc hội, từ Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam đến gần đây là Dự án Sân bay Long Thành, thì trong dư luận vẫn còn quá nhiều băn khoăn chính đáng? Không loại trừ khả năng một trong số các dự án này mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thật sự, song vì sao vẫn còn một số đại biểu Quốc hội và một bộ phận không nhỏ người dân vẫn không tin rằng, chúng có thể được triển khai thành công trong thực tế? Thật đáng tiếc nếu như các dự án này khả thi, nhưng do thiếu niềm tin hệ thống, nên chúng đành phải hủy bỏ hoặc gác lại và do đó làm chậm, mất thời cơ để quốc gia phát triển.
Thứ hai, nguồn gốc nội tại chính yếu nhất của bất kỳ cú sốc kinh tế vĩ mô nào phần lớn đều bắt nguồn từ các bất ổn chính trị và xã hội. Vì vậy, ở các quốc gia có niềm tin cao, tần suất xuất hiện các bất ổn vĩ mô cũng ít hẳn. Đôi khi chúng ta chỉ nghĩ, các bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay là do những méo mó trong cấu trúc nền kinh tế, song ít ai nghĩ chúng có nguồn gốc từ các bất ổn trong giáo dục và xã hội. Thậm chí, các méo mó trong nền kinh tế còn có thể tái cấu trúc nhưng còn con người ở biết bao thế hệ được nhào nặn biến dạng từ hệ thống giáo dục nước nhà thì làm thế nào tái cấu trúc. Đó chính là mầm mống tiềm ẩn không thể chỉnh sửa được và sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế dài hạn trong tương lai.
Thứ ba, niềm tin xét theo nghĩa hẹp là sự tin tưởng, sự tín nhiệm. Nếu mọi người có sự tín nhiệm cao với nhau như trong quan hệ vay mượn chẳng hạn, thì sự tín nhiệm lẫn nhau đó có thể làm vật thế chấp vô giá thay thế cho tài sản. Trong một xã hội mà sự tín nhiệm ở mức cao, chi phí giao dịch của xã hội sẽ giảm đi đáng kể. Với chi phí giao dịch giảm thấp, càng nhiều người tin tưởng bỏ vốn kinh doanh. Chính điều này sẽ là công cụ giảm sốc có tác dụng giảm nhẹ đáng kể các cuộc khủng hoảng mang tính chu kỳ của một quốc gia.
Bây giờ nếu nói rằng có một cuộc khủng hoảng niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp, chắc nhiều người đồng tình. Hệ thống ngân hàng thì thừa tiền còn doanh nghiệp thì khát vốn suy cho cùng là vấn đề niềm tin. Cuộc khủng hoảng niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã làm kéo dài nỗi đau của mỗi bên quá lâu kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến nay.
Xét rộng ra trên bình diện quốc tế, nền kinh tế nước ta đáng lý có thể phát triển cao hơn từ việc hấp thụ các dòng vốn quốc tế chảy vào như cách đây một thập niên để bù đắp cho những thiếu hụt từ tích lũy trong nước, nếu như các chính sách và luật lệ đều hướng đến củng cố niềm tin hệ thống từ các nhà đầu tư quốc tế thông qua những cải cách thông thoáng trong môi trường đầu tư và thủ tục hành chính được cải cách tận gốc rễ.
Cần một cuộc cách mạng vun trồng niềm tin hệ thống
Từ những thảo luận trên, vậy chúng ta phải làm gì đây? Một trong những giải pháp đã được nhận diện đúng là cải cách thể chế. Song cải cách thể chế là gì cho đến nay vẫn còn nhiều thảo luận. Tác giả bài viết này cho rằng, bất kỳ một chính sách, luật lệ hoặc cải cách nào nếu lấy niềm tin tăng lên của người dân làm thước đo thì đó chính là cải cách thể chế đang đi đúng hướng.
Những tìm tòi lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cấp chính trị ở các tỉnh, thành phố là một gợi ý về cách thức đo lường niềm tin hệ thống và có thể xem chúng như là một chỉ báo của cải cách thể chế đang tiến triển đến đâu.
Chúng ta cần phải có một cuộc cách mạng vun trồng niềm tin hệ thống hơn là mải tranh luận chục năm nay rằng, nền kinh tế thị trường khác thế nào với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thomas Carlyle, một triết gia nổi tiếng người Scotland ở thế kỷ XVIII, đã từng nói về niềm tin: Người ta sống nhờ tin vào điều gì đó, không phải nhờ bàn luận và tranh cãi về quá nhiều thứ.
Từng thành quả riêng lẻ trong thời gian qua mà mỗi chủ thể trong hệ thống chính trị của chúng ta mang lại là điều đáng được ghi nhận và cần phát huy. Song trong nghiên cứu và thực nghiệm, để trở thành một bằng chứng thuyết phục người dân rằng, cải cách thể chế đang đi đúng hướng, cần phải có đủ chứng cứ ở một phạm vi không gian rộng khắp và trong một thời gian đủ dài, chứ không chỉ trong một bộ phận nhỏ và trong một lúc nhất thời. Chúng trái ngược với điều mà ta hay tự hào là tấm gương điển hình (hiện tượng cá biệt) và mang tính phong trào (ngắn hạn).
Một ông bộ trưởng một lĩnh vực nào đó cho dù rất có tâm nhưng cứ loay hoay cách chức hết ông này đến ông khác mà mọi thứ vẫn đâu vào đấy thì cần xem lại niềm tin hệ thống vì các ông còn lại tin rằng, trong dài hạn, ông bộ trưởng đó chẳng thể làm được gì hơn. Hơn nữa, đó cũng chỉ là nỗ lực cá nhân hơn là vấn đề mang bản chất thuộc tính của hệ thống và thể chế.
Hoặc một chính sách tiền tệ với việc người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra hết chính sách này đến chính sách khác để khơi thông dòng vốn, mà người dân và ngân hàng vẫn không tin tưởng lẫn nhau, hệ thống tài chính ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro phía trước, thì rõ ràng có vấn đề ở niềm tin hệ thống về tính độc lập của ngân hàng trung ương. Nhiều nghiên cứu về niềm tin cho thấy, ở những quốc gia mà ngân hàng trung ương không độc lập thì niềm tin ở mức thấp hoặc rất thấp.
Một chính phủ lúc nào cũng mong muốn quyết liệt tái cấu trúc nền kinh tế và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với nhiều biện pháp răn đe trong nhiều năm liền, nhưng tiến độ vẫn quá chậm càng cho thấy đang có vấn đề đối với cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ lỗi của bản thân chính phủ. Điều này cho thấy, cần phải xem lại một hoặc nhiều khâu nào đó của cải cách thể chế liệu có đang đi chưa đúng hướng.
Còn nói rộng ra, nếu chúng ta cải cách theo mô hình không giống ai trên thế giới và cứ dựa vào mãi tính đặc thù quốc gia để đưa ra những biệt lệ, để rồi tự vấn không biết con đường mình theo đuổi bao giờ mới đến đích, thì tác giả xin mượn lời của William James, một triết gia nổi tiếng người Mỹ ở thế kỷ XIX: “Luôn luôn, ở bất cứ đâu và đối với bất cứ ai, thật sai lầm để tin vào bất cứ thứ gì khi không đủ bằng chứng”.
Vun trồng niềm tin hệ thống là điều có ý nghĩa rất lớn và cấp thiết hơn bao giờ hết để tạo ra động lực mới và từ đó tạo ra một dư địa mới cho công cuộc cải cách.
Sau hai năm rưỡi thi hành, ngày 30/6/1990, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này. Điểm 2, Điều 1 quy định: “Bên Việt Nam là một bên gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế Việt Nam có tư cách pháp nhân thuộc các thành phần kinh tế”. Điểm 2, Điều 3 quy định: “Các tổ chức kinh tế tư nhân Việt Nam được hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực và điều kiện do Hội đồng Bộ trưởng quy định”.
Kỳ họp Quốc hội cuối năm 1992, luật này được sửa đổi, bổ sung lần thứ hai. Luật mới thêm các hình thức và phương thức đầu tư mới như khu chế xuất, xí nghiệp chế xuất, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); mua lại để tăng dần tỷ trọng vốn góp của bên Việt Nam hoặc mua lại từng phần trong một số xí nghiệp liên doanh quan trọng. Thời hạn hoạt động của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phổ biến là 50 năm, có thể đến 70 năm.
3 Câu chuyện Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 được hình thành chỉ trong 9 tháng và hai lần sửa đổi trong vòng 5 năm đã cho thấy tầm quan trọng của luật này đối với Việt Nam. Trên thực tế, giai đoạn 1991 - 1998 là thời kỳ hoàng kim trong lịch sử phát triển đất nước với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 8,5%, FDI đóng góp khoảng 30% tốc độ tăng trưởng kinh tế, 30% vốn đầu tư xã hội, 40% kim ngạch xuất khẩu, hình thành một số ngành công nghiệp quan trọng như khai thác dầu khí, ô tô, xe máy, điện tử, dịch vụ cao cấp.
Giai đoạn này cũng cho chúng ta bài học kinh nghiệm về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế bằng cách phát hiện nhanh chóng nhược điểm của các quy định hiện có, sửa đổi, bổ sung kịp thời để điều chỉnh mọi hành vi của hoạt động kinh tế.
Năm 2015 và những năm tiếp theo, mặc dù còn nhiều ẩn số, nhất là động thái mới về chính trị và an ninh rất khó lường trên chính trường quốc tế, cũng như biến động về kinh tế, giá cả thị trường như giá dầu, giá vàng và các vật tư, hàng hóa có liên quan đến thương mại và đầu tư của nước ta, nhưng đã xuất hiện những tín hiệu tích cực từ nửa cuối năm 2014.
Cụ thể, khôi phục tốc độ tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế ở mức khá hợp lý, sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn, có nhiều mô hình canh tác, quản trị hiệu quả trong nông nghiệp và quan trọng hơn là môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta đã tạo được lòng tin với người dân, doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, có thể hy vọng vào thời kỳ gia tăng tốc độ tăng trưởng và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Trong đó, làn sóng thứ ba về đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được bắt đầu từ năm 2014 với những tín hiệu mới: thu hút được những tập đoàn kinh tế, công nghệ cao hàng đầu thế giới, triển khai nhiều dự án quy mô hành tỷ, hàng chục tỷ USD, thành lập một số trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), nước ta đã và đang trở thành cứ điểm sản xuất của thế giới một số sản phẩm như điện thoại di động, máy tính bảng, điện tử tiêu dùng.
Quốc hội trong phiên họp cuối năm 2014 đã thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), điều chỉnh, bổ sung một số quy định của nhiều luật thuế. Tuy còn có những điều chưa được như mong đợi của doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhưng về cơ bản, những luật sửa đổi lần này đã tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hình thành hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch, nhất quán, tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh tốt hơn, do đó thúc đẩy nhanh hơn làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mới tại Việt Nam.
Vấn đề cần quan tâm nhất là làm gì để làn sóng này lan tỏa rộng hơn và có hiệu quả hơn đối với sự phục hồi và phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp để biến cái hiện thuộc sở hữu của người nước ngoài là vốn, công nghệ, nhân lực trình độ cao trở thành của doanh nghiệp Việt Nam, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp dân tộc, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.