Vực thị trường nội địa để hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp gia nhập, theo TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần phải tập trung phát triển thị trường nội địa.
TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Lần thứ hai ghi nhận trong một quý, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số gia nhập. Ông lý giải hiện tượng này thế nào?

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, trong quý I/2024 có tổng cộng 59.900 doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong đó có 36.200 “tân binh”, nhưng có tới 74.000 doanh nghiệp rút lui. Có thể khẳng định, tất cả những doanh nghiệp này, kể cả gia nhập lẫn rời bỏ thị trường, đều là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí rất nhỏ và hầu như chưa từng tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu.

Thị trường nội địa sức mua còn yếu. Đầu ra yếu thì làm sao doanh nghiệp phát triển được, nên số doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, ngừng hoạt động nhiều hơn số gia nhập thị trường là điều dễ hiểu.

Nhưng thưa ông, các số liệu thống kê cho thấy thị trường nội địa đang phục hồi mạnh mẽ?

Số liệu thoạt nhìn có vẻ như vậy, nhưng thực chất thì quý I vừa qua, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trên 5% sau khi loại trừ yếu tố tăng giá, tức là mới bằng nửa tốc độ tăng của quý I năm 2023 (tăng hơn 10%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,4%; du lịch lữ hành tăng 46,3%.

Nên nhớ rằng, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng mạnh chủ yếu nhờ vào khách du lịch quốc tế. Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đón khoảng 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 nhờ hàng loạt chính sách kích cầu du lịch, nhưng liệu chúng ta có giữ được tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch không, khi mà người Việt đi du lịch trong nước còn đắt hơn đi du lịch các nước trong khu vực. Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, rất nhiều người lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì trong nước. Đến Việt Nam phải trả chi phí đắt hơn các nước trong khu vực, thì liệu chúng ta có đón được 18-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế như mục tiêu đặt ra cho năm 2024 không?

Du lịch lữ hành tác động, ảnh hưởng đến hàng loạt ngành nghề, dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, sản xuất thủ công mỹ nghệ... Doanh nghiệp nhỏ và vừa biết kinh doanh, sản xuất gì để không phải rời khỏi thị trường đây?

Vậy theo ông, muốn phục hồi và phát triển doanh nghiệp thì phải đẩy mạnh thị trường nội địa?

Sự phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới đi theo hướng: trong giai đoạn đầu tập trung vào xuất khẩu, nền kinh tế phát triển đến mức độ nào đó, thì sẽ hướng về thị trường trong nước.

Hiện tại, Trung Quốc sau một thời gian hướng ngoại, bây giờ họ hướng về thị trường trong nước với chính sách “nội nhu”. Chính phủ Trung Quốc có rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua hàng nội địa sản xuất, trong đó, tài trợ cho xe ô tô điện do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất là ví dụ điển hình.

Hay như Thái Lan, để phát triển thị trường nội địa, mới đây, chính phủ nước này quyết định phát cho mỗi công dân trưởng thành 10.000 baht (tương đương 275 USD) để tiêu dùng một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể trong một thời gian nhất định. Tổng số tiền mà Thái Lan bỏ ra để kích cầu thị trường nội địa, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lên đến 14 tỷ USD.

Tôi cho rằng, Việt Nam cần có nhiều giải pháp đồng bộ phát triển thị trường nội địa. Bởi tốc độ tăng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 vẫn chưa đạt được bằng thời điểm trước dịch. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân 11,5%, tức là cao hơn so với mức tăng của quý I năm nay rất nhiều.

Mỗi quốc gia có điều kiện, hoàn cảnh, trình độ kinh tế khác nhau, nên không thể “bê” nguyên chính sách của nước khác vào thực hiện, thưa ông?

Việt Nam cũng có nhiều chính sách kích cầu nội địa, cả cầu sản xuất lẫn cầu tiêu dùng. Các chính sách kích cầu đã phát huy hiệu quả tích cực như chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, đặc biệt là chính sách gia hạn thuế giá trị gia tăng 2% để tăng sức cầu nội địa. Nhưng vấn đề là chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa, thì việc gia hạn thuế giá trị gia tăng sẽ chấm dứt nếu không kịp trình Quốc hội tiếp tục gia hạn.

Để phát huy các chính sách hiện có đã được thực hiện kể từ năm 2020 sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024, xem xét ban hành quy định gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước...; giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm tiền thuê đất, mặt nước; kịp thời xem xét, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các chính sách này rất đúng, rất trúng, nhưng cần phải có thêm nhiều chính sách nữa để khuyến khích người dân tăng chi tiêu, đó là phải sửa ngay Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, phải hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động bằng việc nới tín dụng, cho họ có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Mặc dù chưa khi nào lãi suất ngân hàng “rẻ” như thời điểm này, song vay vốn vẫn rất khó khăn, vì một trong những yêu cầu tiên quyết là muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp. Doanh nghiệp mới thành lập hoặc sau một thời gian “đắp chiếu”, tái gia nhập thị trường thì làm gì có tài sản để thế chấp.

Tin bài liên quan