Nhiều lĩnh vực trụ cột gặp khó khăn
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52%, thấp hơn mức tăng 6,32% của cùng kỳ năm trước. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,7%, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải đạt 7,5%. Đây là một thách thức lớn khi nhiều lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Báo cáo kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, cả tổng cung lẫn tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn.
“Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) không giữ được tốc độ tăng đều như 3 tháng qua do khó khăn của lĩnh vực khai khoáng”, báo cáo nêu rõ và cho biết, sự suy giảm ngành khai khoáng nói chung và lĩnh vực khai thác dầu thô nói riêng (giảm 4,3%; trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng 9,8%) là nguyên nhân chủ yếu khiến tốc độ tăng IIP 7 tháng đầu năm đạt mức thấp hơn so với cùng kỳ (tăng 7,2%, trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng 9,9%).
Trong khi đó, tổng cầu tăng với tốc độ chậm hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) 7 tháng đầu năm tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 8,3% của cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa chưa có nhiều cải thiện khi 7 tháng đầu năm chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng 2015 tăng 9,5%), trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng 2015 tăng 16,4%).
Đáng chú ý, tăng trưởng GDP chững lại cho dù tín dụng tăng cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến 30/6/2015, tín dụng tăng 8,16% so với đầu năm, cao hơn so với mức tăng 7,86% của cùng kỳ năm 2015 là 7,86%.
Ngoài chính sách tiền tệ, cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh ngoại hối và trái phiếu của HSBC cho rằng, NHNN đã có những biện pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời và phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng vào ổn định lạm phát. Bên cạnh đó, NHNN đã có những biện pháp nhằm ổn định tỷ giá, cung tiền được điều hành hợp lý, tạo điều kiện để ổn định mặt bằng lãi suất trong suốt thời gian qua.
Theo ông Khoa, mặc dù đã lấy lại đà tăng trưởng, nhưng kinh tế trong nước còn đứng trước nhiều vấn đề chưa thuận lợi. Những nguy cơ thị trường tài chính phải đối mặt bao gồm yếu tố hỗ trợ dự trữ ngoại hối chưa cao, ngành ngân hàng vẫn đang đối mặt với hậu quả khủng hoảng tài chính trong nước năm 2011 và lạm phát tuy nằm trong vòng kiểm soát nhưng đang có dấu hiệu gia tăng.
Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04 về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, thực hiện mục tiêu đã đề ra trong Chỉ thị 01, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ.
“NHNN chủ trương sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng, nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, cần có chính sách tài chính và tiền tệ cẩn trọng, thận trọng trong việc tính toán mức tăng trưởng tín dụng và kiểm soát giá cả. Việc hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững, tuy chậm, là điều cần ưu tiên”, ông Khoa nói.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nêu quan điểm, trong bối cảnh hiện nay, dư địa của chính sách tiền tệ để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng là rất hạn chế do phải cân đối giữa tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh với ổn định kinh tế vĩ mô. Không thể lơ là việc ổn định kinh tế vĩ mô, dù đã có nhiều điểm cải thiện nhưng về tổng thể vẫn chưa vững chắc do nợ công đang là vấn đề lớn, hệ thống tài chính ngân hàng có những cải thiện nhất định về quản trị nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực để lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng.
“Đối với chính sách tài khóa, ngân sách hiện nay đang thâm hụt khá lớn, nợ công tăng cao nên dư địa cũng rất khó khăn”, TS. Thành nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay cần có giải pháp đồng bộ, sự hợp lực của nhiều bên nhằm khai thông những điểm nghẽn trên thị trường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nếu chỉ thúc tín dụng, ép lãi suất để đẩy tăng trưởng, có thể sẽ khiến lạm phát tăng cao và gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng.