Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý 3/2019, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Minh Phú đạt 5.213 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng tới 14% khiến nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3 chỉ còn 605 tỷ đồng, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính quý 3 cũng chỉ còn 33 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái (chủ yếu là giảm khoản lãi gửi ngân hàng).
Chi phí quý 3 của Minh Phú cũng giảm khá mạnh: Chi phí tài chính giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái (còn 73 tỷ đồng), chi phí bán hàng giảm 22,4% (còn 245,6 tỷ đồng). Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp quý 3 tăng nhẹ thêm 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 3 là 276 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ quý 3 năm ngoái. Sau khi giảm trừ khoản lỗ khác, lợi nhuận trước thuế quý 3 của Minh Phú chỉ còn 266 tỷ đồng, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Minh Phú đạt 12.729 tỷ đồng, tăng 1,7% trong khi giá vốn tăng gần 5% khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.402 tỷ đồng, giảm 18,5%.
Tổng lợi nhuận hợp nhất mà Minh Phú thu về 9 tháng (trước thuế) là 446,8 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau thuế, lợi nhuận của vua tôm chỉ còn 390 tỷ, giảm gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2018, Minh Phú chỉ đạt 83% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm. Mục tiêu lơi nhuận hợp nhất mà công ty đặt ra cho năm 2019 là 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc 9 tháng, công ty chưa đạt 20% mục tiêu lợi nhuận của cả năm
Nguyên nhân khiến thủy sản Minh Phú sút giảm mạnh lợi nhuận là thị trường xuất khẩu không lạc quan như dự kiến.
Cụ thể, doanh thu xuất khẩu 9 tháng của Minh Phú chỉ đạt 484,6 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt hơn một nửa chỉ tiêu của cả năm. Các thị trường xuất khẩu lớn của công ty đều gặp khó: thị trường Mỹ giảm 58,8%, thị trường Hàn Quốc giảm 20,64%, Nhật Bản giảm 7,56%...
Không chỉ gặp khó về thị trường, nguồn cung cấp nguyên liệu của công ty cũng tiếp tục khan hiếm. Để đáp ứng nguyên liệu thực hiện các đơn hàng, công ty phải nhập khẩu nguyên liệu với giá cao, khiến lợi nhuận gộp giảm (doanh thu tăng trưởng thấp hơn giá vốn).
Tình hình kinh doanh đi xuống của Minh Phú công với thông tin bán cổ phiếu quỹ giá ưu đãi 10.000 đồng/cp cho cán bộ nhân viên càng khiến thị giá cổ phiếu MPC của Minh Phú càng đi xuống.
Các thị trường xuất khẩu lớn của công ty đều gặp khó: thị trường Mỹ giảm 58,8%, thị trường Hàn Quốc giảm 20,64%, Nhật Bản giảm 7,56%...
Trong ngày 14/11, HĐQT công ty đã ban hành Nghị quyết thông qua quy chế bán cổ phiếu quỹ với giá ưu đãi cho cán bộ nhân viên. Theo đó, công ty dự kiến sẽ bán 467 nghìn cổ phiếu quỹ với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần, dự kiến thu về 4,67 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được công ty bổ sung vào vốn lưu đồng. Kết thúc phiên 14/11, cổ phiếu này có giá 21.800 đồng/cp, giảm khoảng 50% so với một năm trước.
Như vậy, sau khi bán 35.1% cổ phần cho đối tác Mitsui & Co (Nhật Bản) vào quý 2 năm nay, thu về khoảng 153 triệu USD, Minh Phú vẫn chưa thể lấy lại phong độ thời kỳ đỉnh cao. Tuy nhiên, việc các vùng nuôi ở Lộc An và Kiên Giang đưa vào khai thác thời gian tới, lợi nhuận của vua tôm có thể phục hồi.
Bằng việc bắt tay với đại gia Mitsui của Nhật, Minh Phú đặt mục tiêu chiếm giữ 25% thị phần tôm toàn cầu trong 15-20 năm tới (hiện dưới 5%). Tập đoàn đang tập trung vào chiến lược chủ động nguyên liệu với chất lượng tốt và giá thành thấp. Minh Phú đang đưa ứng dụng công nghệ cao vào các ao nuôi để hướng tới tự chủ 50% nguyên liệu tự nuôi và 50% còn lại từ các vùng nuôi hợp tác với nông dân.