“Vua” tiền mặt, vay nợ nghìn tỷ

“Vua” tiền mặt, vay nợ nghìn tỷ

Quý II năm nay, nhiều công ty có tiền mặt trên 1.000 tỷ đồng nhưng đa phần đều vay nợ lớn.

   

Theo số liệu thống kê từ VNDirect, trong số 400 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II có 16 doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền mặt 500-1.000 tỷ đồng. Con số này giảm khoảng 40% so với quý II năm 2012 (là 27 doanh nghiệp). Tiền mặt được ghi nhận ở đây bao gồm tiền mặt hiện có tại doanh nghiệp, tiền gửi trong các ngân hàng và tiền đang chuyển.

 

Top 5 đơn vị trong danh sách rủng rỉnh tiền mặt quý II năm nay, có tới 4 hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Công ty cổ phần FPT (Mã CK: FPT) là trường hợp ngoại lệ và giữ vị trí đứng đầu. Hết quý II, FPT có hơn 2.156 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến ngày 30/6 là 3.475 tỷ đồng, tăng 21,5% so với đầu năm. Lãi sau thuế của FPT quý II tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 580 tỷ đồng. Dự kiến trong năm nay, FPT trả cổ tức 20% bằng tiền mặt.

 

Các công ty chứng khoán có tỷ lệ vay nợ trên tiền mặt tốt hơn. Công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, mã: HCM) đứng thứ hai, khi đến cuối quý II vẫn nắm giữ trong tay 1.615 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Con số này giảm 197 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng lại tăng 81 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đa số là tiền gửi của các nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán là 862 tỷ đồng. Số tiền nợ phải trả mà  HSC đang gánh là 2.066 tỷ đồng.

 

Quý II, HSC lãi sau thuế gần 61 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do thu nhập từ các hoạt động kinh doanh nguồn vốn như: giao dịch ký quỹ và hợp đồng cam kết mua bán trái phiếu giảm bởi sự sụt giảm mạnh của lãi suất tiền gửi trong 2 kỳ so sánh. Trong khi đó thuế suất thu nhập doanh nghiệp thay đổi từ 20% lên 25% có hiệu lực từ năm 2013 cũng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế quý II do công ty đã hết thời hạn miễn giảm thuế. 

 

5 công ty có lượng tiền mặt trên 1.000 tỷ đồng

(Tính đến 30/6/2013 - Đơn vị: tỷ đồng)

30/6/2013

31/12/2012

FPT

2.156

2.085

HCM

1.616

1.534

KLS

1.536

1.713

AGR

1.388

3.270

FPTS

1.160

1.195

 

Công ty chứng khoán Kim Long (mã: KLS), cuối quý II, lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền đang nắm giữ là 1.535 tỷ đồng, (trong đó tiền ký quỹ của nhà đầu tư là 125 tỷ đồng), tăng mạnh so với đầu kỳ, nhưng giảm 178 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Quý II, KLS lãi 26 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái lỗ 11 tỷ đồng. Số nợ phải trả mà KLS đang gánh là 143 tỷ đồng.

 

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco, mã AGR) hiện có hơn 1.388 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, tăng gấp 3 lần so với hồi cuối năm 2012. Trên 80% tổng số là tiền gửi ngân hàng. Dù vậy, quý II vừa qua, Chứng khoán Agriseco giảm lãi gần 24%, chỉ đạt 7,5 tỷ đồng. Doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng, nhưng chủ yếu nhờ hoạt động tự doanh (53%) và lãi từ tiền gửi ngân hàng (40%).

 

Tại đại hội cổ đông vừa tổ chức cuối tháng 6, Chứng khoán Agriseco quyết định trả cổ tức tỷ lệ 2,5% vốn điều lệ bằng tiền mặt. Ông Hà Huy Toàn, Chủ tịch Chứng khoán Agriseco cho biết, với lượng tiền mặt dư giả, công ty dự kiến đầu tư, chờ đợi cơ hội, bù đắp phần giảm lợi nhuận thời gian qua. Ông Toàn cũng cho rằng, thị trường hiện vẫn còn rủi ro, cơ hội đầu tư chưa tới, vì vậy chuyện các công ty chứng khoán dư nhiều tiền mặt nhất cũng là điều dễ hiểu. Đến ngày 30/6, Chứng khoán Agriseco có hơn 700 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn. Nếu thanh toán xong khoản này bằng tiền mặt, công ty vẫn còn hơn 680 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chủ tịch Hà Huy Toàn khẳng định: “Số tiền mặt trên vẫn giữ nguyên để chờ cơ hội đầu tư chứ không chia thêm cổ tức cho cổ đông”.

 

Đứng cuối top 5 công ty chứng khoán có lượng tiền mặt trên 1.000 tỷ đồng là Công ty cổ phần chứng khoán FPT (FPTS), đang giữ 1.159 tỷ đồng, giảm 36 tỷ đồng so với đầu kỳ, trong đó, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhỏ hơn 3 tháng chiếm tới 594 tỷ đồng. Trong số tiền mặt mà FPTS có, tiền ký quỹ của nhà đầu tư tới 521 tỷ đồng. Số nợ phải trả mà FPTS đang gánh là hơn 500 tỷ đồng.

 

Lợi nhuận sau thuế quý  II giảm 49% so với cùng kỳ vì công ty thực hiên chính sách giảm mạnh phí môi giới cho khách hàng giao dịch qua Internet. Dịch vụ tư vấn giảm, đồng thời lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng cũng đi xuống.

 

“Vua” tiền mặt, vay nợ nghìn tỷ ảnh 1

Doanh nghiệp chứng khoán là đơn vị có lượng tiền mặt dồi dào nhất. Ảnh: PV

 

Công ty Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) không nằm trong danh sách nghìn tỷ, số tiền mặt 960 tỷ giảm 0,07% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán chiếm đa số (gần 430 tỷ đồng) và một phần rất nhỏ là tiền gửi bù trừ giao dịch chứng khoán. Còn lại hơn 370 tỷ đồng tiền mặt đang được Công ty gửi ngân hàng. Quý II vừa qua, công ty tăng lãi hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 70 tỷ đồng. Nghiệp vụ chính là môi giới và tự doanh vẫn đóng góp chính trong cơ cấu doanh thu với hơn 36 tỷ đồng. Gần 40 tỷ đồng còn lại là doanh thu từ lãi tiền gửi, cổ tức hay cho vay ký quỹ. Hiện VNDirect không có khoản vay, nợ ngắn hạn.

 

Tổng giám đốc Chứng khoán VNDirect – ông Nguyễn Hoàng Giang nhận định, đặc thù của các công ty chứng khoán là lúc nào cũng phải nhiều tiền mặt, nhằm đảm bảo thanh khoản cho nhà đầu tư trong trường hợp thị trường xảy ra biến động bất ngờ.

Ngoài ra, “công ty chứng khoán dư giả tiền mặt mới đáp ứng đủ nhu cầu đối với nhà đầu tư về cho vay ký quỹ. Những doanh nghiệp ít tiền mặt hơn thường gặp vấn đề về thanh khoản. Hơn nữa, chuyện vay tiền chơi chứng khoán ở Việt Nam vẫn thuộc diện không được khuyến khích nên việc doanh nghiệp nắm nhiều tiền mặt vẫn bảo đảm hơn”, ông Giang giải thích.

Trong khi đó, ông Mai Vũ Thảo, Giám đốc quản lý danh mục Công ty chứng khoán Đông Á cho hay, để biết một doanh nghiệp tích trữ lượng tiền mặt nhiều là tốt hay xấu, nhà đầu tư phải xét đến một vài yếu tố. Thứ nhất là xét tới ngành nghề kinh doanh, nếu kinh doanh tiền mà để tiền mặt nhiều nhìn chung là không tốt. Thứ hai phải xét trên góc độ thời điểm, nếu kinh tế đang trong thời suy thoái tiền mặt nhiều sẽ tốt, ngượi lại, nếu trong thời kinh tế hưng thịnh tài sản là tốt hơn. Cuối cùng là xét tỷ lệ thanh toán tức thời, nếu tiền nhiều nhưng nợ tới hạn cũng nhiều, thực sự doanh nghiệp đó không có gì ấn tượng. Như vậy, việc trữ tiền mặt ở doanh nghiệp chưa hẳn đã tốt nếu đơn vị không có kế hoạch đầu tư để gia tăng lượng tiền trong thời gian tới. Riêng đối với các công ty chứng khoán, lượng tiền mặt mà các công ty này đang giữ nếu đa số là tiền gửi của nhà đầu tư thì tính ra lượng tiền mặt trên không được tính là nhiều.