“Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn xoay chuyển cục diện

0:00 / 0:00
0:00

Các thương hiệu xa xỉ rời trung tâm thương mại để mở cửa hàng flagship và sự thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng buộc “vua phân phối hàng hiệu”- Tập đoàn IPPG - phải thay đổi chiến lược.

Sẽ có thêm 6 thương hiệu trong top 10 thương hiệu xa xỉ nhất thế giới xuất hiện tại Tràng Tiền Plaza, trong chiến lược của IPPG.

Sẽ có thêm 6 thương hiệu trong top 10 thương hiệu xa xỉ nhất thế giới xuất hiện tại Tràng Tiền Plaza, trong chiến lược của IPPG.

Kịch bản xoay chuyển

Sau gần 2 năm, Savills Hà Nội cũng kiếm được mặt bằng ưng ý cho hai cửa hàng flagship (cửa hàng lớn nhất và hiện đại nhất trong chuỗi bán lẻ) đầu tiên của Louis Vuitton và Christian Dior. Tòa nhà International Centre đã được chọn, trong đó, Louis Vuitton chiếm 1.000 m2 và Christian Dior có hơn 500 m2. Đây là vị trí đắc địa tại khu vực quận trung tâm Hà Nội, nơi quy tụ nhiều thương hiệu xa xỉ như Prada, Hermès, Gucci, Patek Philippe, Hublot, Christian Louboutin, Mont Blanc, Cartier, Hugo Boss, Bottega, Kenzo, Valentino…

Trước đó, Louis Vuitton và Christian Dior có mặt trong trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza. Với hơn 30 năm kinh nghiệm phát triển thị trường bán lẻ hàng hiệu tại Việt Nam, việc hai thương hiệu này rời Tràng Tiền Plaza chọn tòa nhà International Centre để đứng độc lập là kịch bản mà “ông vua” phân phối hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPPG đã tính đến.

IPPG là nhà phân phối hơn 108 thương hiệu đẳng cấp tại Việt Nam và Tràng Tiền Plaza là một trung tâm thương mại đẳng cấp, sang trọng. Tuy nhiên, để đem lại sự mới mẻ, đa dạng hàng hóa, thương hiệu cho khách hàng khi mua sắm tại trung tâm, IPPG luôn có chiến lược quy hoạch lại mục tiêu.

“Việc Louis Vuitton và Christian Dior dời ra tòa nhà riêng là cơ hội cho Tràng Tiền Plaza có thêm nhiều thương hiệu đẳng cấp tham gia mở cửa kinh doanh phù hợp với xu thế tiêu dùng phát triển của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng”, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPPG chia sẻ.

Bà Thủy Tiên tiết lộ, sẽ có 6 thương hiệu nằm trong top 10 thương hiệu xa xỉ nhất thế giới thế chỗ Louis Vuitton và Christian Dior. Tràng Tiền Plaza sẽ hiện đại hơn, sắc màu hơn và đa dạng thương hiệu, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng trong thời gian tới.

“Tay chơi” bất bại

Trở lại với Louis Vuitton và Christian Dior, dù được xem là “viên kim cương sáng giá nhất” trong chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhưng mô hình flagship đang dần mất đi giá trị trong cuộc khủng hoảng Covid-19 trên toàn cầu. Hiện nó không còn là nguồn thu hút lợi nhuận hiệu quả cho các thương hiệu xa xỉ trên toàn cầu nữa.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng cho rằng, Louis Vuitton và Christian Dior rời Tràng Tiền Plaza đầu tư mặt bằng làm cửa hàng flagship đầu tiên ở Việt Nam là động thái chứng minh tiềm năng tiêu thụ hàng xa xỉ của thị trường. Các cửa hàng flagship được thiết kế và bày biện sang trọng, thể hiện sự xa xỉ của những thương hiệu hàng đầu thế giới; được xây dựng để hướng đến đối tượng khách du lịch và tham quan nghỉ dưỡng mà không hoàn toàn phục vụ khách hàng trong nước.

Động thái trên làm dấy lên nhiều nghi ngại rằng, IPPG sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cùng ngành. Tuy nhiên, IPPG đang tỏ rõ là tay chơi “bất bại” trên thị trường này nhờ 4 yếu tố.

Đầu tiên, IPPG là tên tuổi tiên phong kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam. Sau hơn 15 năm tham gia thị trường, doanh số hằng năm của phân khúc hàng cao cấp đều tăng trưởng hai con số và danh sách khách hàng VIP của Tập đoàn hàng năm đều tăng trưởng 3 con số.

Trong các thương hiệu mà IPPG đưa vào Việt Nam, có tới 70% nằm trong top các thương hiệu nổi tiếng đẳng cấp và có thị phần tăng trưởng kinh doanh khá cao trên thế giới, trong đó, doanh số tăng trưởng đóng góp tại Việt Nam cũng rất đáng nể.

Đặc biệt, điều khiến ông chủ của IPPG tự tin nhất trong cuộc chơi phân phối hàng xa xỉ, cao cấp là sở hữu trong tay đặc quyền thương lượng tay đôi với các thương hiệu về chính sách phân phối độc quyền, tỷ lệ chiết khấu, hỗ trợ marketing/đầu tư... Đặc biệt, việc có được giá bán bằng giá tại nước xuất xứ thương hiệu và chọn lựa ngành hàng, sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt đã khiến IPPG có cơ hội chiếm thế thượng phong trên thị trường.

Việc phân phối thành công hơn 108 thương hiệu cũng là một lợi thế để các thương hiệu mới tự tìm đến IPPG và tập đoàn này có thể chọn lựa đối tượng phù hợp để phát triển danh mục thương hiệu đúng với định hướng phát triển kinh doanh.

Ngoài ra, theo các mô hình bán lẻ phân khúc cao cấp, ngay từ đầu, IPPG không tìm kiếm hướng khai thác lợi nhuận của mình bằng việc mở quá nhiều cửa hàng, mà chỉ tập trung ở những địa bàn đắc địa.

Một trong những điểm thiết yếu trong nhượng quyền thương hiệu là tìm được mặt bằng tốt... và lợi thế tuyệt đối của IPPG là được giao vận hành và khai thác hai khu trung tâm thương mại cao cấp ở vị trí đắc địa là Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội và REX Arcade tại TP.HCM.

Định vị lại nhu cầu khách hàng

Thị trường hàng xa xỉ vẫn luôn là thỏi nam châm thu hút nhiều đối tượng khách hàng. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng nhanh chóng và đang ở giai đoạn thay đổi quyết định. Savills Việt Nam nhận định, GDP bình quân đầu người hiện ở mức 3.000 USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Việt Nam rất lớn.

Đặc biệt, lượng khách hàng trẻ tuổi am hiểu công nghệ đang ngày càng gia tăng. Đây cũng là đối tượng số một mà các thương hiệu đẳng cấp tập trung nhắm đến. Theo đó, các thương hiệu cũng đã thay đổi phương thức quảng cáo tiếp cận “thượng đế công nghệ” từ phương thức trực tiếp (offline) sang trực tiếp (online) và kỹ thuật số (digital) theo hướng sang chảnh cao cấp.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, giới trẻ lại càng có nhiều cơ hội để tìm hiểu thương hiệu, nhìn ngắm các sản phẩm qua sự hiện diện của những người nổi tiếng (KOL, diễn viên, người mẫu) trên các mạng xã hội. Đối tượng này rất tò mò muốn tìm đến cửa hàng để tương tác và chắc chắn sẽ yêu thích thương hiệu ngay khi tiếp cận.

Theo khảo sát của Luxury Institute, một sản phẩm xa xỉ không chỉ được xem như một món hàng chất lượng cao, mà còn thể hiện đẳng cấp của người dùng, thậm chí được coi là một di sản để lại cho đời sau. Tuy nhiên, thế hệ millennials (sinh từ năm 1980 đến 1994) và thế hệ Z (sinh năm 1995 về sau) lại quan tâm đến những điều thiết thực hơn như chất lượng dịch vụ, thiết kế tay nghề, tính khan hiếm của sản phẩm... hơn hẳn giá trị di sản của thương hiệu.

Theo Forbes, lực lượng millennials sành công nghệ đang đóng góp 35% giá trị tiêu dùng của ngành hàng xa xỉ. Con đường nhanh nhất để chạm tới họ là thế giới mạng, vì vậy, các nhãn hàng cao cấp bắt đầu đưa sản phẩm lên bán ở kênh online, nhưng với ngành hàng xa xỉ, các cửa hàng thực vẫn đóng vai trò quan trọng.

Theo báo cáo mới nhất về tình hình ngành thời trang năm 2020 (The state of fashion 2020) của McKinsey, 85% khách hàng tiếp cận sản phẩm cao cấp thông qua các kênh trực tuyến và ngoại tuyến trong năm 2019, cao hơn so với mức 80% của năm 2017. Có đến 75% quyết định mua hàng được dẫn lối bởi Internet, dù chỉ có 25% giao dịch được thực hiện trực tuyến.

IPPG cũng không nằm ngoài xu hướng chung này. Hiện hơn 60% ngân sách marketing của IPPG được sử dụng qua các kênh quảng cáo trực tuyến. Ngoài ra, chiến lược kinh doanh của Tập đoàn cũng đang nhắm đến các kênh bán hàng trực tuyến qua trò chuyện và email trực tiếp; sử dụng big data để phân tích sở thích của khách hàng nhằm giới thiệu và cập nhật các sản phẩm hot nhất, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu cho từng đối tượng khách hàng tiềm năng.

Riêng đối với các thương hiệu thời trang trung cấp, IPPG đã tung ra website bán hàng trực tuyến để bắt kịp xu hướng công nghệ, mua sắm trực tuyến hiện nay của giới trẻ và người tiêu dùng hiểu biết. Sắp tới, website bán hàng trực tuyến đối với thương hiệu thời trang cao cấp cũng sẽ ra mắt, song đây là kênh trực tuyến quảng cáo cho các sản phẩm hàng cao cấp, nên vẫn phải tập trung đầu tư và đào tạo nhân sự tư vấn chuyên nghiệp tại các cửa hàng truyền thống để khách hàng có thể trải nghiệm việc mua sắm tại cửa hàng sang trọng một cách đặc biệt nhất.

“Chúng tôi luôn cố gắng duy trì mức tăng trưởng bình quân doanh thu hàng năm của ngành hàng phân phối thương hiệu cao cấp là khoảng 15 - 20%. Riêng trong năm nay, tất cả ngành khác khó khăn vì Covid-19, nhưng mảng kinh doanh hàng hiệu cao cấp của IPPG lại trái ngược”, bà Thủy Tiên cho biết.

Cụ thể, IPPG đã triển khai bán hàng qua hệ thống trực tuyến, khách hàng có thể mua hàng hiệu online và được phục vụ ngay tại nhà. Nhờ đó, doanh số của IPPG tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước.

Năm 2021, IPPG dự kiến duy trì ở mức tối thiểu chỉ số tăng trưởng doanh thu bình quân này. Để đạt được kết quả đó, IPPG sẽ mở một trung tâm bán hàng giảm giá cao cấp (premium factory outlet). Theo quy định, sau khi mở được hơn 3 cửa hàng thương hiệu cao cấp, IPPG sẽ được mở 1 cửa hàng factory outlet. Với lợi thế sở hữu hơn 100 thương hiệu, đây sẽ là một factory outlet đầu tiên và lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, IPPG vẫn tiếp tục phát triển mở rộng hệ thống thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ. “Chúng tôi sẽ không ngừng bứt phá mọi giới hạn để trở thành tập đoàn bán lẻ thời trang hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực để người tiêu dùng luôn được tiếp cận những trải nghiệm đẳng cấp quốc tế”, bà Thủy Tiên cho biết.

Tin bài liên quan