Cụ thể, BlackBerry đang phải đối mặt với vụ kiện trị giá 20 triệu CAD (gần 15 triệu USD) từ 300 nhân viên của mình. Những người này tố cáo rằng, BlackBerry đã thuyên chuyển họ sang làm cho chi nhánh của Ford tại Canada mà không có khoản bồi thường hợp lệ.
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, sau khi tuyên bố “khai tử” mảng sản xuất điện thoại, BlackBerry cho biết sẽ hợp tác cùng Ford để phát triển phần mềm tự lái, dùng cho thế hệ xe tự lái đầu tiên của Ford dành cho thị trường đại chúng. Với thỏa thuận này, BlackBerry đã thành lập một nhóm kỹ sư nhằm giúp Ford tích hợp một loạt phần mềm của BlackBerry, bao gồm cả hệ điều hành QNX Neutrino, công nghệ bảo mật Certicom, phần mềm xử lý âm thanh... vào các mẫu xe Ford trong tương lai.
Ngoài việc giúp Ford tận dụng các phần mềm hiện tại, thỏa thuận này được cho là có thể giúp BlackBerry có "một chân" trong kế hoạch phát triển xe tự lái cho tương lai của Ford, đồng thời có cơ hội cho những cái bắt tay tương tự với các hãng sản xuất xe tự lái khác. Thương vụ này cũng tạo điều kiện để BlackBerry nhanh chóng hoàn tất quá trình chuyển đổi từ một công ty phần cứng sang một công ty phần mềm.
Song, mới nhập cuộc chưa lâu, nội bộ BlackBerry đã bắt đầu xuất hiện những trục trặc về nhân sự. Hồi tháng 2 năm nay, Công ty Luật Ottawa Nelligan O'Brien Payne đã đệ trình lên Tòa án tối cao Ontario (Canada) về vụ kiện tập thể, thay mặt cho khoảng 300 nhân viên của BlackBerry đã được thuyên chuyển việc làm sang Công ty Ford sau khi hai công ty này ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển phần mềm xe tự lái.
Theo đơn kiện, những nhân viên này đã được BlackBerry đề nghị chuyển sang làm việc tại Ford. Song, BlackBerry và Ford đều tuyên bố thỏa thuận giữa hai công ty không phải là bán doanh nghiệp, do đó, số năm phục vụ tại BlackBerry của những nhân viên này, cùng các khoản trợ cấp thôi việc sẽ không được tính đến khi họ chuyển sang Ford. Các nhân viên cũng được yêu cầu ký tên vào các “Đơn xin từ chức”.
John Chen, Giám đốc điều hành (CEO) của BlackBerry, đã lên tiếng chia sẻ với các nhân viên rằng, ông có “cảm xúc lẫn lộn” về thỏa thuận này và xin lỗi vì “BlackBerry phải mất đi những đồng nghiệp tài năng và trung thành”, song cũng rất vui vì đã thương lượng được việc làm thay thế cho họ.
BlackBerry đã lên tiếng phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, nhưng các nhân viên cho rằng, Công ty đã cố ý lừa đảo và đang đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại.
Người đại diện cho 300 nhân viên trong vụ kiện này là David Parker, một người đã làm việc tại BlackBerry 14 năm trước khi bị chuyển sang Ford hồi tháng 1 năm nay.
“Parker tin rằng mình không còn lựa chọn nào khác, quyết định của ông ấy không phải là tự nguyện”, đơn kiện nhấn mạnh, đồng thời trích dẫn lịch sử sa thải nhân sự của BlackBerry. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2013, BlackBerry đã cắt bỏ tới 11.500 việc làm.
Parker cho biết, sau khi chấp nhận đề nghị thuyên chuyển của BlackBerry, ông mới biết rằng mình sẽ mất trọn số năm công tác trong vụ chuyển nhượng này, đồng thời không nhận được khoản trợ cấp nào.
Tương tự, các nhân viên còn lại cũng cho rằng, BlackBerry đã sắp xếp để chuyển họ sang Ford, sau đó thông báo rằng chính họ đã quyết định từ chức bằng cách chấp nhận công việc mới của họ tại Ford.
Nguyên đơn cho rằng, hành động của BlackBerry thực chất là hành động chấm dứt hợp đồng lao động, do đó, họ có quyền được hưởng các quyền lợi của mình theo đúng luật pháp khi bị cắt đứt hợp đồng. Theo đó, BlackBerry nhận được yêu cầu phải thanh toán đầy đủ các khoản trợ cấp, hoặc phải bồi thường khoản tiền lên đến 20 triệu CAD (15 triệu USD) cho các nhân viên này.
Sau khi vụ kiện xảy ra, BlackBerry đã gửi email tới 300 nhân viên trong vụ thuyên chuyển nói rằng, họ không cần phải nộp lại các “Đơn xin từ chức”. Công ty cũng đã liên lạc với Parker để thảo luận về các cơ hội trở lại BlackBerry, nhưng đã bị từ chối và bị quy kết là hành động mua chuộc.
Hiện tại, vẫn chưa có cáo buộc nào được chứng minh tại tòa án. BlackBerry vẫn duy trì việc tuân thủ các nghĩa vụ đối với nhân viên của mình. Khi được đề nghị nêu ý kiến về các cáo buộc cụ thể trong tuyên bố khiếu nại, phát ngôn viên Sarah McKinney đã lặp lại tuyên bố trước đó của BlackBerry về vấn đề này: “Chúng tôi tin rằng, những tuyên bố này là thiếu cơ sở và chúng tôi sẽ phản kháng một cách mạnh mẽ”.
Mặc dù vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết, song những cáo buộc này rõ ràng đã ít nhiều làm xấu đi hình ảnh của
Blackberry, ngay khi hãng này vẫn đang loay hoay tìm hướng đi mới sau khi “thời đại hoàng kim” của chiếc điện thoại bàn phím Qwerty đình đám đã "một đi không trở lại".