Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng chúng ta đang giảm thuế để hỗ trợ phục hồi thì không nên mở rộng đối tượng chịu thuế.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng chúng ta đang giảm thuế để hỗ trợ phục hồi thì không nên mở rộng đối tượng chịu thuế.

Vừa đề xuất giảm VAT 2% vừa mở rộng đối tượng nộp thuế là không hợp lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh) khi góp ý vào nội dung bổ sung một số nhóm đối tượng chịu thuế tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) mà Chính phủ đang trình Quốc hội.

Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT, VAT (sửa đổi). Trong đó, nội dung sửa đổi danh mục đối tượng chịu thuế được nhiều đại biểu tham gia thảo luận.

Trước đó, sáng 17/6, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm bao quát nguồn thu, mở rộng cơ sở thu ngân sách trong bối cảnh GDP không đạt kỳ vọng và không điều chỉnh tăng mức thuế suất GTGT; đồng thời khắc phục các bất cập, chồng chéo phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT 2013.

Theo đó, dự thảo Luật giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa khấu trừ thuế nhưng có 12 nhóm hàng hóa và dịch vụ được đưa sang diện chịu thuế; bao gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên...

Để doanh nghiệp được khấu trừ thuế nhưng không gây áp lực cho sản phẩm đầu vào

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ cân nhắc việc bổ sung một số nhóm đối tượng chịu thuế như dự thảo Luật.

Theo đại biểu, hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tức là đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (hiện đang đề xuất gia hạn giảm thuế GTGT 2% cho đến cuối năm 2024) đồng thời áp dụng những biện pháp kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025 để đảm bảo tốc độ tăng trưởng mục tiêu.

Việc sửa đổi Luật Thuế GTGT theo hướng đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất như dự thảo Luật sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này bị giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát lên các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

"Việc thiết kế hai chính sách này (vừa đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% vừa mở rộng đối tượng thu thuế VAT) rất dễ gây xung đột chính sách và làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa mở rộng đang thực hiện", ông Tuấn lưu ý.

Vì vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp thì cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý sao cho doanh nghiệp được khấu trừ thuế nhưng không gây áp lực cho sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra, đồng thời vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng hiệu lực, hiệu quả.

"Từ nay đến cuối năm 2025, chúng ta cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chính sách tài khóa còn dư địa rất nhiều. Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ sửa đổi danh sách đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp với từng điều kiện tình hình thực tế", đại biểu đề nghị.

Áp VAT 5% cho phân bón: Cần đánh giá kỹ tác động

Trong số những đối tượng bị thay đổi diện nộp thuế VAT, Chính phủ đề xuất đưa phân bón, máy móc nông nghiệp, tàu đánh bắt hải sản xa bờ... vào danh mục hàng hoá chịu thuế VAT mức 5%, thay vì không chịu thuế hiện hành. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định này.

Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) nhận thấy việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết song cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Vì phân bón là một trong những hàng hóa thiết yếu, đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang)

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang)

Từ đó, ông Tú đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhiều mặt, đánh giá tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như phía người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Tương tự, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc đánh giá tác động việc áp thuế VAT 5% đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; vì sẽ tác động đến nông dân, ngư dân trong việc sản xuất nông nghiệp và ngư dân, ngư nghiệp đang vươn khơi bám biển.

Cùng quan điểm, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho biết, sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế GTGT theo hướng giữ nguyên phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 0%.

Dẫn giải quan điểm này, vị đại biểu cho hay, nếu Luật vẫn giữ mức VAT 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng. Còn nếu dự thảo Luật áp dụng VAT 0% thì sẽ có khoảng 2.000 tỷ đồng được hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân giảm chi phí đầu vào, thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách.

Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng)

Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng)

Bên cạnh đó, đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo xu thế và khuyến cáo, hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Bên cạnh giá phân bón vô cơ diễn biến phức tạp, thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ kép.

Vì vậy, đại biểu nhận thấy, nếu dự thảo Luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì sẽ tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.

Tương tự, đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) cũng đề nghị Chính phủ xem xét chưa áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón.

Tại Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội, tại điểm b, khoản 2 Điều 9 quy định mức thuế suất 5% đối với phân bón. Chính phủ lý giải là nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Bởi theo Luật Thuế GTGT hiện hành, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế, doanh nghiệp không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho cạnh tranh với phân bón nhập khẩu; khó khăn về nguồn vốn khiến doanh nghiệp không đủ chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.

Về vấn đề này, đại biểu Khương Thị Mào cho rằng bản chất thuế GTGT là thuế gián thu có tính trung lập, tính kinh tế cao thể hiện ở 2 khía cạnh: thứ nhất, thuế GTGT không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế, thứ hai, thuế GTGT không bị ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức và phân chia quá trình sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái)

Đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái)

Do vậy, đại biểu đoàn Yên Bái nhận định, thuế này không phải là yếu tố của chi phí sản xuất mà đơn thuần là khoản thu được cộng thêm vào giá bán của người cung cấp dịch vụ.

Mặt khác, theo quy định của Luật giá, phân bón thuộc danh mục hàng hoá bình ổn giá, do đó cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ với người tiêu dùng.

Theo đại biểu, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi muốn ưu đãi đối với lĩnh vực nào đó sẽ có 2 phương án: đưa vào diện không chịu thuế hoặc áp dụng thuế 0%. Trong tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng, đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón.

Đề xuất giữ nguyên VAT 0% với phân bón nhưng doanh nghiệp phân bón được khấu trừ thuế đầu vào

Đóng góp ý kiến cho nội dung trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, cần có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở cả hai góc độ.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh)

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh)

Một là, nhìn từ góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hai là tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào để Quốc hội xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.

Từ đó, đại biểu đề xuất không tăng thuế suất GTGT đối với mặt hàng phân bón, nhưng cần bổ sung doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước là đối tượng được khấu trừ đầu vào đối với thuế này.

Tin bài liên quan