Sức bật từ tư nhân hóa
Tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa từ năm 2005, C47 ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, giữ vững vị thế là một trong những đơn vị hàng đầu cả nước trong lĩnh vực thi công các công trình đập thủy điện, thủy lợi.
Nói đến sự phát triển thần tốc của ngành thủy điện Việt Nam trong suốt hai thập kỷ qua không thể không nhắc đến C47. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia được giao cho C47 thi công như Thủy điện Ialy (công suất 720MW, nhà máy thủy điện lớn nhất ở miền Trung, Tây Nguyên hiện nay), 2 nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn và Sông Hinh (VSH), nhà máy Thủy điện A Lưới (CHP), Thủy điện Đa Nhim, Sông Ba Hạ, Đồng Nai 4, Serepok 4A, Sông Bung 5, được các cơ quan ban ngành đánh giá cao về tiến độ và chất lượng thi công. C47 cũng ghi dấu ấn trong lĩnh vực thi công công trình thủy lợi với một loạt công trình tiêu biểu tại miền Trung và Tây Nguyên như hồ Núi Một, hồ Định Bình, Thuận Ninh, kênh dẫn nước Phước Hòa.
Nhờ coi trọng công tác quản lý chất lượng, liên tục ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thi công xây dựng và đầu tư nhiều thiết bị thi công cơ giới hiện đại, chuyên dụng, C47 đã có thể cạnh tranh với nhiều “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là Tổng công ty Sông Đà về năng lực đấu thầu tất cả các hạng mục trong các công trình thủy điện, thủy lợi trọng điểm quốc gia.
Năm 2016 đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của C47 khi trở thành nhà thầu nội duy nhất có khả năng tự chủ thiết bị và vận hành công nghệ đào hầm bằng TBM tiên tiến nhất hiện nay. Với năng lực vượt trội trong lĩnh vực đào hầm, C47 đã được nhiều nhà đầu tư thủy điện, thủy lợi phong cho biệt danh“vua đào hầm”.
Nỗ lực tái cơ cấu tài chính
Với năng lực thi công và uy tín trong ngành, mới đây, C47 đã được CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VHS) chỉ định làm nhà thầu chính trong liên doanh C47 – Robbins, tiếp tục thực hiện gói thầu thi công đường hầm dẫn nước trị giá lên đến gần 1.400 tỷ đồng tại Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum. Trước đó, tại dự án này, nhà thầu Huadong đến từ Trung Quốc đã trúng thầu, nhưng tiến độ thi công quá chậm, khiến chủ đầu tư VSH chịu nhiều tổn thất do vốn đầu tư bị đội lên.
Bên cạnh đó, C47 cũng đang thi công gói thầu xây dựng toàn bộ phần công trình chính của Thủy điện Trung Sơn, giá trị lên đến gần 3.000 tỷ đồng; công trình thủy lợi Nước Trong trị giá trên 1.000 tỷ đồng; gần đây nhất là dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim với gói thầu trên 700 tỷ đồng.
Việc liên tục nhận được những dự án lớn đòi hỏi C47 phải sử dụng nguồn vốn rất lớn. Tính đến 30/6/2016, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của C47 lên đến 1.135 tỷ đồng, gần gấp 4 lần vốn chủ sở hữu của Công ty. Nguồn vốn kinh doanh phụ thuộc nhiều vào vốn vay đã tạo áp lực trả nợ và lãi vay hàng năm rất lớn cho C47. Do đó, ngay từ đầu năm nay, Ban lãnh đạo C47 đã đặt ra mục tiêu cấp thiết là tái cơ cấu tình hình tài chính của Công ty. Cụ thể, trong năm 2016, C47 có kế hoạch tăng vốn thêm 67% thông qua việc phát hành 2,4 triệu cổ phiếu để chi thưởng và trả cổ tức, phát hành 600.000 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá và đấu giá công khai 5 triệu cổ phiếu với mức giá khởi điểm là 12.000 đồng/CP. Nếu kế hoạch phát hành thành công, vốn điều lệ của C47 sẽ tăng từ 120 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Kể từ khi niêm yết đến nay, C47 mới thực hiện tăng vốn một lần bằng hình thức phát hành thêm cổ phiếu vào năm 2015.
Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, nếu việc huy động vốn qua phát hành cổ phiếu thành công sẽ giúp C47 giảm mạnh chi phí lãi vay cũng như giảm được áp lực lên dòng tiền cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
Năm 2016, C47 đặt kế hoạch doanh thu 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận 40 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm (mùa thấp điểm của hoạt động xây lắp), Công ty vẫn đạt kết quả tích cực với doanh thu hợp nhất gần 730 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015 và lợi nhuận sau thuế gần 14 tỷ đồng, tăng 17,22% so với cùng kỳ.