Sau khi hồi phục trong phiên thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp được công bố, phố Wall đã nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh trong phiên thứ Tư cũng bởi kết quả kinh doanh thất vọng.
Theo đó, Tencent của Trung Quốc đã báo cáo mức lợi nhuận giảm đầu tiên trong 13 năm, gây áp lực lên nhóm cổ phiếu công nghệ của Mỹ, kéo Nasdaq giảm hơn 1,2%. Ngoài ra, lo ngại về cuộc chiến thương mại cũng làm giới đầu tư thêm lo lắng và khiến phố S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 6.
Trong một động thái đáp trả, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã quyết định tăng gấp đôi mức thuế đối với một số hàng nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc đã khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới về chính sách thương mại của Mỹ.
Bên cạnh đó, việc giá các kim loại và giá dầu thô lao dốc cũng kéo nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và năng lượng lao dốc theo cũng ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 15/8, chỉ số Dow Jones giảm 137,51 điểm (-0,54%), xuống 25.162,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 21,59 điểm (-0,76%), xuống 2.818,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 91,78 điểm (-1,23%), xuống 7.774,12 điểm.
Tương tự, việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp đôi thuế nhập khẩu với một số mặt hàng của Mỹ để đáp trả lại việc chính quyền Tổng thống Trump áp thuế với nhôm, thép nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến giới đầu tư châu Âu hoảng sợ.
Bên cạnh đó, giá kim loại, dầu thô lao dốc cũng góp phần vào đà lao dốc mạnh của chứng khoán châu Âu trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 15/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 113,77 điểm (-1,49%), xuống 7.497,87 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 195,86 điểm (-1,58%), xuống 12.163,01 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 98,18 điểm (-1,82%), xuống 5.305,22 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhanh chóng đảo chiều giảm điểm trong phiên thứ Tư sau phiên hồi phục mạnh trước đó, nhưng đà giảm cũng được hãm bớt nhờ đồng yên yếu. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại lao dốc khi nỗi lo về cuộc chiến thương mại leo thang và dữ liệu kinh tế chững lại được công bố trước đó. Thêm nữa, đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng càng thêm nỗi lo cho giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Những lo ngại từ đại lục cũng khiến chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh theo và là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của thị trường này.
Kết thúc phiên 15/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 151,86 điểm (-0,68%), xuống 22.204,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 429,34 điểm (-1,55%), xuống 27.323,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 57,71 điểm (-2,08%), xuống 2.723,26 điểm.
Trong phiên thứ Tư, sau khi leo lên mức cao nhất 14 tháng, đồng USD đã hạ nhiệt trở lại, trong khi đồng euro tăng nhẹ sau tin tức Qatar cam kết đầu tư 15 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, giảm lo lắng về sự sụp đổ của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Dù đồng USD hạ nhiệt, nhưng do lo ngại về sự suy thoái của Trung Quốc, cũng là thị trường tiêu thụ kim loại lớn nhất nhì thế giới, cùng với nỗi lo về cuộc chiến thương mại lan rộng, nên giá vàng và dầu thô đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 15/8, giá vàng giao ngay giảm 19 USD (-1,59%), xuống 1.174,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 15,7 USD/ounce (-1,31%), xuống 1.185,0 USD/ounce.
Tương tự giá vàng, nỗi lo về cuộc chiến thương mại và sự suy thoái của Trung Quốc cũng khiến giá dầu thô lao dốc trong phiên thứ Tư với giá dầu thô Mỹ xuống mức thấp nhất 7 tuần.
Kết thúc phiên 15/8, giá dầu thô Mỹ giảm 2,03 USD (-3,12%), xuống 65,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,7 USD (-2,40%), xuống 70,76 USD/thùng.