Bị cáo Nguyễn Văn Cán trình bày, bị cáo có biết bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng 79 có quan hệ với lãnh đạo thành phố, nhưng thân thiết như thế nào thì không biết.
“Chủ yếu là có quan hệ chỗ ông Nguyễn Bá Thanh”, bị cáo nói.
Tại Dự án Khu dân cư An Cư 2 mở rộng và Khu dân cư An Cư 3 mở rộng, diện tích 13.088,17 m2, Công ty TNHH Minh Hưng Phát của Phan Văn Anh Vũ được giao quyền sử dụng không qua đấu giá.
Bị cáo Nguyễn Văn Cán khai, bị cáo biết đúng theo quy định thì khu đất này phải đấu giá. Tuy nhiên, do có chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Văn Minh nên phải thực hiện.
Bị cáo khai: "Tại cuộc họp giao ban ngày 5/1/2009, Phan Xuân Ít, nguyên Chánh văn phòng UBND TP. Đà Nẵng trình văn bản đề nghị bán trực tiếp, Chủ tịch Trần Văn Minh hỏi vì sao? Phan Xuân Ít trả lời: Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh.
Sau cuộc họp giao ban, tôi có gặp ông Trần Văn Minh nói trăn trở của tôi, ông Minh nói ông Nguyễn Bá Thanh bảo: cứ thế làm đi, đất đó bây giờ đem đấu giá lúc nào bán được, ai mua".
Bị cáo Nguyễn Văn Cán thừa nhận, bị cáo biết sự chỉ đạo như trên là sai, nhưng vẫn thực hiện vì đó là chỉ đạo của lãnh đạo, phải chấp hành. Bị cáo khai, đó là chỉ đạo miệng, không có văn bản, không nhận chỉ đạo trực tiếp từ ông Nguyễn Bá Thanh.
Bị cáo không hành động vì lợi ích cá nhân, không được hưởng lợi ích gì.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, CTCP Công nghệ phẩm Đà Nẵng khai, nhận được điện thoại của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh gợi ý bán nhà cho Phan Văn Anh Vũ.
Theo bị cáo trình bày, sau khi CTCP Công nghệ phẩm Đà Nẵng cổ phần hóa, bị cáo Lộc làm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty. Khi UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương bán nhà đất công sản cho người đang thuê, thì các doanh nghiệp đều biết. Thấy việc này có lợi, CTCP Công nghệ phẩm Đà Nẵng đã làm đơn xin mua 4 cơ sở nhưng chỉ được giải quyết 2 cơ sở là nhà số 57 Lê Duẩn và 37 Pasteur.
“Khi Công ty được giải quyết cho mua 2 cơ sở nhà đất, thì ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và ông Chủ tịch UBND Thành phố Trần Văn Minh có gọi bảo: Cái nào không dùng thì bán cho Phan Văn Anh Vũ, giám đốc một công ty của Bộ Công an. Khi này tôi mới biết Vũ. Tiếp đó, Vũ gọi điện cho tôi gặp nhau".
"Khi gặp, Phan Văn Anh Vũ đề nghị mua cả 2 cơ sở nhà đất, nhưng tôi không đồng ý, vì cơ sở Lê Duẩn đang dùng làm trụ sở, chỉ có thể nhượng lại cơ sở ở 37 Pasteur. Hai bên thỏa thuận CTCP Xây dựng 79 của Vũ mua lại tài sản trên đất ở 37 Pasteur, sau đó, Công ty sẽ ký một số công văn giấy tờ để vũ mua đất, hợp thức thủ tục".
"Tiền mua Vũ trực tiếp nộp cho Nhà nước, Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng được trả hơn 1 tỷ đồng, bao gồm tiền bán tài sản trên đất và tiền di dời, bảo quản tài sản".
Trong đơn gửi HĐXX và Viện Kiểm sát, bị cáo Lộc đề cập số tiền 837 triệu đồng không phải là tiền bị cáo Vũ đưa thêm bên ngoài, không phải là hoa hồng, mà là lợi nhuận trước thuế của Công ty khi chuyển nhượng tài sản trên đất. Sau khi bán xong, Công ty đã đóng thuế rồi trả lương, bảo hiểm cho nhân viên, cổ tức cho cổ đông...
Bị cáo Lộc thừa nhận, nếu Phan Văn Anh Vũ trực tiếp mua nhà đất công sản, thì không đủ điều kiện được mua. Bị cáo có giúp sức cho bị cáo Vũ mua nhà 37 Pasteur.
Theo cáo buộc, Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và đồng phạm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các quy định về quản lý đất đai, tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà đất công sản và 6/7 dự án đất trên cơ sở tạo cơ hội cho Phan Văn Anh Vũ có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng… nhằm trục lợi. Hậu quả, số tiền Nhà nước bị thiệt hại tại 22 nhà đất công sản và tại 7 dự án là hơn 22.000 tỷ đồng.