Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cho rằng, việc làm này có dấu hiệu hình sự.
Còn theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội), nếu bên cho vay không phải là ngân hàng, mà là một cá nhân, đơn vị khác, chắc chắn không thể có việc tự ý lắp thêm khóa vào nhà con nợ rồi dán giấy niêm phong như VPBank đã làm. Ngân hàng không phải là cơ quan thi hành án.
Thực tế cho thấy, rất nhiều vụ việc đòi nợ, xiết nợ đã trở thành vụ án hình sự theo tội danh Cưỡng đoạt tài sản hay Xâm phạm chỗ ở.
Khi vay nợ ngân hàng, khách hàng thế chấp tài sản nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm này để thu hồi tiền cho vay khi khách hàng không trả được nợ. Tuy nhiên, cụ thể việc xử lý như thế nào thì phải tuân thủ quy định của pháp luật, chứ không thể đương nhiên đến nhà người ta, lắp khóa, dán niêm phong, đuổi chủ nhà ra ngoài.
Nếu khách hàng không trả được nợ, ngân hàng có thể thương lượng, thỏa thuận với chủ hộ để giải quyết, bán tài sản đó để thu hồi nợ. Nếu không đạt được thỏa thuận, ngân hàng có quyền khởi kiện đề nghị tòa án buộc khách hàng phải trả nợ, nếu khách hàng không trả nợ, thì ngân hàng có quyền phát mại tài sản thế chấp.
“Có nhiều thủ tục phải tiến hành nhằm đảm bảo quyền lợi của cả hai bên, chẳng hạn như khi bán phải định giá lại tài sản, chứ không thể đương nhiên thừa nhận định giá của ngân hàng… Chưa kể, nhiều trường hợp nguồn gốc tài sản thế chấp chưa được xác định rõ ràng dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi của người cùng sở hữu tài sản”, luật sư Hoàng Văn Hướng nói.
Theo nhận định của Luật sư Vũ Ngọc Chi, với thông tin ban đầu, thì khách hàng vẫn đang trả nợ cho ngân hàng và bị bất ngờ vì ngân hàng không thông báo trước việc xiết nhà. Có thể là khoản nợ đã bị quá hạn, dẫn đến ngân hàng muốn thu giữ tài sản thế chấp, nhưng dù vậy vẫn phải tuân theo quy trình mà pháp luật đã quy định. Trường hợp này, hai bên đã không đạt được thỏa thuận và chủ nhà bị bất ngờ trước phương án đòi nợ của ngân hàng.
“Trong trường hợp hợp đồng vay tài sản, bên nợ không trả được thì ngân hàng phải đưa ra tòa án để có phán quyết. Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật, mà bên nợ tiếp tục không trả nợ thì mới bán đấu giá tài sản. Nếu bán đấu giá tài sản không được, không ai mua, thì khi đó mới giao tài sản thế chấp cho chủ nợ”, luật sư Vũ Ngọc Chi cho biết.
Ở góc độ khác, Luật sư Hướng còn cho rằng, hành vi xiết nợ nếu không cẩn thận sẽ vi phạm pháp luật hình sự. Với thông tin phản ánh của chủ hộ, thì trong vụ việc này, VPBank đã không thỏa thuận được với khách hàng và cũng không có một phán quyết nào của cơ quan tài phán cho phép VPBank được quyền đề nghị phát mại tài sản bảo đảm.
Luật sư Hướng nhấn mạnh rằng, ngay cả khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án, thì VPBank cũng chỉ được quyền đề nghị cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp chứ không thể tự tiện thu giữ tài sản đó.
“Tôi cho là hành vi này có dấu hiệu hình sự, có thể vi phạm vào tội Cưỡng đoạt tài sản hoặc tội Xâm phạm chỗ ở tùy vào hành vi cụ thể”, luật sư Hướng nói.
Trước đó, ngày 18/3, Báo Lao động đã đăng tải thông tin về việc VPBank cử cán bộ ngân hàng tới căn hộ 1401 tòa nhà 17T2 phố Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội của vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Minh để lắp thêm khóa, dán niêm phong, thu giữ căn hộ nhằm xiết nợ cho ngân hàng.
Được biết, anh Minh thế chấp căn hộ vay VPBank 5 tỷ đồng và đã trả được 1 tỷ đồng nợ lãi và 700 triệu đồng nợ gốc. Khi nợ quá hạn VPBank đã xiết nợ căn hộ thay vì khởi kiện ra Tòa án cấp có thẩm quyền.