Từ ngày 5 - 9/3/2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Vụ án này gắn với 18 lần đường ống nước sạch Sông Đà - Hà Nội bị vỡ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn.
Trong văn bản gửi đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội, chủ đầu tư dự án là Vinaconex lý giải, vỡ ống là do các nguyên nhân khách quan, trong đó có rủi ro kỹ thuật vì thiếu kinh nghiệm. Theo Vinaconex, Bộ Xây dựng đã xác nhận, tại thời điểm lập và triển khai dự án, đường ống truyền tải nước sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh đường kính lớn chưa từng được áp dụng.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính xảy ra các sự cố trên được cơ quan chức năng xác định là do chất lượng ống không đạt tiêu chuẩn đồng đều (mặt cắt ngang của thành ống có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa).
Theo đó, cơ quan tố tụng truy tố tổng cộng 9 bị cáo thuộc Ban quản lý dự án, nhà thầu sản xuất ống là Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico) và Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco).
Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc cho rằng, cơ quan điều tra không làm rõ hành vi của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Vinaconex (Vinaconsult) với vai trò tổng thầu tư vấn thiết kế của dự án.
Điểm b, Mục 1, Phần VII (BL: 012838) trong Kết luận giám định 15/4/2015 của Bộ Xây dựng đã chỉ rõ: “Nhà thầu thiết kế không thực hiện việc tính toán kiểm tra độ bền và biến dạng của ống nằm trong đất theo tiêu chuẩn AWWA-M45”. Có tài liệu thể hiện, sau khi các đơn vị thi công đã lắp đặt tuyến ống sau hơn 1 năm khởi công, Vinaconsult mới tham gia thảo luận về phương pháp lắp ống cốt sợi thủy tinh qua các khu vực nền đất yếu, chứng tỏ sự tắc trách của đơn vị tư vấn thiết kế.
Tại Điểm d, Mục 1, Phần VII trong Kết luận giám định 15/4/2015 của Bộ Xây dựng chỉ ra lỗi vi phạm giống nhau của 3 cơ quan, tổ chức gồm Ban quản lý dự án, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công là “chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt”. Do đó, cơ quan tố tụng bỏ qua trách nhiệm của nhà thầu thi công là sự “lọt lưới” một cách khó hiểu.
Luật sư Lê Ngọc Hà cũng phân tích hợp đồng kinh tế giữa Ban quản lý dự án và Viwasupco. Nội dung chính hợp đồng là Viwasupco thực hiện việc tư vấn, giám sát thi công, xây dựng và lắp đặt thiết bị; theo dõi, kiểm tra khối lượng thi công, chất lượng sản phẩm…
Văn bản quy phạm pháp luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng là Bộ luật Dân sự 2005, Luật Xây dựng năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp cán bộ thuộc đoàn tư vấn giám sát vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm thì bên giao thầu - Ban quản lý dự án có quyền buộc Viwasupco phải bồi thường thiệt hại.
“Việc cơ quan điều tra khởi tố các cán bộ thuộc đoàn tư vấn giám sát là hình sự hóa quan hệ dân sự, can thiệp quá sâu vào quan hệ hợp đồng dân sự”, luật sư Hà nói.
Đối đáp tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tiếp tục giữ quan điểm, có đủ căn cứ xác định các lần vỡ ống do chất lượng ống không đảm bảo. Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01 là do chủ đầu tư phê duyệt áp dụng vào ngày 15/4/2004. Bị cáo Trần Cao Bằng, Giám đốc Viglafico ký công bố tiêu chuẩn AWWA áp dụng cho ống sợi thủy tinh.
Doanh nghiệp cam kết kinh doanh hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn công bố nêu trên. Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo hàng hóa và chịu trách nhiệm về hàng hóa do mình sản xuất - kinh doanh. Như vậy, nhà thầu tư vấn giám sát phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01.
Viện Kiểm sát nhân dân cũng cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản nêu rõ, ống composite cốt sợi thủy tinh không nằm trong danh mục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Qua đó cho thấy, cáo trạng truy tố các bị cáo là đủ căn cứ.
Phiên tòa xét xử dự kiến kéo dài đến ngày 15/3.